Tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng dự án bảo tồn voi, với tổng nguồn vốn đầu tư 60 tỷ đồng triển khai từ nay đến năm 2014 nhằm quản lý bền vững quần thể voi rừng và đàn voi nhà, sau khi trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ voi bị sát hại từ đầu năm tới nay.
Cụ thể, trong năm 2012, tỉnh Đắk Lắk đã có năm con voi hoang dã bị sát hại, trong đó có ba con voi trưởng thành. Như vậy, từ năm 2009 đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 19 con voi bị sát hại.
Theo dự án, để bảo tồn bền vững đàn voi rừng, các cơ quan chức năng kiến nghị, đề xuất tỉnh Đắk Lắk cần sớm tiến hành chuyển các công ty lâm nghiệp phía Bắc huyện Ea Súp thành khu bảo tồn voi, hoặc thực hiện quản lý rừng có tác động thấp nhất để đảm bảo sinh cảnh cho các đàn voi rừng sinh sống tự nhiên theo bầy đàn, với tổng diện tích trên 139.803ha.
Dọc theo các triền sông, suối tại các khu vực này, tổ chức trồng chuối, mía và các loài cây khác để làm thức ăn cho voi, đồng thời bảo vệ nghiêm ngặt, xử lý thích đáng đối với các đối tượng săn trộm voi.
Với đàn voi nhà, tỉnh hướng đến thực hiện lồng ghép cả hai giải pháp: xã hội và kỹ thuật. Đó là chính sách hỗ trợ, chi trả để chủ voi tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, sinh sản cho voi và yếu tố kỹ thuật phát triển được quy trình sinh sản tự nhiên, nhân tạo cho đàn voi.
Cũng theo dự án, mỗi năm các đơn vị chức năng đưa về Trung tâm bảo tồn voi các con voi đang ở trong độ tuổi sinh sản hai lần, mỗi lần 15 ngày. Tất cả được thả theo bầy trong khu vực rừng tự nhiên (có sự quản lý, kiểm soát của các đơn vị chức năng) để voi được tự do giao phối, sinh sản.
Theo các cơ quan chức năng, tỉnh Đắk Lắk hiện có 10 đàn voi hoang dã, với khoảng 83-110 cá thể, tập trung nhiều nhất ở khu vực Vườn quốc gia Yok Đôn với bảy đàn, 55-63 cá thể; các đàn voi còn lại sinh sống ở các khu vực rừng Ea Súp, Ea H’Leo.
Trong khi đó, đàn voi nhà cũng ngày càng suy giảm về số lượng lẫn chất lượng. Năm 1985 cả tỉnh có 502 con, đến năm 2.000 còn 84 con và nay chỉ còn 51 con.
Nguyên nhân đàn voi rừng giảm do môi trường sống bị thu hẹp, đường di chuyển bị chia cắt, chặt đứt (do phát triển các cụm dân cư tự do, khu sản xuất nông-lâm nghiệp) làm mất hành lang di chuyển theo mùa để tìm kiếm thức ăn, nước uống, giao phối, tệ nạn săn bắn trái phép. Do nguồn thức ăn ngày càng khan hiếm, đàn voi rừng thường về các địa bàn lân cận để tranh chấp với thức ăn tại các khu dân cư với mức độ ngày càng quyết liệt, lì lợm, khó xua đuổi hơn.
Từ năm 2005 trở lại đây, voi rừng thường xuyên về các khu vực sản xuất gần khu dân cư của các địa bàn xã Ea J’lơi, Ia R’Vê, Ia Lốp (huyện Ea Súp) để tìm kiếm thức ăn.
Đàn voi nhà suy giảm do làm việc quá sức ở các khu du lịch nên kiệt quệ về thể chất, không sinh sản được, già yếu, bệnh tật chết dần.../.
(TTXVN)