Thứ Năm, 7/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Hai, 27/2/2017 16:37'(GMT+7)

Đảng viên, Bác sỹ - Vừ A Sử làm theo lời Bác Hồ dạy

Đảng viên, Bác sỹ - Vừ A Sử chăm sóc bên giường bệnh nhân (Ảnh: Đỗ Quang Khải)

Đảng viên, Bác sỹ - Vừ A Sử chăm sóc bên giường bệnh nhân (Ảnh: Đỗ Quang Khải)

Bác sỹ Vừ A Sử chia sẻ: Năm 1994, học xong Trung cấp Y về phục vụ quê hương. Năm 1995, được đơn vị cử đi học Đại học y; Năm 1997 công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, rồi tiếp tục học Bác sĩ Chuyên khoa. Năm 2007, lần thứ 2 anh trở về quê hương phục vụ đồng bào các dân tộc Tủa Chùa trên cương vị Giám đốc Trung tâm Y tế huyện.

Trong câu chuyện thân tình, khiêm nhường anh kể cho tôi nghe kỷ niệm sâu sắc trong những ngày công tác ở huyện.  Đó là năm 2009, bệnh nhân bị viêm ruột thừa, đưa từ bản về đến Trung tâm Y tế huyện từ sáng. Trên cương vị nghề nghiệp, lương tâm của người thầy thuốc, anh cùng tập thể xác định đúng căn bệnh là ca viêm ruột thừa. Vì vậy phải phẫu thuật không thể để chậm trễ. Với đồng bào dân tộc Mông, mổ người là việc vô cùng hệ trọng. Lúc này, người nhà bệnh nhân hoang mang, chưa tin thầy thuốc, không đồng ý để mổ và đòi phải đem bệnh nhân về nhà để thầy cúng đuổi con ma ra khỏi người bệnh... Kiên trì giải thích cho người nhà bệnh nhân, nhưng họ vẫn không nghe. Cực chẳng đã  anh phải yêu cầu, kiên quyết, bố trí "cách ly" người nhà bệnh nhân ra xa để kíp mổ tiến hành phẫu thuật. Vì trong tình huống này, nếu chỉ cần chậm chễ, sẽ tử vong người bệnh. Mổ xong, khi bệnh nhân chưa tỉnh hẳn, thì người nhà bệnh nhân tới tìm gặp bằng được anh hỏi cho ra nhẽ... Sau đó, bệnh nhân tỉnh dần, trở lại bình thường lúc này gia đình bệnh nhân Vàng A Lầu mới hiểu sự quyết định của anh là chính xác, đúng đắn, kịp thời đã cứu bệnh nhân khỏi "lưỡi hái" tử thần. Công việc cấp cứu hoàn thành, nghĩ lại anh không trách họ, mà chỉ thấy thương, vì đồng bào chưa hiểu hết công việc, trách nhiệm cao cả của người thầy thuốc là trị bệnh cứu người.

Chấp hành sự điều động của tổ chức, năm 2015, Bác sỹ Vừ A Sử về đảm nhận Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố Điện Biên Phủ. Trên địa bàn công tác mới, cùng với tinh thần tận tụy, lòng yêu nghề, là người quản lý, anh luôn gương mẫu, khoa học trong công việc. Cùng Đảng ủy, Ban Giám đốc, anh chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện nội quy, quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử nghề nghiệp. Thực hiện phương châm: Lấy bệnh nhân làm trung tâm để chăm sóc và điều trị, từ Trung tâm  đến các trạm y tế xã, phường thực hiện Quy tắc ứng xử và 12 điều y đức. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác phát triển Đảng để người thầy thuốc "như mẹ hiền" vừa "hồng", vừa "chuyên".  Với 13 khoa, phòng, tập thể, hơn 200 cán bộ, y, bác sĩ tại Trung tâm đã tận tâm với công việc, tuân thủ nghiêm các quy trình chuyên môn. Đoàn kết nỗ lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về Y tế; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân... Trung bình hằng năm Trung tâm đã khám và điều trị trên 55 ngàn lượt người. Tiếp tục “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” được Trung tâm xác định là nhiệm vụ quan trọng là củng cố niềm tin, sự hài lòng của người bệnh, là yếu tố góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, xây dựng niềm tin yêu của đồng bào các dân tộc Thành phố Điện Biên Phủ.

Gần một phần tư thế kỷ, Đảng viên, Bác sỹ Vừ A Sử người con yêu quý của đồng bào các dân tộc, đã luôn trau dồi, học tập, rèn luyện y đức , y đạo, y thuật. Để xứng đáng với danh hiệu cao quý và lời chỉ dạy ân tình của Bác Hồ: "Thày thuốc như mẹ hiền". Bởi sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Đỗ Quang Khải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất