Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Hai, 15/10/2012 20:44'(GMT+7)

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo tiến độ

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề.

Năm 2012, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn hướng đến mục tiêu hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 500 nghìn lao động nông thôn và đào tạo, bồi dưỡng cho 100 nghìn cán bộ công chức xã trong toàn quốc.

Tuy nhiên, theo kết quả mới công bố của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tiến độ đào tạo nghề năm 2012 của cả nước hiện chỉ đạt trên 27%. Kết quả thực hiện đào tạo nghề 6 tháng đầu năm 2012 còn thấp, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều không đạt.

Theo tìm hiểu thì một trong những nguyên nhân chủ yếu là do sự chậm trễ trong việc phân bổ kinh phí đào tạo. Không có kinh phí là lý do khiến nhiều địa phương chậm trễ trong triển khai đào tạo nghề cho lao động.

Ông Nguyễn Bình Minh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dạy nghề Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ cho biết, trong năm 2012, Phú Thọ dự kiến đào tạo nghề cho khoảng 5.000 lao động.

Tuy nhiên, nguồn kinh phí cho công tác đào tạo nghề năm 2012 phân bổ chậm; ngoài ra, kinh phí Trung ương cấp còn hạn chế so với nhu cầu đặt ra, trong khi tỉnh không có nguồn ngân sách cấp cho công tác này nên tỉ lệ đào tạo nghề của tỉnh dự kiến chỉ hoàn thành 25-30% kế hoạch đặt ra.

Thừa nhận việc chậm trễ phân bổ kinh phí đào tạo, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho biết, ngày 29/4/2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định giao dự toán ngân sách Trung ương. Tới ngày 7/5/2012, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn các chỉ tiêu, nhiệm vụ cho công tác dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2012 và đến ngày 18/6/2012, Bộ Tài chính có hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012. Do đó, đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố mới đang xây dựng, phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định tiến độ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 vẫn sẽ được đảm bảo.

Ông Dũng lý giải: Kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân đặt ra là bình quân đào tạo 1 triệu người/năm, trong 10 năm sẽ đào tạo 10 triệu lao động. Hiện nay và thời gian vừa qua là giai đoạn khởi động, chúng ta phải tập trung chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất đào tạo, giáo viên, cán bộ giảng dạy nên con số chỉ tiêu đào tạo 1 triệu lao động/năm là không đạt được.

"Nhưng ở các năm sau, khi các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, chương trình đào tạo được hoàn thiện thì sẽ tăng số lượng lao động được đào tạo lên hơn 1 triệu người/năm, bù đắp cho những năm trước. Như vậy, tiến độ triển khai của đề án đến năm 2020 sẽ đảm bảo được", ông Dũng khẳng định.

Ông Dũng cho biết thêm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang chuẩn bị điều kiện về giáo viên, đào tạo; chuyển giao cho các tỉnh đào tạo để tăng số lượng lao động được đào tạo, đảm bảo hiệu quả, chất lượng đào tạo.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đang tổng kết, đánh giá việc thí điểm sử dụng Thẻ học nghề nông nghiệp tại 2 tỉnh Thanh Hóa và Bến Tre.  Đặc biệt, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra diện rộng về dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2012 tại 63 tỉnh, thành phố cả nước./. 

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009. Mục tiêu bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã.

Theo Đề án, đến năm 2020, sẽ đào tạo nghề cho 6.000.000 lao động nông thôn. Trong đó, khoảng 5.500.000 lao động nông thôn được học nghề (1.400.000 người học nghề nông nghiệp; 4.100.000 người học nghề phi nông nghiệp), trong đó đặt hàng dạy nghề khoảng 380.000 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu cho khoảng 500.000 lượt cán bộ, công chức xã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.


(Diễm Huyền Nga/VGP News) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất