Thứ Ba, 1/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 3/2/2014 22:3'(GMT+7)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp Và Hà Nội mùa đông năm 1946

Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp duyệt binh lần đầu ở Hà Nội sau khi giành được chính quyền. Ảnh tư liệu

Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp duyệt binh lần đầu ở Hà Nội sau khi giành được chính quyền. Ảnh tư liệu


Sau này nhìn lại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, nhân dân Hà Nội đã làm nên một điều mà theo nhiều nhà lý luận quân sự kinh điển thì khó mà làm được”. (Võ Nguyên Giáp – Toàn tập Hồi ký NXB QĐND 2006 tr.385). Đó là do hoàn cảnh đặc biệt, theo thỏa thuận giữa đồng minh với sự chấp thuận của Chính phủ ta, quân Pháp được vào miền Bắc làm nhiệm vụ tiếp phòng thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch rút về nước. Lúc này những đơn vị viễn chinh Pháp đã có mặt ở Hà Nội cũng như ở nhiều thành phố, thị xã trên miền Bắc. Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu đã sớm nghĩ tới việc chuẩn bị chiến đấu bảo vệ Hà Nội và các thành phố khác. Bộ Tổng tham mưu tập trung nghiên cứu cách đánh trong thành phố, cách đánh xe tăng thiết giáp, cách phá hoại đường xá.

Trung tuần tháng 11-1946, sau khi rời nước Pháp về nước, Bác Hồ trong một buổi làm việc, hỏi Võ Nguyên Giáp: “Nếu vạn nhất không tránh được chiến tranh thì Hà Nội có thể giữ trong bao lâu?”. Võ Nguyên Giáp đáp: “Phải cố giữ ít nhất là nửa tháng” (Sau này quân và dân Hà Nội đã giữ được hai tháng).

Với tư cách là người được Đảng phân công phụ trách công tác quân sự, Võ Nguyên Giáp thường xuyên làm việc với Bộ Tổng tham mưu và Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội về kế hoạch tác chiến cho Thủ đô Hà Nội và chung cho các thành phố khác. Cuối tháng 11, trong một cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng với Bộ Chỉ huy và Ủy ban Bảo vệ chiến khu đặc biệt Hà Nội (Khu 11) mới thành lập, có mặt các đồng chí Vương Thừa Vũ - Chỉ huy trưởng, Trần Quốc Hoàn - phái viên của Trung ương theo dõi mặt trận Hà Nội, Nguyễn Văn Trân – Chủ tịch Ủy ban bảo vệ… Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp trình bày nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô theo chỉ thị của Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng:

1. Phải tiêu hao, tiêu diệt được một bộ phận quân địch, giam chân chúng càng lâu càng tốt tại Hà Nội, tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào chiến tranh.

2. Đi đôi với tiêu diệt địch, phải giữ gìn lực lượng ta. Theo dõi sát tình hình mặt trận để lúc cần thì chủ động rút lực lượng ra ngoài cùng với toàn quân toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài.

3. Thủ đô Hà Nội phải nêu cao tinh thần anh dũng và sáng tạo chiến đấu, làm gương cho cả nước, đoàn kết chặt chẽ giữa bộ đội, tự vệ chiến đấu, tự vệ thành, lực lượng công an. Đoàn kết và giúp đỡ đồng bào chưa kịp tản cư và ngoại kiều.

Từ những đặc điểm địch, ta tại Thủ đô và trên cả nước, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp nêu lên biện pháp tác chiến chủ yếu là: “Sử dụng lực lượng nhỏ, triệt để lợi dụng địa hình địa vật ở từng khu phố, dựa vào những nhà có kiến trúc kiên cố, xây dựng nhiều chướng ngại vật trên các đường phố, đánh địch bằng mọi hình thức, tránh tung lực lượng vào những trận quyết chiến lớn, gây khó khăn lúng túng cho địch bằng nhiều chiến thắng nhỏ”. Sau khi suy nghĩ cân nhắc kỹ, Bộ chỉ huy Khu 11 trình bày kế hoạch “Trong đánh ngoài vây” theo cách nói của đồng chí Vương Thừa Vũ là “trùng độc chiến”. Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp tán thành kế hoạch này, một kế hoạch “nội công ngoại kích” gây cho địch nhiều lúng túng, phải đối phó với cả hai mặt bên trong và bên ngoài, đồng thời bảo đảm tính cơ động của bộ đội ta, không bị cố định trong những phòng tuyến cứng nhắc. Trung tuần tháng 12-1946, Võ Nguyên Giáp báo cáo với Bác Hồ: “Có thể giữ Hà Nội từ một tháng trở lên”.

Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp quyết định nổ súng vào 20h ngày 19-12-1946. Điều bất ngờ đối với quân đội viễn chinh Pháp là một đội quân non trẻ trang bị yếu kém lại dám nổ súng trước vào quân đội viễn chinh. Đó là lợi thế duy nhất mà ta giành được khi khởi đầu cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đúng 20h03 ngày 19 tháng 12 năm 1946. Đèn điện Hà Nội phụt tắt. Đại bác từ pháo đài Láng gầm lên. Liên khu 1 là trọng điểm, tiêu biểu nhất cho cuộc chiến đấu ở Thủ đô. Tết Đinh Hợi (1947) mở đầu cho nhiều cái Tết tiếp theo trong kháng chiến. Tiếng súng ở mặt trận đã thay tiếng pháo mừng Xuân. Bác Hồ có bài thơ mừng Xuân đầy hào khí. Bác giành những tình cảm cho các chiến sĩ đang chiến đấu giữa vòng vây tại Liên khu 1. Bác viết trong thư: “Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh”…

Sau Tết Nguyên đán, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp tới gặp Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội ở Tây Mỗ, nêu vấn đề phải tính tới ngay việc đưa bộ phận còn lại của Trung đoàn Thủ đô ra ngoài. Nửa đêm 17 tháng 2 năm 1947, tiếng súng nổ ran khắp Thủ đô. Quân Pháp vẫn cho là một đợt quấy rối lớn của ta. Chính lúc đó, 1.200 chiến sĩ bao gồm cả phụ nữ, trẻ em, thương binh bí mật luồn qua gầm cầu Long Biên dưới họng súng của những lính Pháp đứng gác bên trên. Họ vượt sông Hồng trên những chiếc thuyền gỗ của dân.

Trưa ngày 18, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái báo cáo về cuộc rút lui thành công của Trung đoàn Thủ đô. Trong nỗi vui mừng khôn xiết, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp viết một bức thư gửi Trung đoàn và ngày 22 Tổng chỉ huy cùng với các đồng chí Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thái, Vương Thừa Vũ đến thăm Trung đoàn Thủ đô tại làng Thượng Hội, Đan Phượng, Hà Đông. Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp chuyển lời khen của Bác Hồ, thăm hỏi các chiến sĩ và thay mặt Bộ Quốc phòng, Tổng chỉ huy tặng Trung đoàn lá cờ thêu bốn chữ vàng “Trung đoàn Thủ đô”. Mọi người say sưa hát bài: “Rồi ngày mai sẽ quay về đây. Sông Hồng reo sóng đón mừng đoàn quân quay về”.

Ngày về ấy chỉ tới vào 7 năm sau, ngày 10-10-1954. Không phải đánh vào Thủ đô mà giải phóng Thủ đô, đó là kết quả của “Chín năm làm một Điện Biên; Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” đưa đến giải phóng miền Bắc trong đó có Thủ đô Hà Nội. Ngày giải phóng Thủ đô đã diễn ra như một ngày hội: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về…”. Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô được trao cho Đại đoàn 308 trong đó có Trung đoàn Thủ đô. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ vốn là chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội tám năm về trước, hôm nay là Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố.

Ngày 1-1-1955, Chính phủ và Trung ương Đảng trở về Hà Nội. Bác Hồ gặp lại đồng bào ở Quảng trường Ba Đình, nơi 9 năm về trước, Người đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử. Một cuộc duyệt binh mừng chiến thắng, cuộc duyệt binh lớn đầu tiên được tổ chức ở Thủ đô Hà Nội đã diễn ra, một cuộc duyệt binh của bộ đội và dân quân, chỉ mang toàn vũ khí của Pháp và Mỹ, là các chiến lợi phẩm thu được trong cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất