Thứ Hai, 25/11/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 10/10/2015 9:20'(GMT+7)

Đầm ấm mùa lễ cổ truyền của đồng bào Khmer trên đất Trà Vinh

Dâng cơm vào chùa tổ chức cúng chính (cúng tập thể)

Dâng cơm vào chùa tổ chức cúng chính (cúng tập thể)

Những ngày này, đồng bào Khmer Nam bộ đang tất bật chuẩn bị đón lễ Sene Dolta cổ truyền. Ở Trà Vinh, không khí đón lễ của đồng bào Khmer cũng rất tươi vui, phấn khởi, bởi năm nay cuộc sống của bà con có nhiều đổi thay tích cực… 

Cùng đến thăm vùng đồng bào dân tộc Khmer sống dọc theo hai bờ kênh 3/2, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hưng Nguyễn Văn Công phấn khởi nói: Cách đây hơn chục năm, vùng đất này luôn bị ngập mặn, nhiễm phèn, mỗi năm chỉ trồng một vụ lúa, năng suất rất bấp bênh. Vì thế, đời sống của gần ngàn hộ đồng bào dân tộc Khmer luôn bị cái nghèo đeo bám. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa giáp hạt, lễ hội truyền thống của đồng bào và Tết Nguyên đán, các cấp ủy Ðảng, chính quyền, đoàn thể đều phải vận động cứu trợ bà con. Từ khi xã Phước Hưng được hưởng lợi từ những Chương trình 134, 135, 167… của Chính phủ và các dự án xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer, đời sống của bà con đã có chuyển biến rõ rệt. 

1200 ha đất khó sản xuất trước đây, nhờ có hệ thống thủy lợi khép kín để ngăn mặn, tháo phèn, đã sản xuất được 2 -3 vụ lúa/năm, năng suất bình quân đạt hơn 6 tấn/ha. Đất được cải tạo ngọt hóa, bà con Khmer không chỉ trồng lúa mà còn trồng được hoa màu, cây ăn trái, tăng thu nhập cho gia đình. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 15 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần so với thời điểm năm 2000. Dịp lễ này , hơn 800 hộ nghèo khó khăn về nhà ở đều được nhận nhà mới theo Quyết định 167 của Chính phủ. Toàn xã không còn hộ dân nào phải sống trong những căn nhà tre lá ọp ẹp.

Đến thăm xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang, cảm nhận về sự đổi thay trong vùng đồng bào Khmer càng rõ nét hơn. Những ngôi nhà mái tôn, mái ngói không còn là sở hữu riêng của một vài chục hộ dân nơi vùng quê một thời nghèo khó này. Xã Trường Thọ có hơn 2.200 hộ dân thì số hộ dân tộc Khmer chiếm gần 90%. Bí thư Đảng ủy xã Trường Thọ Trần Vân Sơn cho biết: Để thực hiện có hiệu quả các chương trình đầu tư của Trung ương cho địa phương, UBND xã đã xây dựng rất cụ thể về mục tiêu từng công trình. Nguồn vốn Chương trình 135 được xã tập trung đầu tư xây dựng cầu nông thôn, chợ và làm đường nhựa. Vốn các chương trình lồng ghép được sử dụng xây dựng hệ thống thủy lợi để phục vụ phát triển sản xuất. Thực hiện Chương trình 167, toàn xã đã xây dựng hơn 200 căn nhà cho hộ Khmer gặp khó khăn về nhà ở. Ðể các hộ Khmer nghèo phát triển sản xuất, mỗi năm xã tạo điều kiện cho hơn 340 lượt hộ vay vốn với số tiền hơn 1 tỷ đồng từ các nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, vốn chăn nuôi... Với sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và bằng sự nỗ lực của bà con, 5 năm qua, bình quân mỗi năm xã có 4% số hộ Khmer thoát nghèo. 

Dọc hai bên con đường hương lộ ở xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, nhiều ngôi nhà được quét sơn mới, tạo diện mạo tươi sáng. Xã Hiệp Hòa đồng đất mênh mông, nếu chia bình quân thì mỗi người dân có đến gần 3000 m 2 đất nông nghiệp để canh tác. Tuy nhiên, thiên nhiên lại không ưu đãi, đất đai bị nhiễm phèn mặn, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa và trông vào nước trời. Năm nào mưa thuận gió hòa thì cây lúa được mùa thu hoạch, còn gặp bất lợi thì xem như tay trắng. Sản xuất khó khăn nên kinh tế chậm phát triển, nhiều hộ dân lâm vào cảnh thiếu ăn. Năm 2000, toàn xã có hơn 2.280 hộ dân thì trên 40% là hộ nghèo. 

Từ thực tế đó, xã Hiệp Hòa được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. Có thể nói, đây là yếu tố mang tính quyết định giúp Hiệp Hòa tạo đà phát triển. Với nguồn vốn được đầu tư 400 triệu đồng mỗi năm, UBND xã ưu tiên đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông và điện hướng đến mục tiêu cải tạo đất đai, khai thác tốt tiềm năng kinh tế nông nghiệp. Hàng chục công trình thủy lợi cấp 2 - 3 với tổng chiều dài hàng chục km được xây dựng, mỗi ấp đều xây dựng được một con đường bê tông, có đường dây điện hạ thế. Đất đai dần được rửa mặn tháo phèn, từ một vụ bấp bênh chuyển lên 2 vụ ăn chắc. Đường điện không chỉ phục vụ thắp sáng, mà còn giúp người dân nâng cao kiến thức, sử dụng cho tưới tiêu, trồng màu… 

Để giúp dân xóa nghèo, UBND xã Hiệp Hòa đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng đất. Xã tập trung đưa khoa học kỹ thuật và nguồn vốn ưu đãi để giúp hộ Khmer nghèo tổ chức sản xuất đạt hiệu quả. Bình quân mỗi năm, thông qua nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách – Xã hội đầu tư cho hộ nghèo hơn 1,5 tỷ đồng để trồng màu (chủ lực là cây lạc), nuôi bò, nuôi vịt, mua bán nhỏ. Nhờ vậy, diện tích trồng màu, đàn gia súc, gia cầm ở địa phương không ngừng tăng lên. Nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao cũng từ đó hình thành, điển hình như mô hình chuyên màu của gia đình chị Thạch Thị The, ở ấp Sóc Chuối. Với 5 công đất giồng cát, chị được Ngân hàng Chính sách – Xã hội cho vay 10 triệu đồng để trồng lạc, ngô, bí, dưa leo…, mỗi năm sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình chị thu trên 50 triệu đồng. 

Ông Sơn Tươi, Phó ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: Có được sự chuyển biến về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh như hôm nay là nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền và tinh thần vượt khó của bà con. Là tỉnh có tỷ lệ người dân tộc Khmer cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm gần 32% dân số toàn tỉnh), Tỉnh ủy Trà Vinh đã đề ra 3 Nghị quyết chuyên đề về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, nhằm giúp bà con giải quyết cái đói, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội...

Thành quả đáng phấn khởi nhất là đến nay Trà Vinh đã triển khai xây dựng gần 700 hạng mục công trình giao thông, thủy lợi, trường học, điện, trạm y tế, chợ nông thôn..., với tổng số vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Nhờ vậy, hiện hơn 70% diện tích đất trong vùng đồng bào dân tộc Khmer đã được thủy lợi hóa, hơn 80% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, gần 90% số hộ có điện sử dụng. Tính đến lễ Sene Dolta 2015, Trà Vinh đã cấp xong đất ở cho 2010 hộ Khmer nghèo, bàn giao xong hơn 25.000 căn nhà, trong đó số hộ Khmer có khó khăn về nhà ở đều có nhà mới, giúp đồng bào đón một mùa lễ Sene Dolta đầm ấm, vui tươi./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất