(TG) - Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 15-7-2007 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, công tác tuyên truyền miệng ở Phú Quốc đã đạt được những kết quả nhất định, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, tích cực tham gia thực hiện các phong trào hành động cách mạng ở cơ sở, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ đề ra hàng năm.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện Phú Quốc (Kiên Giang) luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, nhất là công tác tuyên truyền miệng. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiều đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động công tác tuyên truyền miệng. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được thành lập và thường xuyên củng cố hoạt động ở cấp huyện và các xã, thị trấn; trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền miệng được tăng cường,… Đây là những yếu tố đã tạo được những thuận lợi cơ bản trong công tác tuyên truyền miệng. Có 100% (36/36) các chi, đảng bộ trực thuộc đã xây dựng kế hoạch chuyên đề hoặc lồng ghép vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm và toàn khóa của địa phương, đơn vị; đồng thời tổ chức triển khai quán triệt Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư, có 1.532/1.557 đảng viên tiếp thu đạt tỷ lệ 98,39%. Ngoài ra, các đoàn thể chính trị-xã hội cũng đã tuyên truyền, triển khai, quán triệt nội dung Chỉ thị trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên ở đơn vị, địa phương mình.
Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Kế hoạch 52-KH/HU, ngày 26-8-2008 về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch số 40-KH/TU của Tỉnh ủy “về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”. Quan tâm củng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, tổ chức đội ngũ báo cáo viên (BCV), tuyên truyền viên (TTV) từ huyện đến cơ sở; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng toàn diện, phong phú, thiết thực. Đến nay, toàn huyện có 26 BCV, có 97 TTV cấp xã. Điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền miệng, hoạt động BCV trong những năm qua là chú trọng đổi mới về phương pháp tuyên truyền, nâng cao khả năng sử dụng thông tin, chú trọng cung cấp thông tin về tinh hình kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, tình hình biển đảo, tình hình quốc tế… Nội dung thông tin bảo đảm được toàn diện, nâng cao tính thời sự, tính định hướng, tính thiết thực. Trong 10 năm, đã triển khai trên 100 cuộc báo cáo chuyên đề, nghị quyết, với hơn 7.000 lượt người tham dự.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy thường xuyên cung cấp thông tin, quản lý, hướng dẫn hoạt động của lực lượng BCV hàng quý, 6 tháng, năm và đột xuất khi có yêu cầu, nhất là trong việc tổ chức triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và tổ chức hội nghị BCV định kỳ để cung cấp thông tin cho BCV và tiếp nhận các thông tin do BCV phản ánh. Từ năm 2011 đến nay đã tổ chức được 18 cuộc hội nghị BCV và giao ban an ninh tư tưởng; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho 226 lượt BCV, TTV của huyện. Qua đó, tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo cụ thể về công tác tuyên truyền miệng, định hướng nội dung tuyên truyền, tập trung thúc đẩy việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đồng thời, đấu tranh chống các thông tin và quan điểm sai trái, hạn chế các phần tử cơ hội, thù địch lợi dụng kích động khiếu kiện vượt cấp, biểu tình gây mất ổn định chính trị nhất là những vấn đề bức xúc về khiếu kiện, tranh chấp, bồi thường, giải tỏa về đất đai.
Điểm mới trong chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW là Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của đội ngũ BCV, TTV theo hướng toàn diện, phong phú, thiết thực, hướng về cơ sở. Các BCV, TTV đã kết hợp phương pháp truyền thống với các phương tiện kỹ thuật hiện đại, trình chiếu bằng hình ảnh, chọn lọc nội dung cần tuyên truyền làm tăng tính thuyết phục, hiệu quả trong công tác TTM. Các chi, đảng bộ ngành trực thuộc thành lập và củng cố, kiện toàn kịp thời lực lượng TTV ở cơ quan, đơn vị; đội ngũ TTV do Ban chấp hành, Ban thường vụ của chi, đảng bộ quản lý và tổ chức hoạt động. Ngoài ra, cấp ủy đảng đã chỉ đạo, hướng dẫn các đoàn thể chính trị-xã hội thành lập lực lượng đội ngũ TTV ở từng cơ quan, đơn vị thành lập các tổ, đội thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gắn với công tác tuyên truyền miệng, như: Đội tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế ở Chi bộ Chi Cục Thuế; Tổ pháp chế ở Chi bộ Tài nguyên-Môi trường;… Công tác tuyên truyền miệng được gắn trong các hoạt động của các đoàn thể chính trị-xã hội thông qua nhiều hình thức, như: tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, các cuộc họp lệ của chi bộ, tổ nhân dân tự quản và sinh hoạt các chi, tổ hội các đoàn thể, các hoạt động văn hóa, văn nghệ; kết hợp tuyên truyền theo nhóm và trực tiếp đối thoại với người nghe.
Đồng chí Nguyễn Đức Kỉnh-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trong huyện tiếp tục đổi mới phương thức công tác tuyên truyền miệng theo hướng tuyên truyền những điển hình tiêu biểu, hiệu quả đồng thời thường xuyên theo dõi nắm bắt dư luận, gần gũi quần chúng, theo sát thực tế, sử dụng cách diễn đạt ngắn gọn dễ hiểu, tăng cường sức thu hút, thuyết phục của công tác tuyên truyền miệng. Về phương pháp, theo hướng phát huy dân chủ, tăng cường đối thoại giữa báo cáo viên, tuyên truyền viên và người nghe; xây dựng kế hoạch tuyên truyền miệng của tháng, quý, năm với nội dung phong phú, thiết thực, đảm bảo tính cân đối về những chủ đề trọng tâm, nhất là những vấn đề lý luận và thực tiễn gắn với đời sống người dân hàng ngày, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm, đặc biệt là tuyên truyền sâu rộng việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Các chi, đảng bộ trực thuộc, các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan, đơn vị cấp huyện thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên; đồng thời xây dựng, ban hành và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy chế hoạt động của đội ngũ này theo hướng nâng cao chất lượng, lựa chọn những đồng chí có đủ phẩm chất, năng lực, có kỹ năng tuyên truyền miệng và có uy tín trong nhân dân. Định kỳ hàng năm tổ chức tổng kết đánh giá hoạt động của đội ngũ này để kịp thời nhân rộng những điển hình tuyên truyền miệng đạt hiệu quả cao, những cách làm hay, sáng tạo từ cơ sở.
Kim Thư