Đó là việc cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh quan niệm và thực hành rèn luyện đạo đức quân nhân cách mạng ngay trong quá trình tiến hành công tác dân vận; qua đó xuất hiện nhiều gương sáng về đạo đức; nhiều mô hình giúp dân hiệu quả, góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.
Trau rèn đạo đức qua thực tiễn giúp dân
Mấy năm gần đây, cứ đến buổi trưa một ngày của tuần cuối tháng, chiếc xe quân sự lại chở theo cơm, canh và các loại thực phẩm đến sân Trung tâm Y tế huyện Minh Long (Quảng Ngãi). Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện chia những suất cơm miễn phí tặng bệnh nhân nghèo, phần lớn là đồng bào dân tộc Hrê còn nghèo khó... Được biết, việc làm này là cách đơn vị “hiện thực hóa” ý tưởng “Nồi cơm tình thương”. Đây là sáng kiến của đơn vị và được bộ đội thực hiện bằng cách tự nguyện đóng góp 50.000 đồng/người/tháng; riêng cán bộ chỉ huy ủng hộ 100.000-200.000 đồng/tháng.
Thượng tá Trần Văn Khái, Chính trị viên Ban CHQS huyện Minh Long, cho biết: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, một bát cơm giá trị không lớn, nhưng chứa đựng trong đó cả tấm lòng của những người lính. Đây vừa là cách chúng tôi giúp dân, vừa là biện pháp nhằm “vun xới” tình thương, trách nhiệm cộng đồng cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị, cũng là cách đơn vị thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh trong việc kết hợp tiến hành công tác dân vận và thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.
Theo Đại tá Bùi Tá Tuân, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi, thì đạo đức cách mạng chỉ được rèn giũa, phát triển, hoàn thiện thông qua thực tiễn. Đối với cán bộ, chiến sĩ LLVT thì đó chính là thực tiễn hoạt động quân sự, thực tiễn tiếp xúc, giúp đỡ quần chúng nhân dân. Thời gian qua, một mặt, Đảng ủy, chỉ huy Bộ CHQS tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phong phú, đa dạng các phong trào, mô hình giúp dân; mặt khác, khuyến khích các đơn vị, địa phương tổ chức thêm nhiều phong trào thiết thực, sát với điều kiện đơn vị để giúp dân hiệu quả; đồng thời rèn luyện cho bộ đội tác phong công tác, lối sống giản dị, tinh thần vì dân phục vụ.
Thực hiện chủ trương đó, LLVT tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai hiệu quả phong trào “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”. Mỗi đơn vị, địa phương trên cơ sở rà soát, nắm bắt tình hình các hộ dân đói, nghèo, cần hỗ trợ, rồi chủ động đăng ký, đỡ đầu, giúp các hộ này thoát nghèo. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, lực lượng quân sự địa phương có thể linh hoạt hỗ trợ, giúp người nghèo vốn, cây giống, vật nuôi hay “trao” những “cần câu” để người dân có thể thoát nghèo bền vững. Trong năm 2014, có 13 đơn vị quân sự cấp huyện trong tỉnh đã hỗ trợ vốn, giống, tổng trị giá gần 210 triệu đồng giúp các hộ dân thoát nghèo.
“Cái hay của phong trào là bộ đội phải trực tiếp đến với dân, tiến hành khảo sát “cái mà dân cần”, rồi trực tiếp giúp họ về kỹ thuật, phương tiện sản xuất, đồng hành cùng họ để xóa nghèo… Quá trình đó, bộ đội cũng được rèn luyện một cách toàn diện”-Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi phân tích.
Không dừng ở đó, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi hiện đang thực hiện hiệu quả mô hình “đỡ đầu” xã, thôn nghèo. Trên cơ sở phân chia theo địa giới và điều kiện kinh tế-xã hội, đơn vị quân đội sẽ phối hợp cùng các tổ chức dân-chính-đảng, giúp đỡ địa phương từng bước phát triển kinh tế-xã hội. Đơn vị còn triển khai mô hình “Hũ gạo vì người nghèo”; thực hành tiết kiệm, đóng góp qua từng bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ nhằm góp phần hỗ trợ người nghèo bớt phần vất vả, đói kém… Đoàn viên, thanh niên cũng triển khai hiệu quả chương trình "Nuôi heo đất vì nghĩa tình biên cương, hải đảo”. Một phần số tiền này quyên góp được dùng để mua các loại vật dụng thiết yếu tặng bộ đội biên cương và nhân dân.
Đại tá Võ Văn Hưng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định: Tất cả các phong trào, chương trình, mô hình dân vận giúp dân mà LLVT tỉnh đang triển khai thực hiện có ý nghĩa chính trị-xã hội rất lớn; minh chứng và thể hiện trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ với nhân dân; đồng thời cũng là giải pháp thiết thực nhằm làm cho việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên, hằng ngày của mỗi tổ chức, cá nhân trong LLVT tỉnh. Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đều ghi nhận, hưởng ứng và tích cực ủng hộ để các phong trào, mô hình tiếp tục phát triển, nhân rộng.
Nêu gương, nhân rộng phong trào giúp dân
Trong đợt bão, lụt tháng 9-2014, ở tất cả những điểm ngập lụt trọng điểm thuộc các huyện: Nghĩa Hành, Mộ Đức…, các đồng chí lãnh đạo và thủ trưởng 4 cơ quan chức năng thuộc Bộ CHQS tỉnh đều có mặt, túc trực để chỉ huy, điều hành LLVT cứu hộ, giúp dân. Hình ảnh các cán bộ chủ chốt Bộ CHQS tỉnh đến tận vùng rốn lũ, nơi bị cô lập, nguy hiểm… để cứu giúp đồng bào, trực tiếp phát mì tôm, chia hàng cứu trợ… đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng dân. Đại úy Thới Xuân Bắc, cán bộ Trung đoàn 887 (Bộ CHQS tỉnh) khẳng định: Cuộc chiến với thiên tai, bão, lụt rất nguy hiểm, không phải mọi cán bộ, chiến sĩ đều có ý chí, quyết tâm cao, sẵn sàng xung phong nhận việc khó, việc nguy hiểm. Bởi vậy, khi chứng kiến sự xuất hiện và hành động nêu gương của lãnh đạo, chỉ huy Bộ CHQS tỉnh, tinh thần, trách nhiệm của quân nhân thêm được củng cố. Họ tích cực hơn, phấn đấu nhiều hơn để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ dù trong tình huống khó khăn, nguy hiểm nhất.
Thực tế, các phong trào, chương trình, mô hình giúp dân có sức sống hay không, việc giúp dân đạt kết quả tốt hay không, trước hết bắt đầu từ chính ý nghĩa chính trị xã hội của nó. Tuy nhiên, vai trò nêu gương của chỉ huy các cấp có tác dụng rất lớn, trở thành “mệnh lệnh không lời” đối với cấp dưới và mỗi phong trào; để phong trào thành công hơn, lan tỏa sâu rộng hơn. Ví như, chương trình “Nồi cơm tình thương” có sức lan tỏa sâu rộng là nhờ vai trò nêu gương của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị.
Cứ đến ngày thực hiện chương trình “Nồi cơm tình thương”, cán bộ, chiến sĩ đơn vị coi đó như một ngày tình nguyện hướng về người nghèo. Từ chiến sĩ, nhân viên đến lãnh đạo, chỉ huy đều có mặt tại nhà ăn để chung tay lo cơm ngon, canh ngọt phục vụ bệnh nhân. Người dân và bệnh nhân không xa lạ gì với những cái tên: Bộ đội Toàn, bộ đội Khái, bộ đội Nguyên… của Ban CHQS huyện-những người đã nhiều lần tận tay phát cơm tặng bệnh nhân nghèo. Có lẽ bởi vậy mà “nồi cơm tình thương” có sức lan tỏa sâu rộng. Đến nay, đã có ba đơn vị trong LLVT tỉnh tổ chức đều đặn chương trình này. Nhiều cấp ủy, địa phương, như các huyện: Nghĩa Hành, Lý Sơn… đã có chủ trương, xây dựng kế hoạch nhân rộng chương trình “Nồi cơm tình thương”; huy động các cơ quan, ban, ngành, tổ chức xã hội và quần chúng tham gia. Hay phong trào “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” trong tỉnh, đến nay cũng đã thu hút sự tham gia phối hợp của các ngành: Ngân hàng, nông nghiệp, tổ chức mặt trận, thanh niên, phụ nữ…
Với việc thực hiện “mục tiêu kép” trong công tác dân vận, đến nay, ở LLVT tỉnh Quảng Ngãi đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi năm có hàng chục tập thể, hàng trăm cá nhân được các cấp ủy trong và ngoài quân đội tôn vinh, khen thưởng. Tuy vậy, đáng trân trọng nhất là trong “cuộc chiến” với thiên tai, dịch bệnh, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Quảng Ngãi đã không quản ngại khó khăn, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân, góp phần khắc họa sinh động hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới. Ví như, câu chuyện cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Ba Tơ không ngại vất vả, hy sinh giúp đồng bào Hrê ở Ba Điền vượt qua đại dịch “bệnh lạ”; cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Tây Trà không quản gian lao tiếp cận, vận động đưa ông Hồ Văn Thanh (82 tuổi) sau 40 năm sống trong rừng trở về với cộng đồng…
Cách làm của Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi với những hiệu quả đạt được rất đáng để nghiên cứu tổng kết, học tập và nhân rộng.
Theo QĐND