Năm 1967, gia đình tôi đang sơ tán ở
Thuận Thành, Hà Bắc. Tôi năm ấy mới 7 tuổi, bị sốt cao mấy ngày mấy đêm
liền. Bác chủ nhà lóc cóc đạp xe đưa tôi lên bệnh viện huyện.
Ở đó, lần đầu tiên tôi có ấn tượng sâu đậm về chiếc áo
blouse trắng. Cô bác sĩ bệnh viện huyện, với áo blouse trắng và chiếc
ống nghe, hiện lên như một thiên thần sẽ chữa cho tôi hết đau. Cô khám
bệnh, kê đơn, và khi về đến nhà, uống thuốc vào, tôi quả nhiên hết đau
thật. Lúc đó, cô bé trong tôi kết luận: những người mặc chiếc áo trắng
này, phải là những người tốt, học rất giỏi, đầy trí tuệ. Kể từ lần ốm
ấy, tôi luôn nhìn các bác sĩ với ánh mắt đầy thán phục.
Gần mười năm sau, như mọi thanh niên bước ra khỏi cánh
cổng trường phổ thông, tôi đứng trước nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Khi
ấy, thày giáo dạy văn khuyên tôi nên theo học văn; người quen của gia
đình thì lại giới thiệu tôi học ngoại giao; và có cả lựa chọn học ngành
ngoại ngữ.
Nhưng rồi chính ký ức về màu áo trắng tinh khiết của
cô bác sĩ bệnh viện huyện năm nào đã khiến tôi chọn đăng ký nguyện vọng
vào Đại học Y Hà Nội - một lựa chọn rất khó.
Đến hôm nay, sau đúng 50 năm, màu áo ấy với tôi vẫn luôn là biểu tượng của sự thanh cao và trí tuệ.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, có một nhà báo hỏi
tôi: Những tiêu cực xuất hiện trong ngành y, là bởi vì cái tâm của các
cán bộ y tế, hay là bởi vì chế độ đãi ngộ dành cho họ chưa tương xứng?
Các vấn đề của ngành y tế, là từ chủ quan các y bác sĩ, hay là từ khách
quan của nền kinh tế thị trường?
Tôi không suy nghĩ, mà trả lời luôn: Tất nhiên, cả hai
nguyên nhân đều quan trọng. Nhưng gốc rễ của nghề y, vẫn phải là ý thức
cống hiến của người thầy thuốc.
Đó không phải một nghề để làm giàu. Ngay từ lúc đăng
ký nguyện vọng vào trường y, anh đã lựa chọn một sứ mệnh, chữa bệnh cứu
người. Để kiếm tiền, người ta có thể lựa chọn trở thành thương nhân, nhà
sản xuất hay thậm chí là nghệ sĩ. Nhưng trong nghề y, thì sức khỏe của
bệnh nhân phải được đặt lên trước hết. Người thầy thuốc, phải luôn tâm
niệm điều đó. Nó không thể là một nghề nghiệp của những phép toán thiệt -
hơn. Anh sẽ phải cứu người bệnh - ngay cả khi đó có là một kẻ thù trong
chiến tranh.
Đúng là nền kinh tế thị trường đặt ra những đòi hỏi
mới về sự đãi ngộ với cán bộ y tế. Bây giờ, chúng ta không thể sống như
thời bao cấp, được làm việc và cống hiến đã là một hạnh phúc. Đòi hỏi sự
cống hiến vô điều kiện trong thời đại này là phi lý. Các chính sách vĩ
mô, cũng như là các cơ chế đãi ngộ của xã hội đối với nghề nghiệp đặc
biệt này, sẽ còn cần phải hoàn thiện.
Nhưng trên hết, tôi vẫn tin rằng trong nghề y, tinh
thần cống hiến vẫn là đòi hỏi đầu tiên. Nếu phải đi tìm một nguyên nhân
cho bất kỳ vấn đề nào của ngành, phải hỏi đến thái độ và lương tâm của
người thầy thuốc trước nhất.
Nghề y mang những đòi hỏi rất đặc thù. Thi đầu vào
khó, học rất dài, và người thầy thuốc phải không ngừng tự trau dồi trong
suốt cuộc đời. Những kiến thức y học mới liên tục được cập nhật. Họ còn
phải làm việc trực tiếp với những nỗi đau và những trạng thái mẫn cảm
nhất của con người, nên còn phải trang bị sự tinh tế trong ứng xử và
biết đồng cảm trong tâm hồn.
Để có được sự phấn đấu liên tục đó, thì người thầy
thuốc phải yêu nghề của mình một cách vô điều kiện. Người ta sẽ không
thể trở thành một thầy thuốc đúng nghĩa, nếu làm việc theo phản xạ “có
điều kiện”.
Sự cao quý của chiếc áo blouse trắng, phải được bảo vệ
bởi chính những người đang khoác nó lên mình, trước khi hỏi đến đãi ngộ
của xã hội.
Bất kỳ ai đã đọc 9 điều căn dặn của Hải Thượng Lãn
Ông, thì sẽ nhận ra rằng: từ thời xa xưa, khi chưa có nền kinh tế thị
trường hay chủ nghĩa vật chất, cụ đã phải dặn người làm thuốc “không nên
cầu lợi, kể công”; “chớ mưu cầu quà cáp”; cầu cạnh người giàu mà khinh
rẻ người nghèo. Bản chất của con người là sân si, và nếu không thể tự
chiến thắng điều đó, thì cho dù có ở thời đại nào, có được đãi ngộ ra
sao, người ta vẫn sẽ mưu cầu, đòi hỏi.
Hơn 40 năm gắn bó với ngành y, tôi quan sát và nghiệm
ra: những người đặt các phép tính thiệt - hơn cao hơn sứ mệnh với bệnh
nhân cũng sẽ chẳng thể trở thành thầy thuốc giỏi. Không có tình yêu, anh
không thể tìm tòi và nghiên cứu liên tục.
Tôi vẫn gặp rất nhiều những người như thế, họ yêu và
cống hiến vô điều kiện cho sự thanh cao của màu áo trắng. Mặc dù những
tiêu cực vẫn tồn tại, tôi tin rằng cái tốt đã và sẽ lấn át cái xấu. Tôi
cũng tin rằng người dân và các bệnh nhân cũng hiểu được điều đó.
Mỗi dịp 27/2, tôi luôn cố gắng tìm cho mình một khoảng
tĩnh lặng để nghĩ về nghề của mình. Dù còn nhiều việc phải làm, nhiều
tình thế phải đương đầu, nhưng tôi tin nhiều đồng nghiệp của tôi vẫn
đang nỗ lực vì một niềm tin áo trắng.
Nguyễn Thị Kim Tiến