Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin (Vladimir Putin) nhân chuyến
thăm Mát-xcơ-va mới đây, Giám đốc tình báo A-rập Xê-út, Hoàng tử Ban-đa Bin
Xun-tan (Bandar bin Sultan) đã đưa ra đề xuất, theo đó yêu cầu Nga chấm dứt ủng
hộ Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát (Bashar al-Assad) để đổi lấy một thỏa thuận
vũ khí lớn. Vì sao A-rập Xê-út lại sốt sắng muốn “hạ bệ” ông Át-xát đến như vậy?
Đề xuất “đổi bạn lấy tiền”
Cuộc gặp giữa ông Ban-đa Bin Xun-tan và Tổng
thống Pu-tin diễn ra vào ngày 31/7 vừa qua trong bối cảnh quan hệ giữa
Mát-xcơ-va và Ri-át đang căng thẳng do liên quan tới cuộc xung đột tại Xy-ri.
Nga cáo buộc A-rập Xê-út “hỗ trợ tài chính và trang bị vũ khí cho những kẻ khủng
bố và các nhóm cực đoan” trong cuộc chiến tại Xy-ri, khiến hơn 100.000 người
thiệt mạng kể từ tháng 3/2011. Mặc dù được Ri-át và Mát-xcơ-va giữ bí mật, song
nội dung cuộc gặp vẫn bị rò rỉ ra ngoài.
Trích dẫn nguồn tin từ Trung Đông và các nhà
ngoại giao phương Tây, hãng tin Roi-tơ của Anh cho biết, trong cuộc gặp tại Điện
Crem-li, Hoàng tử Ban-đa Bin Xun-tan đã giải thích với Tổng thống Pu-tin rằng,
“Ri-át sẵn sàng giúp Mát-xcơ-va đóng vai trò lớn hơn tại Trung Đông, tại thời
điểm Mỹ đang giảm dần sự can dự ở khu vực này".
Theo nguồn tin trên, A-rập Xê-út đề xuất sẽ mua
vũ khí của Nga trị giá 15 tỷ USD và đầu tư "đáng kể vào quốc gia này". Đổi lại,
Ri-át muốn Mát-xcơ-va bớt hỗ trợ chính quyền ông B.Át-xát và không phủ quyết các
nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề Xy-ri. Thậm chí, Hoàng tử
A-rập Xê-út còn đảm bảo với Tổng thống Pu-tin rằng, "bất kể chế độ nào được dựng
lên" sau khi ông B.Át-xát sụp đổ sẽ "hoàn toàn" nằm trong tầm ảnh hưởng của
A-rập Xê-út và sẽ không được phép ký kết bất cứ thỏa thuận nào nhằm cho phép các
nước vùng Vịnh vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Xy-ri vào châu Âu và cạnh tranh
với ngành xuất khẩu khí đốt của Nga.
Tuy nhiên, theo thông tin từ các nhà ngoại giao,
Mát-xcơ-va đã bác bỏ đề xuất trên của A-rập Xê-út.
Cuộc chiến Xy-ri - “Cơn ác mộng” với A-rập
Xê-út
Tại sao Ri-át lại sốt sắng muốn thay đổi chế độ ở
Xy-ri đến như vậy? Theo nhận định của giới phân tích, vai trò của A-rập Xê-út
trong cuộc xung đột Xy-ri được thúc đẩy với nhiều mục tiêu, trong đó phá hủy
liên minh Xy-ri - I-ran được xem là mục tiêu chính.
Trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Ha-phét An
Át-xát (Hafez Al Assad), cha của ông B.Át-xát, (1970 - 2000), trụ cột trong
chính sách đối ngoại của Xy-ri là cân bằng liên minh Xy-ri - I-ran và liên minh
Xy-ri - A-rập Xê-út nhằm chống lại sức mạnh của I-xra-en cũng như tăng ảnh hưởng
của Xy-ri trong khu vực. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh nổ ra ở I-rắc năm 2003, ở
Li-băng năm 2006 và đường ống dẫn dầu được đề xuất nối liền I-ran - I-rắc -
Xy-ri đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ Xy-ri - I-ran, trong khi lại làm suy yếu
mối quan hệ Xy-ri - A-rập Xê-út. Khi Tổng thống B.Át-xát gọi Quốc vương A-rập
Xê-út Áp-đu-la (Abdullah) là “người nửa vời” vì Ri-át không có hành động trong
cuộc chiến tranh Li-băng năm 2006, căng thẳng giữa hai nguyên thủ quốc gia đã
biến thành sự thù ghét cá nhân.
Do chính quyền Xy-ri là đồng minh A-rập thân cận
nhất của I-ran, A-rập Xê-út xem sự thay đổi ở Xy-ri là cơ hội để giáng một đòn
mạnh vào I-ran, vào các đồng minh Si-ai của nước này ở I-rắc và Li-băng, cũng
như nhằm vào các phần tử Si-ai tại A-rập Xê-út phản đối sự cai trị của Quốc
vương Áp-đu-la.
Tuy nhiên, nhiều người Xy-ri (cả ủng hộ lẫn chống
đối ông B.Át-xát) có quan điểm đạo Hồi ôn hòa đã phản đối chủ trương này của
A-rập Xê-út, dẫn đến sự suy yếu “quyền lực mềm” của Ri-át ở Xy-ri. Do đó, dù đổ
nhiều tiền của và vũ khí cho các chiến binh thánh chiến, A-rập Xê-út vẫn lo sợ
bị phản đòn từ "cuộc chiến thần thánh" chống chính quyền B.Át-xát. Theo tờ Thời
báo Niu Y-oóc (Mỹ) số ra ngày 10-8, các khu vực do những nhóm cực đoan ở Xy-ri
chiếm giữ đang biến thành nơi ẩn náu của các chiến binh Hồi giáo. Các nhóm thánh
chiến tàn bạo và sẵn sàng sử dụng phương tiện đánh bom liều chết hiện nay có lực
lượng hơn 6000 chiến binh nước ngoài. Trước tình hình trên, thời gian gần đây,
A-rập Xê-út đã tìm cách điều chỉnh nguồn cung cấp vũ khí từ nước này vào Xy-ri
để giảm bớt viễn cảnh những phần tử Hồi giáo cực đoan giành quyền lực ở
Xy-ri.
Giấc mơ của A-rập Xê-út sẽ là cuộc xung đột Xy-ri
tiến triển thành một thực tế như thời hậu Tổng thống Xa-lê ở Y-ê-men, với một
giới lãnh đạo mới thân Ri-át xuất hiện. Ngược lại, nếu Xy-ri trở thành một
Áp-ga-ni-xtan như hiện nay, đó sẽ là cơn ác mộng với Ri-át./.
Bình Nguyễn (QĐND)