Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đức Lộc, hệ lụy của đại dịch COVID-19 có thể xem là sự khởi đầu cho những lưu tâm về chính sách nhằm đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội.
"Tác động của COVID-19 đến một số lĩnh vực xã hội ở Việt Nam" là chủ đề Hội thảo khoa học do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 13/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đến từ các Viện, trường Đại học trong cả nước và các tổ chức, doanh nghiệp tại thành phố.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Thị Lan Hương, Trưởng ban Quản lý khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội thảo tập trung đánh giá các tác động của COVID-19 đến một số lĩnh vực xã hội như lao động việc làm, giáo dục-đào tạo, y tế-chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và nhiều vấn đề khác.
Đây là những vấn đề nổi cộm trong thời kỳ COVID-19 diễn ra phức tạp ở Việt Nam và đang đặt ra nhiều vấn đề xã hội mới này sinh thời kỳ hậu dịch bệnh; cuộc sống của con người đã thay đổi rất nhiều, từ thói quen đến hành vi giao tiếp, đến các vấn đề xã hội đương đại.
Những thay đổi này vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với các quốc gia trong quản trị xã hội thích ứng với bối cảnh mới hậu đại dịch.
Đi sâu vào các vấn đề nổi cộm ở Việt Nam do ảnh hưởng của COVID-19, bà Trần Thị Lan Hương cho biết thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là ở những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động, tập trung ở Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Trong những tháng gần đây, thị trường lao động việc làm có xu hướng phục hồi nhưng tốc độ chậm lại. Thu nhập đầu người và đói nghèo có xu hướng gia tăng. Mặt khác, nguy cơ thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động qua đào tạo đang là xu hướng nổi cộm do cơ cấu kinh tế thay đổi nhanh chóng sau đại dịch.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Thị Lan Hương thông tin thêm, có dấu hiệu di cư lao động ngược trở lại nông thôn trong thời kỳ COVID-19. Rủi ro từ dịch bệnh khiến họ quay lại quê hương, làm đứt gẫy chuỗi cung-cầu lao động cho các khu sản xuất kinh doanh, đặt ra nhiều vấn đề về chính sách hỗ trợ kịp thời và an sinh xã hội cho các nhóm người yếu thế cũng như vấn đề cơ cấu lại thị trường lao động, phát triển các ngành kinh tế địa phương.
Một vấn đề nổi cộm khác là có dấu hiệu chuyển biến mạnh thị trường lao động của nhóm "lao động cổ cồn," đặc biệt là các lực lượng lao động tham gia tuyến đầu chống dịch; các tác động nặng nề của COVID-19 đến lĩnh vực giáo dục thể hiện ở nhiều khía cạnh như sức khỏe, khả năng tiếp nhận tri thức của học sinh, sinh viên, thay đổi hình thức giảng dạy, sự đồng bộ của công nghệ số với giáo trình giảng dạy…
Đối với ngành y tế, với áp lực lớn trong hoạt động chăm sóc sức khỏe của người dân trong thời kỳ COVID-19, đặt ra nhiều vấn đề về vai trò của hệ thống y tế công cộng, y tế tư nhân và cộng đồng...
Từ thực tiễn nghiên cứu về đời sống người lao động di cư trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội cho rằng COVID-19 đem đến những hệ lụy đau thương nhưng có thể xem là sự khởi đầu cho những lưu tâm về chính sách.
Nếu nhìn vào con số những người nhiễm bệnh, số người tử vong, sự tê liệt nền kinh tế, đó là nỗi đau của toàn xã hội mà chúng ta cần nhiều năm để chữa lành những tổn thương.
Nhưng nếu nhìn về những động lực thay đổi để phát triển bền vững, chúng ta có dịp để nhìn lại một chiều dài lịch sử phát triển kinh tế sau giai đoạn mở cửa, để từ đây, chúng ta có thể chuyển đổi sang mô hình phát triển mới với sự tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với chính sách đảm bảo an sinh xã hội.
Chia sẻ về vấn đề mối quan hệ trong gia đình và xã hội của người di cư lao động trong khu vực phi chính thức ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sỹ Trần Thanh Hồng Lan, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, cho rằng COVID-19 đã tác động tới nhóm di cư lao động trong khu vực phi chính thức trong cả nước và đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng sâu sắc nhất.
Đại dịch khiến cho họ bị thiếu hụt về sinh kế và nền tảng tài chính để có thể sẵn sàng đối diện với những khủng hoảng.
Thách thức của nhóm này là các mối quan hệ xã hội không đủ độ bao phủ và hỗ trợ cho họ một cuộc sống an toàn, bởi vì chính những người trong mạng lưới cũng có hoàn cảnh tương tự và phải đối diện với khó khăn chung, không thể có được sự đảm bảo hay hỗ trợ mạng lưới cộng đồng.
Từ thực tế trên, Thạc sỹ Trần Thanh Hồng Lan nhấn mạnh giải quyết gốc rễ áp lực việc làm và an sinh xã hội cho người di cư từ nông thôn ra đô thị, tạo ra việc làm bền vững và đa dạng hóa việc làm ở nông thôn là một giải pháp cần được Nhà nước quan tâm đẩy mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích và gợi mở nhiều giải pháp, chính sách liên quan đến các vấn đề về hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân; mối quan hệ giữa gia đình và xã hội, hôn nhân gia đình, chăm sóc trẻ em sau đại dịch; các vấn đề liên quan đến giáo dục-đào tạo, thị trường lao động; phát triển ngành du lịch hậu COVID-19…/.
Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)