Chiều 27/8, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu
Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự
thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Điều hành nội dung thảo
luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 7,
Quốc hội đã xem xét, thảo luận về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ngay
sau Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy
ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo, các cơ quan
có liên quan tổ chức hội thảo và tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà
khoa học để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật
này. Sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp
với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan tiếp
thu, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động
chuyên trách.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương và 100
điều, giảm 2 điều so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 7. Dự thảo
Luật đã làm rõ, cụ thể hơn nhiều quy định so với dự thảo Luật trình, cho
ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Đến thời điểm hiện nay, cơ bản nhận được sự
đồng tình của các cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra
về các nội dung của dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là một
dự án luật khó, thực tiễn đã có nhiều phát sinh cần được tháo gỡ. Do
vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên
trách tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để sau khi Luật được thông
qua, đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các ý kiến đại
biểu Quốc hội đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì
soạn thảo, các cơ quan hữu quan, sự chỉ đạo sâu sát của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi
được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp
thứ 7 đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Di
sản văn hóa.
Các ý kiến phát biểu nhất trí với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh
lý; đồng thời cũng góp thêm nhiều ý kiến, vừa đề cập đến vấn đề tổng
thể, vừa góp ý trực tiếp vào các điều, khoản, điểm cụ thể về kỹ thuật
soạn thảo văn bản để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, phát huy
hiệu lực, hiệu quả khi Luật được thông qua.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) cho rằng, nên cân nhắc sửa
tên gọi hiện tại của dự án Luật Di sản văn hóa thành Luật Di sản, để
tiếp cận di sản theo hướng rộng mở bao gồm trong đó có cả di sản văn
hóa, di sản thiên nhiên và di sản hỗn hợp.
Theo đại biểu, trong Luật Di sản văn hóa hiện hành, dùng thuật ngữ
"danh lam thắng cảnh" để diễn tả ngắn gọn cảnh quan thiên nhiên có sự
kết hợp với công trình kiến trúc có lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ còn trong
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lại tồn tại khái niệm “di sản thiên
nhiên” mà ở đó danh lam thắng cảnh cũng được xem là một bộ phận của di
sản thiên nhiên.
Do đó, nên đổi tên gọi của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
thành Luật Di sản và điều này phù hợp với quan điểm của UNESCO ngày nay
khi di sản bao gồm tất cả thành phần tự nhiên, văn hóa và cũng phù hợp
với tên gọi của Công ước di sản thế giới năm 1972; các điều ước quốc tế
mà Việt Nam là thành viên có phạm vi điều chỉnh bao gồm cả di sản thiên
nhiên và di sản văn hóa.
Thảo luận về nội dung bảo tàng tư nhân, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga
(Hải Dương) và một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật đã chú trọng hơn tới
bảo tàng tư nhân nhưng chưa được đề cập một cách đúng mức. Dự thảo Luật
chủ yếu quy định về bảo tàng công lập, những nhiệm vụ của bảo tàng như:
Sưu tầm, tư liệu hóa hiện vật, di sản văn hóa phi vật thể, hoạt động
kiểm kê hiện vật… đều chưa thực sự phù hợp với bảo tàng tư nhân.
Các chính sách của Nhà nước về quản lý bảo vệ các di sản văn hóa cũng
còn khá vắng bóng chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển bảo tàng
tư nhân, mới chỉ dừng ở mức độ chung chung, chưa rõ nội hàm khuyến khích
tạo điều kiện phát triển cho bảo tàng tư nhân. Do đó, đại biểu đề nghị
cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định riêng, cụ thể về bảo tàng tư
nhân để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và hỗ trợ phát triển
của bảo tàng tư nhân.
Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu đề nghị bổ sung vào trong
dự thảo Luật một số nội dung về di sản văn hóa dưới nước, quần thể di
sản, yếu tố gốc của di sản...
Về sở hữu di sản văn hóa, các đại biểu có nêu và gợi ý đối với loại
di tích hỗn hợp, có chứa đựng cả sở hữu toàn dân và có vai trò cá nhân,
di tích có tính chất liên tỉnh. Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo,
cơ quan thẩm tra nghiên cứu và diễn đạt rõ hơn để khi thực hiện thuận
lợi trong quá trình quản lý, bảo tồn và phát huy di sản.
Về chính sách Nhà nước với di sản, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung
thêm chính sách phát triển nghệ nhân, truyền nghề; chính sách với sưu
tầm bảo vệ cổ vật; chính sách về trình tự, hồ sơ vinh danh danh nhân văn
hóa.
Về nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục, thẩm quyền đối với các
dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở
riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản, các đại biểu đề nghị cần
nghiên cứu quy định xây mới nhà ở riêng lẻ; rà soát các tiêu chí, quy
trình thủ tục phù hợp với các loại công trình, đảm bảo vừa chặt chẽ
trong quản lý, vừa thuận lợi để phát huy giá trị di sản và giải quyết
những vướng mắc cho người dân sinh sống trong các vùng của di sản.
Về khu vực bảo vệ di tích, sửa chữa, cải tạo xây dựng công trình
trong khu vực bảo vệ di tích; các đại biểu đề nghị nghiên cứu làm rõ
tiêu chí, quy mô loại công trình để phân cấp khu vực bảo vệ di sản cũng
như quy định về trình tự, thủ tục cho phù hợp.
* Cũng trong phiên làm việc chiều 27/8, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)./.
TTXVN