Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo trên quê hương cách mạng Nghệ An - XôViết, Chu Văn Điều (tên khai sinh của Đại tướng Chu Huy Mân) đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1929, ông tham gia Tự vệ đỏ và đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11/1930 khi mới 17 tuổi. Lời hứa danh dự trước cờ Đảng đã theo ông suốt chặng đường tham gia đấu tranh cách mạng, trải dài từ những năm tháng bị giam cầm trong nhà lao Vinh, bị tù đày ở Đắk Lay, Đắk Tô- Kon Tum, rồi vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945; trải qua hai cuộc trường chinh kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược, làm nghĩa vụ quốc tế với hai nước bạn Lào, Campuchia trong cuộc chiến tranh giải phóng và tiếp tục đảm nhiệm những trọng trách mà Đảng và Tổ quốc giao phó...
Vì vậy mà, ở đâu và trên bất cứ cương vị công tác nào - Đại tướng cũng luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng và sáng ngời phẩm chất cao cả của người cộng sản hết lòng vì nước, vì dân, luôn thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nói như nguyên Bí thư Trung Đảng - Hoàng Tùng: Đại tướng “là người cộng sản Việt Nam lớp đầu, vinh quang lớn của Chu Huy Mân là góp phần cống hiến sức mình vào thắng lợi chung của cách mạng và sự nghiệp xây dựng Đảng, quân đội, Nhà nước, nêu gương đạo đức cách mạng”[1]. Điều này đúng với Lời chúc Tết và Mừng thọ - bức Đại tự chữ Đức khi Đại tướng 93 tuổi. Đó là chữ Đức với ý tưởng sâu sa, hàm chứa trong lời dạy của cổ nhân, của Chủ tịch Hồ Chí Minh – “Đức là gốc" con người ông, tỏa sáng, gương sáng trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ và những ai từng được gặp, sống và làm việc cùng ông.
Với 76 năm tuổi Đảng, Đại tướng Chu Huy Mân đã vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm, đem sức mình cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân; lăn lộn trên các chiến trường từ Quân khu 4, Quân khu 5, quân khu Việt Bắc, Tây Bắc đến mặt trận Tây Nguyên, chiến trường miền Trung, Lào và Campuchia để góp sức lực và trí tuệ của mình vào thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Hành trình hoạt động cách mạng của ông để lại nhiều dấu ấn cùng những hồi ức đẹp trong lòng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân – những người từng đồng cam, cộng khổ, từng được ông chia ngọt, sẻ bùi trong hành trình đấu tranh gian nan vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Không dừng ở đó, nó cũng đậm sâu trong trái tim cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các bộ tộc Lào. Thấm nhuần lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “giúp bạn là tự giúp mình”, “giúp bạn để bạn làm chủ, tự đảm đương sự nghiệp cách mạng của mình”, tấm lòng đôn hậu, sự khiêm tốn, hòa nhã trong quan hệ với đội ngũ cố vấn - chuyên gia, với đội quân tình nguyện Việt Nam tại Lào và với các bạn Lào đã góp phần củng cố, tăng cường mối tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt – Lào, và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giúp bạn, được cán bộ, nhân dân bạn tin tưởng, yêu quý và ngợi ca. Đồng chí Khămtày Xiphănđon – Chủ tịch nước và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã nói: “Đồng chí Mân đúng là Phò Xiều Xan – một chuyên gia có tầm cỡ bậc ‘Thầy”. Hơn cả vậy, vị Đại tướng (với bí danh Thao Chăn) ấy thường rất ít khi nhắc đến công việc của mình tại Đoàn Cố vấn 100, chỉ thấy nhắc nhiều đến công việc chung, đến những cộng sự người Việt và người Lào một cách rất ân cần và nhẹ nhàng… đã luôn được cán bộ và nhân dân các bộ tộc Lào nhắc đến với tất cả sự tin yêu và kính trọng.
Trưởng thành từ một cán bộ ở cơ sở đến một vị Đại tướng dày dặn kinh nghiệm xông pha trận mạc, ông là một chỉ huy luôn có mặt ở những chiến trường quan trọng - “một công dân cần, kiệm, liêm, chính, dũng, nghĩa, lễ, trí, tín” tiêu biểu cho hình ảnh người lính Cụ Hồ, cho mối tình đoàn kết quân dân và hết lòng thương yêu chiến sĩ. Đã hơn một lần kiêm cả nhiệm vụ chỉ huy và công tác chính trị, ông luôn hoàn thành trọng trách được giao. Là người từng nhiều lần được gặp, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ, nhưng hè năm 1967, khi ra Bắc báo cáo tình hình và được Người cho gọi cũng là lần cuối cùng ông được gặp Người tại Thủ đô Hà Nội. Được ăn cơm cùng Bác tại ngôi nhà sàn nhưng ông cứ nghẹn ngào… Bác hỏi thăm, căn dặn ông về đạo làm tướng và khi ông báo cáo mình đang là Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, Bác đã trìu mến nói: “Chú Mân chịu khó gánh vác hai vai cho khỏe càng tốt”. Từ lời nói của vị Chủ tịch nước, cái tên thân thương – anh "Hai Mạnh" văn võ song toàn (Mạnh về chính trị và Mạnh về quân sự) đã ra đời và cái tên đó luôn làm ấm lòng những người lính trong chiến tranh cũng như hòa bình.
Tâm niệm rằng, thích ứng với quy luật khách quan và chủ quan ở chiến trường, đồng thời phải làm công tác tư tưởng tốt cho cán bộ và chiến sĩ là trách nhiệm của người cầm quân ở mặt trận, ông từng nói: Xương máu của chiến sĩ là vốn quý giá của dân tộc, của quân đội và của mỗi gia đình chiến sĩ, vì vậy, để bộ đội tổn thất là một trách nhiệm lớn của người chỉ huy. Chúng ta đều có trách nhiệm, đều phải rút kinh nghiệm để không được khinh xuất, đảm bảo thắng lợi trong mọi trận đánh với mức thương vong thấp nhất. Ông thường xuyên nhắc nhở đội ngũ cán bộ cấp trung, cao cấp là: ta đánh để lấy miếng chứ tuyệt đối không đánh để lấy tiếng, đánh thắng mà bộ đội thương vong cao thì ta nghĩ gì về xương máu bộ đội… Trong mọi hoàn cảnh, nhất là trước mỗi trận đánh, ông luôn phát huy cao tính dân chủ của tập thể để tạo sự thống nhất trong ý chí và hành động. Sự cẩn thận, chu đáo, trầm tĩnh phân tích và luận giải cặn kẽ tình hình thực tế đã giúp ông luôn bình tĩnh trước những thay đổi của tình hình, để có quyết sách sáng tạo nhất, phù hợp nhất, giành thắng lợi cao nhất.
Trong ký ức của nhiều người, Đại tướng là nhà quân sự, chính trị tài ba, kiên định, là tấm gương sáng về những phẩm chất đạo đức cách mạng, luôn một lòng vì dân, vì nước. Ông sống giản dị và cần, kiệm, thích ăn khoai, sắn và uống nước chè tươi - những "đặc sản" gắn với quê hương xứ Nghệ của ông; luôn sâu sát đơn vị, cơ sở, sâu sát chiến sĩ và nhân dân. Trong cuộc sống thường ngày, tình cảm ông dành cho người thân, cho đồng chí, đồng đội thân thương, trìu mến một người anh, người cha trong gia đình, luôn cùng đồng cam cộng khổ với cả những mặt mạnh và những hạn chế của họ để từ đó đề ra những quyết định chính xác, phù hợp với thực tiễn… Chuyện kể rằng, ông hiểu tâm tư người lính, quan tâm đến họ như người ruột thịt nên đã "chiêu đãi" những người lính mới vào chiến trường một bữa cơm “không độn gì”... Ông cũng từng vật lộn với đường sá lầy lội, ngồi trên xe ba cầu kéo pháo và cả đi bộ để đến được một đơn vị chiến đấu ở tiền tuyến. Và không quản mệt nhọc, ông chia sẻ, cảm thông với điều kiện sinh hoạt, đảm bảo hậu cần của chiến sĩ ngay tại căn lều bạt căng dưới gốc cây… Còn khi đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, dường như ông đã có mặt ở hầu hết các quân khu, quân đoàn, các quân binh chủng trong toàn quân và các chiến trường từ Bắc đến Nam. Mỗi khi đến thăm và làm việc ở đâu, tác phong giản dị, dễ gần của ông cũng khiến cán bộ, chiến sĩ khi gặp gỡ, trong tọa đàm không chỉ quán triệt được nhiệm vụ của mình, mà còn dám trình bày tâm tư, đề đạt nguyện vọng của mình. Không dùng phương pháp chỉ thị, áp đặt, ông thường nêu vấn đề, gợi ý cho cấp dưới suy nghĩ, tìm ra cách thức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế, tạo ra sự tự tin, đồng thuận trong tổ chức và triển khai nhiệm vụ.
Thấm nhuần lời dạy “có dân là có tất cả”, từng gắn bó với Tây Bắc, trên cương vị Chính ủy Quân khu Tây Bắc, rồi Bí thư Khu ủy Tây Bắc, ông không chỉ bàn bạc với tập thể lãnh đạo Quân khu, Khu ủy, cùng họ củng cố và tăng cường tình đoàn kết trên cơ sở của tình thương yêu đồng chí, mà còn thường xuyên động viên bộ đội, nhân dân các dân tộc Tây Bắc để xây dựng trong họ niềm tin vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lòng tin vào đồng chí và sự tự tin vào chính bản thân mình; cổ vũ đồng bào đẩy mạnh sản xuất, khắc phục từng bước nạn đói kinh niên, khắc phục những khó khăn, góp phần giải quyết lương thực tại chỗ trong đời sống của đồng bào và lực lượng vũ trang Tây Bắc và chú trọng xây dựng Đảng ở đại bàn cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số… Tâm thành, lòng trong, sự tận tâm, tận lực của ông đã được đền đáp. Sự phát triển của các tổ chức cơ sở Đảng từ Khu ủy xuống đến chi bộ, trải rộng khắp xã, làng, bản và tình đoàn kết gắn bó quân dân đã không chỉ tạo ra sự hiểu biết, tin tưởng, giúp đỡ lẫn nhau, mà còn làm cho sự phối hợp công tác đạt hiệu quả cao. Như “thiên mệnh”, ông lại gắn bó với Tây Nguyên. Trong những năm tháng gian lao đó, ông luôn dành sự quan tâm, tình thương yêu đến đồng bào các dân tộc và các lực lượng vũ trang Tây Nguyên. Chia sẻ những khó khăn với đồng bào khi “thiếu cơm, lạt muối”, cứu giúp đồng bào thuốc men khi ốm đau,v.v.. Những “rẫy sắn cách mạng”, “rẫy sắn bộ đội” được trồng khắp mọi nơi, trên đồi, ven suối, bên cạnh hố bom… đã không chỉ cứu đói cho bộ đội trong chiến tranh, mà còn thiết thực cứu đói cho bộ đội và đồng bào ngay cả những năm đầu miền Nam đã được giải phóng. Tấm lòng và những việc làm của ông in đậm trong trái tim đồng bào và chiến sĩ miền cao nguyên đầy nắng và gió này…
Sau chiến tranh và sau này, khi được phân công vào Khu 4 cùng Bộ tư lệnh Quân khu chỉ huy phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai năm 1978, ông nói với cán bộ cấp cơ sở: Công việc bây giờ nổi lên 4 vấn đề: 1/Không để dân đói; 2/ Không để dân rét; 3/ Không để dân chết vì bệnh tật; 4/Bảo vệ tốt trật tự trị an. Sự chỉ đạo của ông đã khiến những người cán bộ địa phương xúc động nghẹn ngào, tâm phục, khẩu phục nhân cách của một vị tướng…
Tham gia và là chỉ huy của nhiều chiến dịch quan trọng, ông luôn là người bình tĩnh và quyết đoán, là tấm gương sáng về đức hy sinh, tính thẳng thắn và cương trực. Ông tin ở cán bộ và chiến sĩ, luôn lấy lợi ích của cách mạng, lấy đoàn kết nội bộ làm mục tiêu và không để chủ nghĩa cá nhân chi phối mình. Trong mọi mối quan hệ, Đại tướng luôn là người tôn trọng nguyên tắc, tôn trọng tập thể; luôn phát huy dân chủ và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Chí công vô tư, ông được những người lính dưới quyền mình thừa nhận: “Cụ Mân rất công tâm và sáng suốt”. Với ông, chí công vô tư chính là: mỗi người khi làm việc thì đều có thể có sai và đúng, miễn là góp ý để cho nhau khắc phục khuyết điểm, tiến bộ với tình thương yêu chân thành. Quan điểm của ông là “trái thật phân minh và nghĩa tình cùng trọn vẹn” chứ không được định kiến, hẹp hòi.
Có một cách tiến hành tự phê bình và phê bình được Đại tướng- Anh Hai Mạnh- vị Tư lệnh, Chính ủy mặt trận Tây Nguyên tiến hành trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đã in đậm trong ký ức những người được tham gia và còn lưu truyền mãi đến ngày nay. Đó là: sau chiến thắng Plâyme- Iađrăng – chiến thắng phủ đầu quân đội Mỹ ở Tây Nguyên (11/1965)… Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên tổ chức lớp chỉnh huấn chính trị cho cán bộ trung, cao cấp. Mục tiêu là trong chỉnh huấn, động viên cán bộ nói hết tâm tư, vướng mắc của mình để cùng nhau tìm cách giải quyết, nhằm tập trung củng cố ý chí chiến đấu, phẩm chất khí tiết và xây dựng quyết tâm đánh đế quốc Mỹ của quân ta. Theo đó, trong đợt sinh hoạt chính trị nghiêm túc và sâu sắc này, mỗi cán bộ trung, cao cấp phải tự giác tự phê bình và phê bình, phải tự mình viết hai bản kiểm điểm - một bản nói về những ưu điểm và một bản nói về những khuyết điểm, những hành động trái với truyền thống và bản chất của quân đội nhân dân. Bất ngờ là, phát biểu kết thúc đợt chỉnh huấn đó, vị Đại tướng bao dung, nhân hậu ấy đã nói: “Đây là bản kiểm điểm của các đồng chí. Phần ưu điểm các đồng chí giữ lấy để phát huy trong hoạt động chiến đấu lâu dài, còn đây là những bản trình bày khuyết điểm, tôi đọc và thấy các đồng chí đã tự phê bình một cách nghiêm túc trách nhiệm chính trị của mình trước Đảng. Tôi tuyên bố đốt tất cả những bản về khuyết điểm”. Với tất cả sự thanh thản đó, toàn mặt trận bước vào một trận chiến đấu mới”[2]. Không dừng ở đó, ông còn luôn tâm niệm “khi viết, khi nói chỉ phê bình những người còn sống, còn đối với người đã chết, nếu có nói, viết chỉ khen mà thôi, không phê bình người chết”[3].
Thấu hiểu sâu sắc rằng, vấn đề quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng là phải xây dựng Đảng vững mạnh, ông còn là người rất quan tâm và chú trọng tới công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng trong sạch, xứng đáng với vị thế cầm quyền. Luôn trăn trở với công tác xây dựng Đảng, mỗi khi trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Đảng, ông thường quan tâm đến vấn đề chính trị, tư tưởng, tổ chức; đến phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đến mối liên hệ máu thịt Đảng - Dân… Cả những ngày cuối cùng trên giường bệnh, những điều ông trăn trở nhất, đau đáu nhất cũng vẫn là vấn đề xây dựng Đảng ta trong sạch. Theo ông, đó không chỉ là vấn đề của hiện tại, đó luôn là vấn đề quan trọng của tương lai và đó cũng là vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong bản Di chúc lịch sử để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Cũng theo Đại tướng, muốn đấu tranh quyết liệt, chiến thắng chủ nghĩa cá nhân - chiến thắng giặc nội xâm để mỗi cán bộ, đảng viên hướng lòng mình đến “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói thì toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phải chung sức, chung lòng và nâng cao dũng khí chiến đấu. Đề cao sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ cấp cao, Đại tướng từng nhắn nhủ những lời tâm huyết rằng, trước hết phải tạo ra được một phong trào tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên để từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống; tiếp đó là phải xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có tinh thần và luôn đặt mục tiêu phục vụ cách mạng và nhân dân lên trên hết, trước hết và nhất là phải chống cho được căn bệnh quan liêu, chuyên quyền, độc đoán, tham ô, lãng phí…
Trong ký ức của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 Tây Nguyên, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, những điều suy nghĩ của Đại tướng Chu Huy Mân: “Cuộc đấu tranh ngay trong Đảng để luôn giữ vững định hướng trong tình hình hiện nay có mặt còn khó khăn phức tạp hơn nhiều so với trong chiến tranh, cái khó nhất là vượt lên được”quyền và lợi ích cá nhân”; và chính có giữ vững được định hướng thì mới đủ sức vượt lên trong cuộc chiến mới đầy thách thức, cuộc sống đầy cạm bẫy mà Đảng ta đang ra sức khắc phục, hậu quả của tệ tham nhũng quan liêu không chỉ dừng lại ở phẩm chất đạo đức nữa, nếu không ngăn chặn thì đó chính là bàn đạp cho sự chuyển hóa về chính trị, sự thay đổi chế độ”[4] vẫn luôn đúng và có ý nghĩa về cả lý luận và thực tiễn.
Nghĩ vậy, nói vậy và ông cũng luôn làm vậy. Luôn giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong cuộc sống đời thường, ông sống trung thực, chan hòa và gắn bó với mọi người. Những người đã từng gặp ông, làm việc dưới quyền của ông ở mọi thời điểm đều cảm nhận thấy sự gần gũi, cởi mở, không phô trương hình thức, lời nói đi đôi với việc làm và luôn “giữ vững nếp sống cần cù giản dị suốt đời, dù đã là một nhà lãnh đạo hàng đầu”[5]. Sự giản dị toát ra từ phong cách sống, từ trong ứng xử đời thường. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng nói, dù Đại tướng hơn Chủ tịch gần ba con giáp nhưng Chủ tịch chẳng khi nào thấy ở Đại tướng “có sự phân biệt về ranh giới tuổi tác và quá trình cống hiến” và với Đại tướng thì đạo lý “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” mà cổ nhân đã dạy luôn là điều được đặc biệt quan tâm.
100 năm sau ngày ông sinh ra (17/3/1913 -17/3/2013), và gần 7 năm sau ngày Đại tướng vĩnh biệt chúng ta (1/7/2006), chân dung người cộng sản trung thành với lý tưởng cách mạng, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và quân đội, luôn can trường, đứng mũi chịu sào ở những chiến trường trọng điểm; luôn kiên cường, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành những trọng trách được giao phó; giàu nghĩa khí và tình cảm, sống cần, kiệm, liêm, chính, giản dị, chí công vô tư, gần gũi, yêu thương chiến sĩ và nhân dân; luôn chú trọng vun đắp và củng cố mối quan hệ hữ nghị đặc biệt Việt Nam - Lào… vẫn vẹn nguyên như thuở nào.
Cùng với thời gian, tâm nguyện làm thế nào để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, làm sao để người cán bộ, đảng viên giữ gìn được phẩm chất cao quý của người cách mạng cùng những trăn trở của ông khi nằm trên giường bệnh về sự suy thoái tư tưởng chính trị và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã cho thấy trách nhiệm của người đảng viên lớp gạo cội trước sự tồn vong của Đảng cầm quyền và chế độ. Nhắc lại những điều này để thêm một lần nhớ về ông - một vị Đại tướng luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng cả trong cả thời chiến và thời bình cũng để thêm một lần cảm nhận sâu sắc, ý nghĩa lớn lao của việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang thực hiện những di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, mà một trong những trọng tâm của nó là triển khai sâu rộng, nghiêm túc việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị./.
TS. Văn Thị Thanh Mai
[1] Đại tướng Chu Huy Mân- Nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, Nxb. CTQG, H, 2007, tr.55.
[2] Đại tướng Chu Huy Mân- Nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, Nxb. CTQG, H, 2007, tr.73.
[3] Đại tướng Chu Huy Mân- Nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, Sđd, tr.53.
[4] Đại tướng Chu Huy Mân- Nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, Sđd, tr.122.
[5] Đại tướng Chu Huy Mân- Nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, Sđd, tr.55-56.