Ngày mai, lại một ngày giỗ nữa của đồng chí Đào Duy Tùng, nhà lãnh đạo đã trọn đời cống hiến cho Đảng và cho Tổ quốc.
Là người con của Thủ đô Hà Nội, đồng chí đã tham gia cách mạng từ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, được tổ chức vào Đảng tháng 4-1945, liên tục hoạt động cách mạng từ cấp cơ sở, huyện, tỉnh, rồi được điều lên cơ quan Trung ương.
Thời gian công tác dài nhất của đồng chí là ở cơ quan Trung ương, hơn 30 năm làm công tác tư tưởng lý luận của Đảng, suốt từ tháng 5-1955 đến năm 1998, khi đồng chí vĩnh biệt chúng ta.
Trong ngành tuyên huấn, đồng chí đã lần lượt giữ cương vị Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Huấn học, Phó Trưởng ban kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Viện trưởng Viện Mác Lê-nin và Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương. Đồng chí liên tục được bầu 4 khóa vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ Đại hội IV, Đại hội V, Đại hội VI và Đại hội VII, trong đó, 2 khóa được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.
Hầu hết quãng thời gian hoạt động ở Trung ương, khi được phân công phụ trách tuyên huấn, đồng chí dành nhiều công sức cho nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị và đường lối, quan điểm của Đảng, đấu tranh sắc bén, nghiêm túc, có hiệu quả chống lại các quan điểm sai trái với đường lối, quan điểm của Đảng.
Những đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng nghiệp cùng làm việc với đồng chí, ai cũng cảm nhận ở đồng chí một con người khiêm nhường, giản dị, đạm bạc, trung thực, song lại chứa một trái tim sâu nặng nghĩa tình, một bộ óc có tầm cao trí tuệ, luôn sống động hướng về sự nghiệp chung của dân, của Đảng.
Các tác phẩm lý luận của đồng chí Đào Duy Tùng
Sau Đại hội VI, trong cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lại được giao nhiệm vụ trong Ban soạn thảo Cương lĩnh chính trị, đồng chí đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng những văn kiện trọng yếu đó của Đảng.
Trong thời gian gần 10 năm, khi đất nước đứng trước những khó khăn, thử thách lớn của buổi đầu thời kỳ đổi mới, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đồng chí đã cùng tôi và tập thể Bộ Chính trị chung lưng đấu cật, ngày đêm suy nghĩ, đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa để xây dựng, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng.
Trong nhiều năm liền, tôi và đồng chí đã cùng bên nhau, nhiều ngày từ sáng sớm đến đêm khuya làm việc tại gác 2 số 4 phố Nguyễn Cảnh Chân, nơi trụ sở làm việc của Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư hoặc xuống địa phương nghiên cứu tình hình, tìm ra những cách làm, những nhân tố tích cực trên con đường đổi mới.
Cống hiến của đồng chí vào sự nghiệp đổi mới không nhỏ. Phải ghi nhận rằng các nghị quyết về đổi mới của Trung ương, từ năm 1986 trở đi đều có bút tích tham gia ý kiến của đồng chí.
Thường ngày, đồng chí ít nói nhưng suy tư nhiều, hầu như mọi tiềm năng tư duy đều dồn vào công việc của Trung ương. Đồng chí chăm chú lắng nghe ý kiến của người khác, không phân biệt tuổi tác, cương vị, hay khác chính kiến.
Với cương vị Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư, phải duyệt các biên bản hội nghị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí đã trung thực chắt lọc, ghi nhận những ý kiến thống nhất, hình thành quan điểm chính thống của Đảng, không bao giờ lồng ý kiến cá nhân của mình vào nghị quyết của Đảng, làm ảnh hưởng đến tính tập thể và chân thực của nghị quyết, dù đó là ý kiến mới, đúng đắn nhưng chưa được tập thể công nhận. Vì thế, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, đến các thành viên lãnh đạo cấp cao của Đảng đều tin cậy ý thức tổ chức và kỷ luật của đồng chí.
Các bài phát biểu của đồng chí bao giờ cũng tiêu biểu cho quan điểm chung của Đảng và được trình bày rất sáng sủa, có sức thuyết phục cao.
Đồng chí Đào Duy Tùng là một nhân vật có tư tưởng đổi mới, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo những nhân tố mới để vượt lên mình. Đồng chí cũng là một trong những người tham gia đổi mới từ những năm 1980, cùng với các lần "khoán thử" ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, "khoán 100" rồi "khoán 10", đến Cương lĩnh đổi mới sau này.
Đồng chí Đào Duy Tùng với bà con nông dân
Cả cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí Đào Duy Tùng từ lúc là một cán bộ thường cũng như khi giữ cương vị cao trong Đảng, khi ở trong nước cũng như khi ở nước ngoài, luôn luôn là một tấm gương đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính.
Gần chục năm tự biết mình lâm bệnh hiểm nghèo nhưng không hề tỏ ra bi quan; trái lại, càng kiên trì tập luyện thân thể, kiên định, tin tưởng, lạc quan. Có những lần do hóa trị liệu nhiều, đầu rụng hết tóc, da nhạt trắng nhưng đồng chí vẫn bình thản lo công việc chung.
Từ khi sức khỏe không cho phép làm việc, được Bộ Chính trị quyết định phải nằm viện cho đến những ngày cuối cùng trên giường bệnh, trước khi hôn mê, đồng chí vẫn còn trao đổi công việc với tôi, dù tôi đã thôi cương vị Tổng Bí thư. Công việc nặng nhọc ở Trung ương trước và trong những ngày đó gần như đã quật ngã đồng chí.
Đào Duy Tùng là con người như thế: Trong sáng, trung thực, đầy bản lĩnh chính trị và năng lực thực tiễn, đổi mới, có ý thức kỷ luật cao, dễ gần gũi mọi người.
Đồng chí đã để lại một tấm gương sáng mãi mãi cho những người cách mạng chúng ta./.
ĐỖ MƯỜI,
nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng