Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 8/11, các đại biểu Quốc hội đã
nghe Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục; giải trình, tiếp
thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; báo cáo thẩm tra dự án
Luật. Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về nội dung này.
ƯU TIÊN TRIỂN KHAI MIỄN HỌC PHÍ TẠI VÙNG KINH TẾ KHÓ KHĂN
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh
niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết Ủy
ban tán thành việc mở rộng phạm vi sửa đổi của dự án Luật. Nội dung sửa
đổi đã cơ bản thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới
căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới hệ thống tổ chức quản
lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp
công lập; hoàn thiện môi trường pháp lý về giáo dục, phù hợp với Hiến
pháp 2013.
Việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao
chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính tự chủ của các
cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập
quốc tế.
Về chính sách không thu học phí đối với trẻ em Mầm non 5 tuổi, học sinh
Trung học Cơ sở công lập; hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh
diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục (Điều 97 dự thảo Luật),
Ủy ban ủng hộ việc giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính
sách không thu học phí đối với học sinh Trung học Cơ sở trường công lập
và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh Trung học Cơ sở trường tư thục;
trước mắt ưu tiên triển khai thực hiện chính sách này ở vùng miền núi,
vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, cần quy
định trong dự thảo Luật điều khoản chuyển tiếp về thời điểm thực hiện,
các chính sách phát triển xã hội hóa tương ứng.
Về chính sách tín dụng sư phạm (Điều 83), Chủ nhiệm Phan Thanh Bình chỉ
rõ, Ủy ban tán thành với dự thảo Luật về chính sách tín dụng dành cho
học sinh, sinh viên sư phạm và bổ sung quy định việc hoàn trả đối với
những trường hợp người học không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm
nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục.
Tuy nhiên, để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm và đảm bảo đội
ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới, ban soạn
thảo cần tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ việc quy hoạch mạng lưới các
trường sư phạm, chương trình đào tạo, quy mô đào tạo gắn với điều kiện
bảo đảm chất lượng; dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực; tạo điều kiện
cho sinh viên sư phạm ra trường có cơ hội tìm được việc làm.
MỖI MÔN HỌC CHỈ CÓ MỘT BỘ SÁCH GIÁO KHOA
Quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Điều 30 dự
thảo Luật) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại
phiên thảo luận tổ.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết ban soạn thảo
đã rà soát, luật hóa một số quy định về chương trình, sách giáo khoa
giáo dục phổ thông tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của
Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy
định cụ thể việc lựa chọn sách giáo khoa theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục
và Đào tạo; nâng một số quy định trong việc triển khai thực hiện Nghị
quyết số 88/2014/QH13 thành các quy định của Luật.
Dự thảo Luật đã luật hóa các quy định tại văn bản dưới luật về tiêu
chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa giáo
dục phổ thông; việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa; sách giáo khoa
điện tử, học liệu; Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục,
sách giáo khoa; bổ sung quy định thực hiện giáo dục hướng nghiệp, phân
luồng học sinh; bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
quy định việc thực nghiệm một số nội dung, phương thức giáo dục mới
trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chỉ rõ
nguyên tắc chung nên có một bộ sách giáo khoa chuẩn dùng cho cả nước do
Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đề xuất, đảm bảo sự ổn định,
ít nhất vài ba năm mới sửa một lần. Về sách tham khảo, theo đại biểu
cũng nên có một lượng nhất định. “Dự thảo Luật nên sửa lại là mỗi môn
học chỉ có một bộ sách giáo khoa chuẩn và một số sách tham khảo", đại
biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Văn Được (Hà Nội) đề nghị không nên xã hội hóa việc biên
soạn sách giáo khoa bởi nếu thực hiện xã hội hóa, vấn đề kiến thức,
tính định hướng, tính thống nhất khó đảm bảo các mục tiêu đặt ra cho
giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông.
“Mặc dù dự thảo Luật quy định chặt chẽ việc thành lập Hội đồng quốc gia
thẩm định sách giáo khoa nhưng việc xây dựng, biên soạn sách cần được
thực hiện, quản lý bởi cơ quan chuyên môn nhất định”, đại biểu nhấn
mạnh.
Ngoài ra, việc quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa
trong giảng dạy dễ dẫn đến tình trạng trong một địa bàn, một tỉnh có
nhiều trường lựa chọn sách giáo khoa khác nhau, dẫn đến trình độ học
sinh; sự hiểu biết, thống nhất khác nhau.
Đối với quy định tham khảo ý kiến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh
về việc lựa chọn sách giáo khoa, theo đại biểu, quy định này không khả
thi vì bản thân học sinh, cha mẹ học sinh nhiều nơi cũng không có đầy đủ
thông tin hay trình độ để lựa chọn.
Đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) cho rằng, quy định cơ sở giáo dục được
tự lựa chọn sách giáo khoa để đưa vào chương trình giảng dạy trên cơ sở ý
kiến đề xuất của giáo viên và phụ huynh là không phù hợp với các vùng
dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Bởi tại
các địa phương này, công tác giáo dục rất hạn chế, sự quan tâm của phụ
huynh dành cho giáo dục còn rất ít. Vì vậy, cơ quan soạn thảo nên xem
xét lại quy định này. Bên cạnh đó, theo đại biểu, việc chạy thực nghiệm
chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa cần phải được triển
khai song song ở các cơ sở giáo dục ở thành phố lớn lẫn các cơ sở giáo
dục ở vùng sâu, vùng xa để có sự đánh giá toàn diện. Bởi khả năng nắm
bắt kiến thức tại các địa phương thường chênh lệch khá lớn; không thể
chỉ thực nghiệm ở một số địa phương mà đưa vào áp dụng chung cho cả
nước.
Đại biểu Lê Thành Long (Kiên Giang) nêu quan điểm: Khoản 3, 4, Điều 30
dự thảo Luật quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông, các vấn đề liên quan đến
đổi mới, chỉnh lý, căn chỉnh chương trình. Tuy nhiên, tại khoản 1, Điều 3
Nghị quyết 88 của Quốc hội đã giao cho Chính phủ chỉ đạo, thực hiện và
phê duyệt đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Do đó,
đại biểu đề nghị không quy định thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo mà nên giao cho Chính phủ phê duyệt chương trình giáo dục phổ
thông.
Đại biểu đề xuất quy định rõ ràng và cụ thể hơn ngay trong Luật về sự
tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc biên soạn sách giáo khoa để
có cơ chế thực hiện. Về Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo
dục phổ thông, theo đại biểu, cũng nên nâng lên một cấp thẩm quyền,
không giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo mà giao cho Thủ tướng Chính phủ
quy định về cơ cấu, tổ chức hoạt động, các nội dung cơ bản nhất của Hội
đồng.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy
định cơ chế tài chính để bảo đảm công bằng trong việc biên soạn, sử dụng
sách giáo khoa, trách nhiệm nhà nước trong đảm bảo cung cấp sách giáo
khoa cho vùng dân tộc thiểu số; quy định cụ thể về việc các tổ chức, cá
nhân biên soạn sách giáo khoa; về Hội đồng và quy trình thẩm định, bảo
đảm công bằng trong thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa./.
(TTXVN)