Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 31/1/2020 8:38'(GMT+7)

Đảng Cộng sản Việt Nam - Nguồn cảm hứng của âm nhạc

Trong số những sáng tác về Đảng Cộng sản Việt Nam, ca khúc “Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam” (sau đổi tên thành “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” ) của nhạc sĩ Đỗ Minh luôn được nhắc đến đầu tiên.

Ca khúc được "anh bộ đội Cụ Hồ" Đỗ Minh sáng tác vào đầu năm 1951 ở Thái Nguyên trong không khí rạo rực của cao trào cách mạng sau chiến thắng của chiến dịch biên giới 1950 và cũng là lúc quân và dân ta đang hồ hởi đón mừng ngày Đảng ra công khai hoạt động.

Ông tâm sự: “Tôi viết ca khúc này là để nói với chính tôi, với đồng đội, với đồng bào về những tâm tư, tình cảm của người chiến sĩ cách mạng đối với Đảng. Đó cũng chính là niềm tin theo Đảng. Tôi lớn lên từ quê hương xã Hải Triều, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định nghèo đói. Có Đảng, đi theo Đảng người dân được đổi đời nhờ thành quả cách mạng. Ý tưởng ca ngợi công ơn của Đảng luôn luôn gợi cho tôi hình ảnh về sự hi sinh của biết bao chiến sĩ, đồng bào, từng cực khổ trong kiếp nô lệ, lầm than. Tôi hướng theo Đảng như mọi người trong kiếp nô lệ lầm than hướng theo ánh sáng ấy”...

Lúc đó, nhạc sĩ-chiến sĩ Đỗ Minh mới 25 tuổi, chưa phải Đảng viên nhưng với cảm xúc về Đảng sâu sắc, dạt dào như vậy nên ông vừa đàn vừa xướng âm và ghép lời của bài hát để hoàn thành trong thời gian ngắn.

Ca khúc “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” ngắn gọn, dễ thuộc, dễ hát, thích hợp với mọi đối tượng. Giai điệu và ca từ trong sáng, trang trọng, có tính khái quát cao, có sức lay động, cổ vũ mạnh mẽ các thế hệ quần chúng cách mạng. Vì thế, bài hát nhanh chóng được mọi tầng lớp nhân dân hào hứng đón nhận, có sức lan tỏa, trở thành bài ca chính thức của Đảng.

Từ ấy đến nay đã 69 năm, bài hát của nhạc sĩ Đỗ Minh có sức sống mãnh liệt, luôn vang lên trong trái tim mỗi đảng viên ở các kỳ Đại hội và ngân vang trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Và đã 90 năm qua, Đảng như “vừng trời Đông, ánh hồng tươi sáng” để hàng triệu người dân siết chặt tay nhau tạo nên khối kết đoàn bền vững…

Cũng viết về Đảng, cảm hứng của nhạc sĩ Văn An xuất phát từ hình ảnh “Lá cờ đỏ búa liềm”. Nhạc sĩ cho biết ca khúc “Lá cờ Đảng” của ông là cảm xúc từ trong trái tim với một lòng yêu mến Đảng tha thiết chứ không phải viết trong một cuộc vận động sáng tác hay cổ vũ cho phong trào nào đó. Vì vậy, ca khúc đã để lại ấn tượng sâu sắc với người nghe bởi tính chân thật, chứa đựng tình cảm bao la của nhân dân ta dành cho Đảng.

“Lá cờ Đảng” ra đời năm 1975 khi đất nước vừa thống nhất. Ca khúc vừa chứa đựng niềm tự hào về lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam, vừa tự hào về tương lai tươi sáng của dân tộc kể từ khi có Đảng.

“Lá cờ Đảng” còn thể hiện lòng biết ơn và niềm tin của nhân dân về ý chí, tinh thần đấu tranh bất khuất của Đảng, người từng vượt qua mọi chông gai, thử thách để đưa phong trào cách mạng Việt Nam tới thành công qua lời ca hào sảng, phơi phới niềm vui và tin tưởng: “Đất nước bốn nghìn năm ôi tự hào biết mấy/Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái/Còn gì đẹp hơn lá cờ đỏ búa liềm/Đảng ta đó hân hoan một niềm tin...”.

Cùng trong mạch ngợi ca Đảng Cộng sản Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Tuyên có 3 ca khúc, mỗi ca khúc mang sắc thái riêng. Trong đó, ca khúc “Đảng đã cho ta sáng mắt, sáng lòng” (phổ thơ của nhà thơ Pháp, Aragon) và “Đảng cho ta một mùa xuân” trở nên bất hủ.

Năm 1959, nhạc sĩ Phạm Tuyên được tặng bản dịch “Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng” của nhà thơ Tố Hữu từ bài thơ bằng tiếng Pháp  của nhà thơ cộng sản Pháp Aragon mà trước đó ông đã biết. Từ gợi ý ấy, Phạm Tuyên viết bài hát “Đảng đã cho ta sáng mắt, sáng lòng”:“Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/Trước như tuổi thơ tôi nào biết được/Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước/Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông… Từ đấy lòng tôi sướng vui đau khổ/Và tình yêu, căm giận hóa lời ca…”.

Với giai điệu tha thiết, tình cảm tin yêu, qua giọng hát đơn ca của các nghệ sĩ Quý Dương, rồi Trung Kiên… ca khúc đã đến với rộng rãi quần chúng trong cả nước.

Một năm sau, năm 1960, đúng dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Phạm Tuyên lại sáng tác một ca khúc nổi tiếng khác “Đảng cho ta một mùa xuân”.

Khi viết ca khúc này, nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại câu nói nổi tiếng: “Chủ nghĩa cộng sản là tuổi thanh xuân của thế giới” của Paul Vaillant Couturier, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp bị phát xít Đức giết hại trong chiến tranh thế giới thứ hai. Ý tưởng bất hủ trong câu nói của người đảng viên Đảng Cộng sản Pháp đã tạo cảm hứng cho ông viết ca khúc nổi tiếng thứ 2 về Đảng "Đảng cho ta một mùa xuân".

Với điệu valse 3/4 trong sáng, nhịp nhàng “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng/Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi/Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non/Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời…”, bài hát có nội dung chính luận nhưng giai điệu lại rất duyên dáng nên đã được công chúng yêu thích, nhất là giới trẻ.

Trong Giải thưởng Nhà nước mà nhạc sĩ Phạm Tuyên được trao tặng năm 2001 cho 5 ca khúc, có 1 bài hát về Đảng, đó là bài “Đảng đã cho ta một mùa xuân”.

Cũng trong mạch nguồn cảm hứng về Đảng, khác với các nhạc sĩ trên, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn dù chỉ có một bài hát trực tiếp viết về Đảng, bài “Đảng là cuộc sống của tôi”, nhưng ông lại có hàng loạt ca khúc ca ngợi sự hi sinh anh hùng của nhiều liệt sĩ. Họ là những đảng viên, những người cộng sản trẻ tuổi, không chịu khuất phục trước kẻ thù, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Nhạc sĩ ý thức được rằng, một trong những chức năng của nghệ thuật, hay cụ thể hơn là âm nhạc, là viết về người anh hùng mang lý tưởng của Đảng. Chất liệu anh hùng cũng như tính chiến đấu của người đảng viên cộng sản được biểu hiện cụ thể qua những con người sinh ra từ trong máu lửa của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Từ những suy nghĩ ấy, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn có một loạt bài hát ca ngợi các chiến sĩ cộng sản: “Noi gương anh Lý Tự Trọng”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Nguyễn Văn Trỗi-anh còn sống mãi”, “Anh hùng Lê Thị Hồng Gấm”, “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”…

Trong số này, ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, có sức sống bền bỉ nhất. Mỗi lần ca khúc ấy vang lên là khiến người nghe xúc động về sự hy sinh của nữ liệt sĩ kiên trung Võ Thị Sáu…

Không thể nói hết được những bài hát về Đảng nhưng qua các ca khúc, Đảng trở nên rất cụ thể, gắn bó mật thiết, gần gũi, thân thương, thiêng liêng mà không cách biệt, giản dị mà vẫn trang trọng.

Vì lẽ đó, Đảng là cuộc sống, niềm tin của nhân dân Việt Nam!./.

Theo chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất