Cuộc hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột tại Syria do Liên hợp quốc bảo trợ
dự kiến sẽ được nối lại ngày 14/3 tại Geneva (Thụy Sĩ), tuy nhiên nhiều
bất đồng còn tồn tại giữa Chính phủ Syria và các nhóm đối lập, trong đó
bất đồng lớn nhất vẫn là tương lai của đương kim Tổng thống Bashar
al-Assad.
Ngay trước khi cử phái đoàn tới Geneva, chính quyền Damascus đã một lần
nữa tuyên bố từ chối đàm phán về việc tiến hành bầu cử tổng thống sớm để
thay thế ông Bashar al-Assad, đồng thời không nhất trí với chương trình
nghị sự do Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura đưa
ra, trong đó dự kiến thảo luận việc tiến hành bầu cử tổng thống và quốc
hội ở nước này trong vòng 18 tháng tới.
Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Syria Walid al Moallem nhấn mạnh Đặc
phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura “không có quyền
tranh luận về bầu cử tổng thống” bởi “việc này thuộc thẩm quyền của
người dân Syria.” Ông cũng nêu rõ Chính phủ Syria hết sức thiện chí, và
việc có đạt được tiến triển trong đàm phán hay không phụ thuộc vào mức
độ chân thành của phe đối lập. Ông nêu rõ “lần này phái đoàn Chính phủ
Syria sẽ không chờ đợi và để lãng phí thêm thời gian.”
Trong khi đó, Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) của phe đối lập, được phương
Tây và một số nước Arab hậu thuẫn, mặc dù tuyên bố sẽ tham dự hòa đàm,
nhưng lại kiên quyết yêu cầu đương kim Tổng thống Assad không được tham
gia chính phủ chuyển tiếp.
Những bất đồng sâu sắc nói trên khiến cho cuộc hòa đàm được dự báo khó
có khả năng đạt được đột phá. Trong phát biểu mới nhất, Đặc phái viên de
Mistural cho biết cuộc hòa đàm lần này có thể kéo dài tới 10 ngày. Ông
cũng cảnh báo nếu đàm phán lần này thất bại thì sẽ chẳng có giải pháp
thay thế nào để giải quyết xung đột tại Syria.
Hồi tháng Hai vừa qua, đàm phán về chấm dứt xung đột tại Syria cũng đã
diễn ra tại Geneva nhưng không đạt được đột phá. Ngày 27/2, lệnh ngừng
bắn tại Syria bắt đầu có hiệu lực sau thỏa thuận của Nga và Mỹ. Đến nay,
dù còn xảy ra một số vi phạm, lệnh ngừng bắn này vẫn được thực thi.
Theo các nguồn tin địa phương, lệnh ngừng bắn đã giúp giảm tới 80-90%
tình trạng bạo lực tại quốc gia Trung Đông này.
Từ đầu năm nay, Liên hợp quốc và các tổ chức cứu trợ đã trợ giúp cho hơn
230.000 người dân Syria đang sống trong các khu vực bị bao vây. Đây là
kết quả đáng ghi nhận vì năm ngoái, cứu trợ quốc tế không hề đến được
với người dân khốn cùng.
Từ nay đến cuối tháng Tư, Liên hợp quốc đặt mục tiêu cứu trợ 870.000
người sống trong các vùng khó tiếp cận tại Syria. Ước tính có gần
500.000 người Syria đang sống tại những khu vực bị bao vây trong tổng số
4,6 triệu dân ở những vùng khó tiếp cận.
Cuộc nội chiến tại Syria, sẽ bước sang năm thứ 6 vào ngày 15/3, đã khiến
hơn 250.000 người thiệt mạng và 11 triệu người phải đi di tản./.
(TTXVN)