Có lẽ ít khi nào mà xã hội lại loạn chuẩn các danh hiệu, danh xưng như bây giờ. Cách đây chưa lâu, dư luận từng “nổi sóng” với đủ thứ danh xưng khác người, như: Nhà báo quốc tế, nhà khoa học quốc tế… thì mấy ngày qua, nhiều người không khỏi giật mình với những danh hiệu nghe rất lạ tai, như: Nữ hoàng văn hóa tâm linh, nữ hoàng thực phẩm…
Mặc dù đại diện cơ quan quản lý văn hóa khẳng định hoàn toàn không có danh hiệu nào là “Nữ hoàng văn hóa tâm linh”, nhưng người ta vẫn treo băng rôn, pa nô quảng cáo hình ảnh kèm theo danh hiệu này.
Quả là bất chấp về pháp lý và đạo lý. Bất chấp pháp lý vì không có quy định của cơ quan có thẩm quyền mà danh hiệu vẫn ngang nhiên tồn tại. Còn bất chấp về đạo lý vì tự thân nội hàm “văn hóa tâm linh” chứa đựng vẻ đẹp thánh thiện, tao nhã và mang ý nghĩa linh thiêng, lẽ nào lại có người muốn làm “nữ hoàng” đối với cả văn hóa tín ngưỡng?
Mấy năm gần đây, không ít cuộc thi tuy bề ngoài được trang hoàng cái vỏ bọc là hoa hậu, hoa khôi, người đẹp, nữ hoàng, duyên dáng... nhưng gây ra nhiều tai tiếng trong dư luận xã hội. Ví như cuộc thi “Duyên dáng doanh nhân Việt 2016” có 50 thí sinh dự thi thì có tới 30 thí sinh đoạt giải với những cái tên “kêu như chuông” như: Hoa khôi tài năng, hoa khôi vì cộng đồng, hoa khôi nghệ thuật, hoa khôi năng động, hoa khôi hòa bình, hoa khôi có nét đẹp vượt thời gian, hoa khôi tự tin tỏa sáng...
Khoảng dăm năm trở lại đây, có hàng chục phụ nữ Việt bất chấp luật lệ, cố tình thi chui một số cuộc thi sắc đẹp trong và ngoài nước. Những cuộc thi nhan sắc này có chung đặc điểm là cố tình vẽ ra những cái tên đầy quyến rũ, mê hoặc để tạo sự tò mò, chú ý của dư luận và dễ làm “lóa mắt” những thí sinh dự thi. Nhưng thực chất, đó chẳng khác nào những chiếc thùng rỗng, hình thức bên ngoài mới thoạt nghe thì nổi đình, nổi đám, nhưng giá trị thực chất bên trong lại chẳng đáng kể, nếu không muốn nói là hữu sắc vô hương, hữu danh vô thực!
Tại sao thời gian qua, dù dư luận xã hội đã lên tiếng cảnh tỉnh nhiều lần nhưng những cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp, nữ hoàng mang tính chất “ao làng” vẫn nở rộ như nấm sau mưa? Lý do là một bộ phận người dân trong xã hội như đang bị “mù màu” trước những danh hiệu hào nhoáng, bóng bẩy bề ngoài, nhưng căn nguyên sâu xa là do những giá trị thật-giả, thực-hư lẫn lộn đang có nguy cơ làm bào mòn, mọt ruỗng nền tảng đạo đức, văn hóa xã hội.
Đã sinh ra ở trên đời này, từ cổ chí kim, từ đông sang tây, người phụ nữ nào cũng ước muốn mình sở hữu một sắc đẹp về diện mạo, hình thể. Đó là nguyện vọng rất chính đáng. Nhưng xã hội, công chúng chỉ ghi nhận, đánh giá cao những người phụ nữ có vẻ đẹp toàn diện cả về dung nhan, trí tuệ, tâm hồn và nhân cách. Còn những ai làm đẹp bằng mọi giá hay cố tình luồn, lách để thi thố, tranh tài, ganh đua, thậm chí mua danh hiệu về sắc đẹp, thì cái đẹp đó trở nên vô duyên, nếu không muốn nói là thô thiển, kệch cỡm.
Trước thực trạng loạn chuẩn các cuộc thi tìm kiếm nhan sắc, dư luận xã hội mong muốn, đòi hỏi ngành văn hóa cần có biện pháp chấn chỉnh, thái độ cương quyết đối với những tổ chức, doanh nghiệp núp bóng văn hóa, lách kẽ hở của pháp luật để tổ chức thi thố, trao tặng những danh hiệu không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc, không đáp ứng những tiêu chí văn hóa và ảnh hưởng đến sự trong lành của môi trường đạo đức xã hội.
Danh hiệu tự thân đã là một giá trị văn hóa. Danh hiệu càng cao quý thì ý nghĩa văn hóa càng sâu sắc. Do đó, bất cứ danh hiệu nào, dù to hay nhỏ, dù ở phạm vi quốc gia hay địa phương, nhất là các danh hiệu mang tên “hoa hậu, hoa khôi, người đẹp, nữ hoàng” cần phải được ứng xử với tư cách là một giá trị văn hóa của cộng đồng, một chuẩn mực đạo đức của xã hội./.
Phúc Nội (qdnd.vn)