1. NHÀ LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ MẪU MỰC VÀ TÀI NĂNG CỦA QUÂN ĐỘI
Là Cục trưởng đầu tiên của Cục chính trị, đồng chí Văn Tiến Dũng đã có những đóng góp to lớn trong việc đặt nền móng xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị, hệ thống cơ quan chính trị, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt, nhất là về chính trị, tư tưởng. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí đã chỉ đạo Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam đề ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, mà trước mắt là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cổ động, công tác địch vận và công tác huấn luyện chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ nhất (2/1947) đã đề ra 12 điều kỷ luật dân vận, 10 nhiệm vụ của công tác chính trị trong quân đội, cũng như quyết nghị xây dựng chế độ công tác chính trị; kiện toàn tổ chức cơ quan công tác chính trị trong toàn quân. Đến tháng 3/1948, dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Văn Tiến Dũng, Hội nghị chính trị viên toàn quốc lần thứ hai thống nhất đề nghị thiết lập chế độ chính trị ủy viên từ cấp trung đoàn trở lên và chế độ chính trị viên từ cấp tiểu đoàn trở xuống; thống nhất quy định về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cơ quan công tác chính trị các cấp, về công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị viên và giáo dục chính trị cho cán bộ quân sự.
Là người đứng đầu Cục Chính trị, đồng chí Văn Tiến Dũng sớm nhận thấy sự thiếu hụt và sự yếu kém của đội ngũ cán bộ chính trị, nổi bật là “phần đông cán bộ chưa nắm vững được những nguyên lý của công tác chính trị, mà lối làm việc lại hết sức thủ công nghiệp. Do chưa nắm vững được những nguyên lý đó, nên công tác tư tưởng có chỗ sai lầm, có chỗ thiếu sót, cũng vì thế nên nỗ lực thì nhiều nhưng kết quả thì ít”(1). Để khắc phục tình trạng này, đồng chí Văn Tiến Dũng đã kịp thời chỉ đạo Cục Chính trị nghiên cứu đề xuất để Trung ương Quân ủy có chủ trương tiếp tục điều động thêm cán bộ của Đảng vào quân đội, đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ và mở các trường huấn luyện, đào tạo cán bộ chính trị cho quân đội. Với sự chỉ đạo tích cực của đồng chí, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm chính trị viên trung đội và đại đội đã được học tập, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, trình độ kiến thức, năng lực tiến hành công tác chính trị. Khi mới thành lập, Cục Chính trị mới có gần 10 cán bộ, nhân viên, nhưng đến tháng 9/1948 đã lên tới 378 người, đảm bảo cho Cục hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Vào giữa năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, ở một số đơn vị có cán bộ nhận thức chưa đúng về cuộc kháng chiến, thậm chí có tư tưởng tuyệt đối hóa vai trò của công tác quân sự, coi đó là giải pháp của mọi vấn đề và xem nhẹ công tác chính trị. Nhằm khắc phục, sửa chữa những nhận thức sai lầm này cũng như củng cố lập trường, tư tưởng cán bộ, chiến sĩ trước khi chuyển sang giai đoạn tổng phản công, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng chỉ đạo Cục chính trị đề xuất tổ chức Hội nghị “Rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội” (5/1949) và đề xuất với Trung ương, Bộ Tổng Chỉ huy tiếp tục “nâng cao trình độ chính trị của quân đội, giáo dục phương pháp nhận xét theo lối biện chứng; đưa các hiện tượng thuần túy quân sự ra nhận xét, mổ xẻ; dựa trên nền tảng nhân dân cách mạng mà giáo dục bộ đội; phải phân quyền giữa đội trưởng và chính trị viên dứt khoát”(2).
Nhằm tạo sự thống nhất về công tác chính trị, công tác đảng trong quân đội, đồng chí Văn Tiến Dũng chỉ đạo cơ quan xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác chính trị cho các cấp; chủ động nghiên cứu, soạn thảo, ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn, kế hoạch hoạt động công tác chính trị và chủ trì nhiều hội nghị quan trọng về công tác chính trị. Các chỉ thị, hướng dẫn của Cục Chính trị như: Chỉ thị về công tác tuyên truyền (9/1947); Chỉ thị công tác chính trị trong cuộc vận động “Luyện quân lập công” (12/1948); xây dựng “Đề án về công tác chính trị trong năm 1948”; Về nhiệm vụ công tác chính trị trong toàn quân năm 1949... đã đáp ứng nhu cầu cấp bách lúc này là định hướng, thống nhất hoạt động công tác chính trị trong toàn quân, từng bước đưa hoạt động công tác chính trị đi vào nền nếp.
Bên cạnh đó, công tác tổng kết thực tiễn được đồng chí Văn Tiến Dũng chú trọng. Đồng chí chỉ đạo Cục Chính trị theo định kỳ từng tháng, nửa năm, hàng năm, báo cáo chuyên đề hoặc khi có những vấn đề đột xuất phải kịp thời tổng hợp báo cáo Trung ương Quân ủy, Bộ Tổng Chỉ huy và Tổng Chính ủy. Các báo cáo phải đề cập một cách toàn diện, đánh giá đúng, sát tình hình công tác chính trị trong quân đội, thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém và nguyên nhân, đúc rút các bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó xác định phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp tiến hành công tác chính trị trong thời gian tiếp theo. Những văn bản này như: Báo cáo “Tình hình chính trị công tác trong bộ đội” (6/1947), Báo cáo Trung ương Quân ủy và Bộ Tổng Chỉ huy về tình hình công tác chính trị sau một năm kháng chiến (1/1948); Báo cáo Tổng Chính ủy về phương châm công tác chính trị năm 1949 (1/1949)... giúp Trung ương Quân ủy, Bộ Tổng Chỉ huy, Tổng Chính ủy nắm chắc tình hình quân đội để chỉ đạo công tác chính trị trong toàn quân sát hợp với tình hình thực tế; đồng thời, giúp cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở nhận thức rõ ưu, khuyết điểm để tự điều chỉnh, từng bước làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Dưới sự chỉ đạo của Cục trưởng Văn Tiến Dũng, trong một thời gian ngắn sau khi thành lập, Cục Chính trị đã kịp thời chỉ đạo toàn quân khẩn trương kiện toàn hệ thống tổ chức đảng, từ Trung ương Quân ủy xuống đến khu ủy, trung đoàn ủy, tiểu đoàn ủy và chi bộ, bảo đảm cho bộ máy vận hành cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội đi vào hoạt động có nền nếp ngay từ đầu. Hệ thống cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị có bước phát triển nhanh chóng, làm nòng cốt tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Trình độ chính trị, rèn luyện tinh thần chiến đấu của các lực lượng vũ trang được nâng cao rõ rệt. Đó chính là những yếu tố quan trọng, đảm bảo cho quân đội phát triển, trưởng thành và chiến thắng vẻ vang.
2. VỊ TƯỚNG THAO LƯỢC, NGƯỜI CHỈ HUY QUÂN SỰ TÀI NĂNG VÀ THỰC HÀNH CHIẾN LƯỢC XUẤT SẮC
Đầu năm 1951, trước yêu cầu đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng được Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ thành lập Đại đoàn 320 - một trong sáu đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó được cử giữ chức Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đại đoàn(3). Lúc mới thành lập, Đại đoàn có 4 tiểu đoàn chưa đủ cả về quân số, trang bị và còn yếu cả về kỹ thuật, chiến thuật. Vượt qua mọi khó khan, gian khổ, vận dụng sáng tạo quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa bàn, theo phương châm “Dựa vào dân mà chiến đấu”, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Văn Tiến Dũng, Đại đoàn 320 đã đánh bại đánh bại nhiều cuộc càn quét, tập kích của các binh đoàn cơ động quân Pháp và tham gia 8 chiến dịch, trong đó có 2 chiến dịch tạo chuyển biến lớn là Chiến dịch Hòa Bình và Chiến dịch Tây Nam Ninh Bình; đồng thời, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, phát triển rộng khắp phong trào du kích chiến ở đồng bằng Bắc bộ, làm rối loạn chiến lược chiến tranh của Pháp. Những năm hoạt động ở vùng địch hậu trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại đoàn 320 đã biến vùng tạm chiếm của địch thành hậu phương rộng lớn của ta. Từ những thắng lợi của Đại đoàn ở vùng đồng bằng dưới tài thao lược, chỉ huy của đồng chí Văn Tiến Dũng đã hình thành lý luận nghệ thuật quân sự với “cách sử dụng lực lượng thọc sâu táo bạo, “đánh nở hoa trong lòng địch” đã giáng đòn choáng váng, làm cho quân địch kinh hoàng”(4).
Tháng 11/1953, để đáp ứng nhu cầu chỉ đạo chiến tranh ngày càng cao ở cơ quan chiến lược, với tài năng quân sự được thể hiện một cách rõ nét, Bộ Chính trị quyết định điều động đồng chí Thiếu tướng Văn Tiến Dũng bổ sung vào Tổng Quân ủy(5), về làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cương vị mới, đồng chí đã cùng Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh nhanh chóng bắt tay vào triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Với tài thao lược quân sự, đồng chí đã nhanh chóng tổ chức lực lượng, nghiên cứu, rà soát các phương án đánh địch; khắc phục những khó khăn, chỉ đạo công tác chuẩn bị mọi mặt cho các mặt trận, đặc biệt là cho cuộc tổng công kích giành thắng lợi của quân đội ta ở chiến trường Điện Biên Phủ. Trước một kẻ thù có tiềm lực quân sự lớn mạnh, để xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội, đồng chí Văn Tiến Dũng cùng các đồng chí trong Tổng Quân ủy rất chú trọng công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ thấy rõ những điểm mạnh của ta, chỗ yếu, chỗ sơ hở của địch, qua đó củng cố niềm tin vào thắng lợi cuối cùng.
Đại tướng Văn Tiến Dũng thăm Binh đoàn Quyết thắng (1975). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Văn Tiến Dũng cùng Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng, đã tập trung tích cực chỉ đạo phát triển chiến tranh nhân dân bảo vệ và xây dựng hậu phương miền Bắc; đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Đồng chí đã luôn theo sát tình hình, nghiên cứu kỹ lưỡng các chiến lược để kịp thời đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đưa các quyết sách đúng đắn, kịp thời cho từng chiến trường, từng giai đoạn lịch sử. Đồng chí cùng tập thể Tổng Quân ủy ra những chỉ thị, nghị quyết quan trọng nhằm xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, điển hình như: Nghị quyết về tổ chức Đảng ở các đại đoàn bộ và trung đoàn bộ (ngày 8/3/1955); thông qua Điều lệ Công tác chính trị của quân đội (tháng 11/1958)...
Đồng chí Văn Tiến Dũng nhiều lần được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh phái đến các mặt trận để trực tiếp chỉ đạo tác chiến các Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), Chiến dịch Trị - Thiên (1972), Chiến dịch Tây Nguyên (3/1975)... Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (4/1975), được giao trọng trách là Tư lệnh, đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Với tư chất của một nhà chỉ huy quân sự mưu lược tài năng, đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh Chiến dịch đề ra cách đánh của là: Dùng một bộ phận lực lượng thích hợp, trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch lại không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài, đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng của ta nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới hóa mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được lựa chọn trong nội thành. Với cách đánh táo bạo đó, ta đã nhanh chóng giải phóng Sài Gòn, đảm bảo cho thành phố ít bị tàn phá, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư thứ nhất rồi Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, đồng chí Văn Tiến Dũng tiếp tục có những cống hiến to lớn trong khắc phục hậu quả chiến tranh và triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trọng tâm là xây dựng quân đội nhân dân, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, tăng cường khả năng phòng thủ đất nước, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
3. NHÀ LÝ LUẬN KHOA HỌC QUÂN SỰ TÀI BA
Hơn 65 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Văn Tiến Dũng có trên 45 năm công tác trong quân đội. Trưởng thành từ thực tiễn của những chiến trường ác liệt và đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau, đồng thời cũng là người có tầm nhìn xa trông rộng với tư duy sắc sảo, đồng chí nêu lên và tổng kết nhiều vấn đề về chiến lược, nghệ thuật quân sự, có đóng góp lớn đối với nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Từ thực tiễn chỉ đạo chiến tranh và qua những tác phẩm về quân sự như: Cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn thắng; Bàn về những kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng ta; Mấy vấn đề về nghệ thuật chiến dịch của chiến tranh nhân dân Việt Nam; Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự Việt Nam..., có thể đúc rút một số quan điểm cơ bản về quân sự của Đại tướng Văn Tiến Dũng:
Quan điểm xuyên suốt trong việc xây dựng quân đội của Đại tướng Văn Tiến Dũng là nắm vững mối quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối quân sự theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng có hại”. Đại tướng nhấn mạnh đường lối quân sự là một bộ phận trong đường lối cách mạng của Đảng, xuất phát từ đường lối cách mạng của Đảng, gắn bó hữu cơ với đường lối chính trị, đường lối kinh tế, đường lối đối nội, đường lối đối ngoại của Đảng.
Đại tướng Văn Tiến Dũng thăm xưởng in Quân đội (1983). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đồng chí nêu lên quan điểm hiện đại về quốc phòng toàn dân là “nền quốc phòng do dân và vì dân với ý nghĩa đầy đủ nhất”(6) mà sức mạnh quốc phòng của ta phải là sức mạnh tổng hợp của chế độ xã hội chủ nghĩa về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, phải gắn liền với việc phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng trên cả nước, trên từng địa phương. Phải sẵn sàng để nhanh chóng động viên những tiềm lực ấy thành sức mạnh của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí chỉ rõ “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, hiện đại, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng. Việc này phải được thể hiện trong thế bố trí chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng, trong chiến lược kinh tế, phân bổ lao động, xây dựng các công trình...”(7). Tiềm lực của quốc phòng còn là chuẩn bị kế hoạch, bao gồm kế hoạch phòng thủ đất nước, kế hoạch chuẩn bị động viên quân đội, kế hoạch động viên kinh tế, kế hoạch phòng thủ dân sự. Những kế hoạch đó được thể hiện cụ thể ở việc thực hiện nghiêm chỉnh luật nghĩa vụ quân sự; kế hoạch sẵn sàng động viên nhân lực, vật lực cho chiến tranh; từng bước xây dựng nền công nghiệp quốc phòng; quốc phòng phải gắn chặt với an ninh và văn hóa xã hội; v.v..
Trọng tâm xây dựng sức mạnh quốc phòng là phải xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Theo đồng chí, hệ thống tổ chức quân sự trên cả nước phải được xây dựng hoàn chỉnh, thật sự khoa học, thống nhất trong cả nước, từ Trung ương đến các quân khu, quân chủng, binh chủng, đơn vị, địa phương; có lãnh đạo, chỉ huy chặt chẽ, thống nhất với nòng cốt là một lực lượng thường trực mạnh và một lực lượng dự bị hùng hậu; phải “có những quân chủng ngày càng hiện đại, cả lục quân, không quân, hải quân và phòng không với những binh chủng cần thiết có thể cơ động trên khắp các chiến trường, có khả năng đánh độc lập và đánh hiệp đồng quân chủng, binh chủng trên các quy mô, đánh địch trên đất liền, trên biển và trên không”(8).
Kết hợp chặt chẽ xây dựng con người và vũ khí, trong đó lấy xây dựng con người, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm nhân tố quyết định. Theo Đại tướng, một trong những điều quan trong bậc nhất trong nhiệm vụ xây dựng quốc phòng là “phải có con người có lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, căm thù giặc và dám đánh giặc, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, được bảo đảm tốt về đời sống, tổ chức, trang bị, cách đánh”(9). “Vũ khí, trang bị là một yếu tố cơ bản của quân đội và là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sức chiến đấu của quân đội”(10).
Tổng kết nghệ thuật quân sự Việt Nam, Đại tướng khái quát và nêu lên 5 đặc điểm nổi bật:
1. Là nghệ thuật quân sự của chiến tranh chính nghĩa, tự vệ giải phóng của một nước nhỏ, yếu đánh thắng đội quân xâm lược của một nước lớn, mạnh, thắng giặc ngay trên đất đai của Tổ quốc mình;
2. Là nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh vũ trang của toàn dân có lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân làm nòng cốt, kết hợp hai phương thức đánh giặc cơ bản là đánh du kích và đánh tập trung;
3. Là nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh vũ trang hiệp đồng chặt chẽ với đấu tranh chính trị, với khởi nghĩa vũ trang và các mặt đấu tranh khác;
4. Là nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh vũ trang trong các cuộc chiến tranh tự vệ và giải phóng đánh lâu dài và dựa vào sức mình là chính;
5. Là nghệ thuật đánh địch bằng cách đánh mà ta đã lựa chọn và không cho địch đánh theo cách đánh sở trường của chúng(11).
Với những đóng góp to lớn cả trong thực tiễn và lý luận quân sự, “Đại tướng Văn Tiến Dũng đã cùng với Quân ủy Trung ương vận dụng sáng tạo đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân lớn mạnh không ngừng, góp phần to lớn vào sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam”(12). Đó là là “một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng” của dân tộc Việt Nam”(13)./.
TS. Lê Thị Hằng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
_____________________
(1) Tổng cục Chính trị: Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-2000), Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2002, tr.193.
(2) Tổng cục Chính trị: Quá trình hình thành tổ chức và chỉ đạo công tác đảng - công tác chính trị trong quân đội, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1998, t.1, tr.243-244.
(3) Đại đoàn 320 gồm các Trung đoàn 48, 52, 64 chủ lực của Liên khu 3 chuyển sang
(4) (13) Nhớ mãi Đại tướng Văn Tiến Dũng (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2004, tr.213, 50.
(5) Tổng Quân ủy (sau này là Quân ủy Trung ương) là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng trong quân đội. Thời kỳ này Tổng Quân ủy gồm 4 đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Bí thư; Nguyễn Chí Thanh, Phó Bí thư; Trần Đăng Ninh và Văn Tiến Dũng.
(6) (7) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Tuyển tập, Nxb Quân đội nhân dân, H, 2007 tr.1017, 1054.
(8) Văn Tiến Dũng: Sức mạnh giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới, Nxb Sự thật, H, 1979, tr.47.
(9) Văn Tiến Dũng: Cả nước là Diên Hồng mỗi góc biên cương đều là Chi Lăng, Nxb. Sự thật, H, 1984, tr.38.
(10) Văn Tiến Dũng: Chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1978, tr.311.
(11) Dẫn theo Văn Tiến Dũng Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, tr.254.
(12) Điếu văn truy điệu Đại tướng Văn Tiến Dũng do Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đọc tại Lễ truy điệu (ngày 21/3/2002).