Chủ Nhật, 24/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 7/3/2013 22:23'(GMT+7)

Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về sự nghiệp giải phóng phụ nữ

Hồ Chí Minh và các nữ đại biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, tháng 9/1960. (Ảnh tư liệu)

Hồ Chí Minh và các nữ đại biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, tháng 9/1960. (Ảnh tư liệu)

Thấy rõ “cách mệnh cũng cần có phụ nữ tham gia mới thành công”, ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng cuộc đấu tranh, thực hiện “nam nữ bình quyền”, thức tỉnh phụ nữ tham gia phong trào cách mạng và thông qua đó giải phóng chính mình. Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10-1930 đã thông qua một nghị quyết riêng về công tác vận động phụ nữ, khẳng định rõ: "Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được". Ngay trong Hội nghị đó, Trung ương Đảng chủ trương thành lập "Phụ nữ hiệp hội" nhằm tạo nên lực lượng hùng hậu cho cách mạng.  Từ đó, con đường giải phóng phụ nữ của Đảng ta được tổ chức triệt để, từng bước tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy vai trò trong kháng chiến và trong xây dựng đất nước.

Nhận thức có tính quyết định ấy đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng và trở thành nhận thức chung của toàn xã hội. Qua mỗi chặng đường lịch sử, vai trò của phụ nữ lại được nâng lên, động viên sức mạnh to lớn của chị em vào công cuộc cách mạng chung của dân tộc. Phụ nữ Việt Nam đã trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu trên toàn thế giới về khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và giải phóng con người. Trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, hàng triệu người mẹ, người vợ đã vượt qua muôn ngàn gian nguy, chấp nhận tất thẩy sự hy sinh, gian khổ, động viên chồng con đi chiến đấu, đảm đang việc nước việc nhà, vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Nhiều chị em đã dành hết tuổi thanh xuân của mình "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", tham gia trên nhiều chiến trường ác liệt, cùng với dân tộc viết nên bản anh hùng ca huyền thoại trong thế kỷ XX, xứng đáng với lời khen của Đảng và Nhà nước "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang", "Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang chống Mỹ, cứu nước".


 
 

Bà Nguyễn Thị Định (1920 -1992): Nữ tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trong thời kỳ đổi mới, phụ nữ Việt Nam cũng thật xứng đáng với danh hiệu 8 chữ vàng: “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng” mà Đảng và Nhà nước trao tặng. Hiện nay, phụ nữ chiếm 60% lực lượng lao động trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, y tế, văn hóa, giáo dục. Trong số người làm công ăn lương của cả nước, phụ nữ chiếm hơn 50,3%; chủ doanh nghiệp 32,4%; tỷ lệ nữ nhà báo gần 30%; số nữ có trình độ chuyên môn cao đã được nâng lên đáng kể: cao đẳng 61%, đại học 37%; thạc sĩ 33,95%, tiến sĩ 25,69%, tiến sĩ khoa học 5,1%; giáo sư 3,5%, phó giáo sư 5,9%; cán bộ của các cơ sở nghiên cứu 6,3%, trong đó chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước chiếm 10%; 10 nhà khoa học đoạt Giải thưởng Kovalepscaia; 19 nữ Anh hùng Lao động, hơn 250 nữ Chiến sĩ thi đua toàn quốc; các danh hiệu Nghệ sĩ, Nhà giáo, Thầy thuốc Nhân dân, Ưu tú... được trao tặng cho phụ nữ ngày càng nhiều hơn. Số phụ nữ tham gia Quốc hội khóa XII (2006-2011) đạt 25,76%, khóa XIII (2011-2016) đạt 24,4%, là một trong những nước đứng đầu khu vực Châu Á- Thái Bình Dương về tỉ lệ nữ tham gia Quốc hội và là một trong ít nước có tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội cao nhất thế giới. Trong hơn hai mươi năm qua, nước ta luôn có Phó Chủ tịch nước là nữ. Số phụ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp trong các khóa gần đây trung bình cả nước đạt 20%. Phụ nữ đã có nhiều đóng góp quan trọng, thể hiện tinh thần quyết tâm vươn lên làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân.

Tuy nhiên, sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở nước ta vẫn còn là một trong những nội dung quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước. Hiện nay, vẫn còn tồn tại và khá phổ biến những cản trở trong quá trình thực hiện giải phóng phụ nữ, khiến cho nhiều phụ nữ không chỉ thiệt thòi về quyền "bình đẳng giới" mà còn phải đối diện với sự bất công, oán hận, khiến họ đau khổ cả tinh thần đến thể xác. Những tệ nạn xã hội khiến phụ nữ phải gánh chịu đang còn khá nặng nề. Trong đó, thói “trọng nam khinh nữ”, bạo lực gia đình, nạn bạo hành, buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục, tinh thần, ... chưa được ngăn chặn, thậm chí đang ngày càng gia tăng. Có những vụ án nghiêm trọng mà ngay cả trong xã hội cũ lạc hậu, chúng ta cũng chưa từng nghe thấy. Nhiều vụ án đã gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh cho cả xã hội, nhưng đằng sau đó vẫn chỉ là sự nén đựng của phụ nữ.  Chi bộ, chính quyền và nhân dân địa phương nhiều nơi vẫn “làm ngơ” và coi đó là chuyện riêng tư của gia đình họ. Sự thờ ơ của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và của cộng đồng làm cho nhiều phụ nữ phải cam chịu khổ đau, uất ức, khiến họ quên mất, hoặc không biết những lợi quyền của họ cần được bênh vực và bảo vệ.

Cho đến nay, về cơ bản, nước ta đã có một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, như Hiến pháp, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Đất đai… Chúng ta cũng đã tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và có một hệ thống các ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở hầu hết các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước, nhưng bức tranh về giải phóng phụ nữ vẫn còn nhiều “mảng tối” làm nhức nhối xã hội. Dường như, điều mà Bác Hồ lúc sinh thời luôn căn dặn Đảng ta “phải thật sự giải phóng phụ nữ và thật sự tôn trọng quyền lợi của phụ nữ” vẫn còn là nhiệm vụ rất nặng nề.

Trong một kết quả nghiên cứu do Việt Nam và Liên hợp quốc tiến hành được công bố ngày 25/11/2010, ở Việt Nam có tới 58% phụ nữ bị chồng đánh đập, hoặc bị người chồng bạo hành tình dục, bạo hành về tinh thần ít nhất một lần trong đời. Trong thực tế hiện nay, thực trạng đó vẫn chậm được cải thiện. Những vi phạm các quyền cơ bản của phụ nữ vẫn còn diễn ra dai dẳng, thậm chí là phổ biến trên quy mô rộng khắp cả nước. Từ mọi vùng miền của đất nước, ngay cả trong những nơi đô thị có dân trí cao, trong những gia đình trí thức, doanh nhân, cả vợ và chồng đều thành đạt, nhưng nạn bạo hành, ngược đãi, coi khinh phụ nữ vẫn diễn ra với tính chất và mức độ ngày càng phức tạp. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, hằng năm trên cả nước ta có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân chính là do bạo lực gia đình. Cũng theo thống kê của bệnh viện và các trung tâm y tế lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hàng năm do nguyên nhân bạo lực gia đình. Theo báo cáo của Bộ Công An, trên cả nước cứ 2-3 ngày lại có một người bị giết có liên quan đến bạo lực gia đình, trong đó chủ yếu là phụ nữ. (theo Nhân dân hằng tháng số 163, tháng 11-2010).

Một nghiên cứu của Liên hợp quốc tại Việt Nam năm 2010 cũng cho thấy, ước tính tác động kinh tế của bạo lực gia đình dẫn đến mất năng suất lao động là 1,78% GDP. Việt Nam vẫn còn là một xã hội còn tồn tại tình trạng gia trưởng sâu sắc, phụ nữ vẫn bị đánh giá thấp so với đàn ông. Trong thực tế, những thay đổi quan niệm của nam giới vể “bình đẳng giới” vẫn đang còn là kỳ vọng. Trách nhiệm gia đình và xã hội vẫn đang đặt lên vai người phụ nữ một “gánh nặng kép”, trong đó, việc chăm sóc gia đình và công việc nội trợ đòi hỏi phụ nữ vẫn tiếp tục phải gánh vác.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là do một bộ phận trong xã hội chưa nhận thức đầy đủ, trách nhiệm cần phải bảo vệ và giải phóng phụ nữ. Từ đó, vô tình hay cố ý họ đã vi phạm vào các quyền cơ bản của phụ nữ. Bên cạnh đó, bản thân phụ nữ chưa tự vươn lên để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình. Một số nhược điểm như nhút nhát, e ngại, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình vẫn còn tồn tại trong chị em phụ nữ. Mặt khác, các khó khăn về gia đình, con cái, dư luận, khiến nhiều phụ nữ không dám đấu tranh và tự bằng lòng chấp nhận những thiệt thòi về mình, kể cả những điều xấu nhất.


Trong công tác cán bộ, chủ trương của Đảng quy định: “Bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ không dưới 15% trong quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ban lãnh đạo chính quyền các cấp. Đối với cấp huyện và tương đương trở lên nhất thiết phải có cán bộ nữ trong cơ cấu lãnh đạo: ban thường vụ cấp ủy, thường trực hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân quận, huyện; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; bộ, ngành Trung ương...”
[1],  nhưng nhiều nơi vẫn chưa thành hiện thực, có những ban Đảng Trung ương và của tinh nhiều năm không có, hoặc có rất ít lãnh đạo ban là nữ. Chiến lược xây dựng đào tạo cán bộ nữ trong thực tế chưa được nhiều cấp ủy quan tâm. Bản thân phụ nữ, nhiều người không mặn mà với điều kiện, cách thức sử dụng, bổ nhiệm cán bộ hiện nay để phấn đấu, nhất là khi xã hội còn tồn tại tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp”. Để giữ gìn phẩm giá và yên ổn cuộc sống gia đình, nhiều phụ nữ chấp nhận sự bất cập và tự bằng lòng với cuộc sống.

Trong pháp luật, tuy thể hiện rất rõ sự quan tâm đến phụ nữ, nhưng vẫn còn những điều chưa hoàn thiện, dẫn đến sự thiệt thòi của phụ nữ. Đơn cử, theo một kết quả nghiên cứu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ luật này không nêu rõ phần lớn nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ; vấn đề bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực do chồng gây ra cũng không được khẳng định rõ ràng là một vi phạm về quyền con người. Luật này chỉ đưa ra các chế tài dân sự như ra lệnh cấm, phạt tiền, hòa giải và cải tạo mà không đề cao các chế tài hình sự. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự là rất ít (chỉ khoảng 1%). Vừa qua, tại một diễn đàn về phòng, chống bạo lực gia đình, Hội Phụ nữ Việt Nam khuyến nghị cơ quan quản lý về phòng, chống bạo lực gia đình các cấp cần thay đổi cách tiếp cận phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tiếp cận đa chiều, thay vì chỉ tập trung vào nhóm đối tượng bị tổn thương. Đây là biện pháp tích cực để tiếp tục phối hợp, thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới, nhằm xóa bỏ và ngăn chặn mọi hình thức bạo lực, coi thường và ngăn cản sự phát triển của phụ nữ.

Phấn đấu giải phóng phụ nữ là xóa bỏ những tình trạng xấu nêu trên. Chừng nào còn “bất bình đẳng giới”, trong xã hội; chừng nào phụ nữ chưa thật sự được tôn trọng, nạn bạo hành, buôn bán phụ nữ vẫn còn; chừng nào phụ nữ chưa tin tưởng ở khả năng của mình, chưa phát huy tinh thần tự chủ, ý chí tự cường, tự lập để vừa hoàn thành tốt nghĩa vụ đối với gia đình và công tác xã hội, thì phụ nữ vẫn chưa thật sự được giải phóng.

Việc thực hiện bình đẳng giới, phấn đấu giải phóng phụ nữ là một công việc khó khăn, lâu dài và phức tạp. Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ rất sớm đã thấy rõ điều đó: “Trọng nam khinh nữ là thói quen mấy nghìn năm để lại vì nó đã ăn sâu trong đầu óc mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Nó đã trở thành một vấn đề tâm lý xã hội. Bởi vậy, cuộc đấu tranh chống phân biệt đối xử với phụ nữ là cuộc đấu tranh tư tưởng lâu dài, khó thực hiện”[2]. Người luôn yêu cầu: “Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta phải luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ”[3]; “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”[4]. Đối với phụ nữ, Người căn dặn: “... Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”[5]. “Chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội...”[6].

Trong nhiều chủ trương của Đảng ta cũng đều nêu rõ: Giải phóng phụ nữ là “ngày càng nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất tinh thần, thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, tập trung ở những vùng và khu vực có sự bất bình đẳng và nguy cơ bất bình đẳng cao; ngăn chặn đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực trong gia đình. Tạo điều kiện để phụ nữ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu, công việc, nhiệm vụ”[7].

Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, cùng với việc xây dựng các thiết chế xã hội, thiết chế gia đình bền vững, thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử về giải phóng phụ nữ. Thiết nghĩ, đây là một trong những nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng nước ta, nhất là trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.

Phương Vinh

[1] Nghị quyết số 42 ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 24-KL/TW ngày 5/6/2012 của Bộ Chính trị khóa XI

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t 6, tr. 432

[3] Hồ Chí Minh: Bài nói chuyện tại Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III ngày 9-3-1961, sđd, t.10, tr. 296

[4] Di Chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H.2010, tr.30

[5] Hồ Chí Minh: Bài nói tại Hội nghị cán bộ thảo luận Luật hôn nhân và gia đình ngày 10-10-1959, sđd, t.9, tr.523, 524

[6] Hồ Chí Minh: sđd, t.10, tr. 296

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội 2011, tr.231

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất