(TG) - Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là những công cụ quan trọng mang tính chất phòng ngừa để quản lý môi trường đối với các hoạt động phát triển.
Ngày 19/9, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị quốc gia về công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết, Bộ Tài nguyên Môi trường đang gấp rút xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường để trình Chính phủ trong tháng 10/2014. Đồng thời, Bộ cũng đang xây dựng và sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Theo chương trình làm việc, buổi chiều, Hội nghị sẽ trao đổi, góp ý hoàn thiện cho Dự thảo Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ. Đây là một bước hoàn thiện cơ bản các quy định để tăng cường pháp chế trong phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường đối với hoạt động đầu tư phát triển.
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh: “Công cụ quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường cùng với đạo đức môi trường và ý thức của doanh nghiệp, cộng đồng sẽ là các yếu tố quyết định sự thành công của mô hình phát triển này, đây sẽ là nền tảng quan trọng để quản lý, kiểm soát toàn bộ chu trình của mỗi hoạt động đầu tư, phát triển”.
Báo cáo tại Hội nghị, TS. Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Thẩm định cho biết: Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhận thức của chủ dự án về tuân thủ quá trình chuẩn bị các báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cải thiện đáng kể.
Đối với đánh giá môi trường thực hiện ở cấp Trung ương, các số liệu điều tra cho thấy, Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định mỗi năm từ 125 đến 150 báo cáo.
Ở cấp tỉnh, trong số 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phản hồi, tổng số có 5.623 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 1.960 báo cáo đã được phê duyệt.
Đối với hoạt động sau đánh giá tác động môi trường, năm 2011 đã có 28 chủ dự án đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và xác nhận các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường trước khi dự án đi vào hoạt động. Con số này tăng lên 60 vào năm 2012, 70 trong năm 2013 và từ đầu năm 2014 đến nay là 65.
Báo cáo cũng cho biết, trong số 223 dự án này, đã có 134 dự án được chứng nhận hoàn thành đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tiến hành thực hiện công tác sau đánh giá tác động môi trường cho 34 dự án thủy điện. Đến nay, chưa ghi nhận công tác này được thực hiện bởi các bộ, ngành khác, mặc dù các ban, phòng chức năng đã được thành lập.
Điều đó cho thấy hoạt động đánh giá tác động môi trường tuy đã có những kết quả đáng khích lệ nhưng chưa thực sự được quan tâm triệt để, đầy đủ. Chất lượng các báo cáo cũng chưa cao. Rất ít dự án được Hội đồng thẩm định thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung.
Trong một ngày làm việc, Hội nghị là dịp bộ, ngành, địa phương chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. Đồng thời, thảo luận để xác định những khó khăn từ đó đề xuất các giải pháp để khắc phục tồn tại và nâng cao chiến lược bảo vệ môi trường.
PV