Hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ đại hội là việc thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị (công tác văn kiện) và bầu ra cơ quan lãnh đạo của Đảng (công tác nhân sự).
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, chính thức khai mạc ngày 21/9, là đại hội đảng bộ cấp tỉnh đầu tiên được tiến hành trên cả nước.
Theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh, thành phố, đảng bộ trực thuộc Trung ương, sẽ được tiến hành từ nay đến trước ngày 31/10/2020.
Trong đợt này, 67 đảng bộ tỉnh, thành phố, đảng bộ trực thuộc Trung ương sẽ tiến hành đại hội, là sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, có ý nghĩa rất quan trọng trước khi tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đại hội các đảng bộ tỉnh, thành phố, đảng bộ trực thuộc Trung ương tiến hành 4 nội dung: Tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2020-2025; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; bầu ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025; bầu đoàn đại biểu dự đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Để chuẩn bị chu đáo cho đại hội các đảng bộ tỉnh, thành phố, đảng bộ trực thuộc Trung ương, từ cuối tháng 7/2020 đến nay, Bộ Chính trị đã làm việc tập thể và làm việc theo nhóm với các đảng bộ tỉnh, thành phố, đảng bộ trực thuộc Trung ương, để cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự cấp ủy trước khi tiến hành đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025.
Tính đến ngày 21/9/2020, Bộ Chính trị đã làm việc với 64/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương. Công tác chuẩn bị đại hội được các đảng bộ và các cơ quan liên quan tiến hành nghiêm túc, chu đáo, trách nhiệm cao, bảo đảm thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định, hướng dẫn của Trung ương.
Hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ đại hội là việc thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị (công tác văn kiện) và bầu ra cơ quan lãnh đạo của Đảng (công tác nhân sự).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh hai nội dung này liên quan chặt chẽ với nhau, đều phải chuẩn bị thật tốt, đặc biệt việc chuẩn bị nhân sự đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của đại hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ văn kiện đại hội rất quan trọng, không phải là nghị quyết bình thường mà là văn kiện 5 năm mới có một lần, vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn, tính chính trị, mang tầm chiến lược, đồng thời phải có tính quần chúng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra.
Trong bài viết "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng," Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Công tác nhân sự đại hội đòi hỏi phải được tiến hành với tinh thần trách nhiệm rất cao, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn, có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia-dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Mới đây, tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã quán triệt lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai, thực hiện nghiêm túc công tác nhân sự Đại hội, trong đó nhấn mạnh, từng cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu cần cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, bảo đảm đúng quy định, thật sự công tâm, trong sáng, dân chủ, minh bạch, khách quan.
Từ tháng 7/2019 đến nay, để bảo đảm công tác cán bộ ở các đảng bộ tỉnh, thành phố và đảng bộ cơ quan, ban, ngành Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều quyết định điều động, phân công cán bộ diện Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị. Đây cũng là bước chuẩn bị nhân sự trước thềm đại hội các đảng bộ tỉnh, thành phố, đảng bộ trực thuộc Trung ương; kiện toàn cán bộ, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ tới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021, là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại của đất nước. Đại hội tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2015-2020 và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011- 2020, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tiếp theo và bầu Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026.
Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng và mang lại hiệu quả thiết thực; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; vai trò, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế và lòng tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố, nâng cao./.
Theo TTXVN