Chủ Nhật, 29/9/2024
Thể thao
Thứ Tư, 17/9/2008 9:35'(GMT+7)

Đào tạo cầu thủ trẻ: Ngày càng ít trái ngọt

VCK giải bóng đá U21 báo Thanh niên 2008 đã khép lại với chức vô địch thuộc về SHB Đà Nẵng (thắng CLB TP Hồ Chí Minh 1- 0 trong trận chung kết). Một trong hai đội trên lên ngôi vô địch thì cũng đều là bất ngờ của giải. Đội trẻ Đà Nẵng trước khi dự giải năm nay, tại bốn lần góp mặt các VCK trước đây, không hề biết đến chiến thắng qua 12 trận. CLB TP Hồ Chí Minh của “bầu” Hưng thì ba lần trước tham dự đều thua liểng xiểng. Thời thế đã thay đổi. Đem hỏi chuyện một HLV lâu năm của Thể Công, ông còn buồn hơn khi hai trung tâm đào tạo cầu thủ nổi tiếng Thể Công, Đồng Tháp vắng mặt ở VCK năm nay. Tính ra, đội bóng trẻ Quân đội và Đồng Tháp đã 4, 5 lần vắng mặt ở giải U21 báo Thanh niên.

Từ việc những anh học trò “tỉnh lẻ” như Khánh Hoà, Tiền Giang lên ngôi vô địch những mùa giải trước đã cho thấy, có rất ít cầu thủ có thể thành danh sau này. Xét một cách sâu xa, VCK giải bóng đá U21 báo Thanh niên chỉ thành công mỹ mãn khi nó giới thiệu cho tuyển trạch viên quốc gia nhiều gương mặt triển vọng. Giải năm 2006, giờ chỉ còn “đọng” lại tên tuổi trung vệ Long Giang. Liệu sau khi kết thúc giải năm nay, bao nhiêu cầu thủ sẽ được chấm?


Giải bóng đá trẻ cũng tựa như một kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc, nếu có đoàn của trường chuyên, lớp chọn danh tiếng tham dự, hẳn hội đồng chấm thi sẽ chọn ra đội tuyển quốc gia mạnh tham dự giải quốc tế. VCK U21 báo Thanh niên không có mặt Thể Công, Đồng Tháp (và cả Sông Lam Nghệ An vì vụ bạo loạn ở sân Vinh V-League 2008) cũng đã ít nhiều làm khó dễ cho những người tuyển chọn. Nhìn rộng ra, Becamex Bình Dương, Đồng Tâm Long An, Hoàng Anh Gia Lai... cũng hổng lỗ lớn trong công tác đào tạo cầu thủ trẻ, thường xuyên không vượt qua được vòng loại của giải U21 báo Thanh niên. Còn một số đội dự VCK giải U21 năm nay cũng phải “mượn” cầu thủ từ CLB khác để tăng cường sức mạnh.


Vắng mặt liên tiếp trong những VCK giải U21 báo Thanh niên gần đây, phải chăng Thể Công, Đồng Tháp chỉ còn hư danh trong việc đào tạo cầu thủ trẻ? Nếu đây là sự thật thì quả là đáng buồn. Hình như, từ khi có nhà tài trợ đứng đằng sau, cả Đồng Tháp và đặc biệt là Thể Công dường như không còn mặn mà với việc đào tạo, phát triển, tạo sân chơi cho lứa cầu thủ trẻ. Hãy nhìn Thể Công, trong số cầu thủ được đào tạo bài bản ở châu Âu hai năm, tốn kém tới 17 tỉ đồng nhưng đâu phải ai cũng được trọng dụng. Xuất sắc như tiền đạo Quang Vinh, còn bị đẩy lên ghế dự bị ở mùa giải V-League 2008. Như Vinh còn may, vì có cầu thủ còn bị đem cho đội bóng Quân khu mượn. Trong khi “đá” cầu thủ tài năng cho các đội bóng khác, thì lãnh đạo Thể Công lại lên kế hoạch chiêu mộ Công Vinh, Quốc Vượng tốn kém tới cả chục tỉ đồng.


Lãnh đạo, ban huấn luyện Cao su Đồng Tháp, TCDK Sông Lam Nghệ An giờ cũng cuống quýt khi hàng loạt cầu thủ hết hạn hợp đồng, chuyển sang đội bóng khác. Cách đây 3-4 năm, bóng đá xứ Nghệ còn dư thừa cầu thủ tới mức “viện trợ” hào phóng cho bóng đá thủ đô. Chuyện mới ngày nào, nhắc lại thấy quặn lòng. Khi những trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ có tiếng như Thể Công, Đồng Tháp, Sông Lam Nghệ An không có đủ tuyến kế cận, có thể coi là thảm họa của bóng đá nước nhà. Nếu ở VCK giải bóng đá U21 báo Thanh niên 2009, Thể Công, Đồng Tháp hay Sông Lam Nghệ An lại vắng mặt, chắc chẳng mấy ai để tâm tới chuyện này./.

(Theo VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất