Hộ nghèo không có nhà được xây nhà, thiếu ăn được cấp gạo, đau ốm có bảo hiểm y tế. Thôn nghèo, bản nghèo, xã nghèo, huyện nghèo… nhận được nhiều ưu tiên và hỗ trợ. Vì thế, trên thực tế có hiện tượng người dân không thích thoát nghèo, địa phương không muốn thoát nghèo. Đó là thực tế tại một số địa phương đã được một số đại biểu Quốc hội nêu ra trước nghị trường vừa qua.
Nhớ lại mấy năm trước, “phong trào” phấn đấu trở thành… miền núi đã diễn ra ở nhiều nơi, vì trở thành huyện miền núi, xã miền núi được nhiều ưu tiên. Thực tế, có địa phương chỉ nhấp nhô vài quả đồi cũng cố “chạy” để trở thành miền núi. Đến nay, lại có “phong trào” phấn đấu trở thành huyện nghèo để được hưởng ưu đãi từ Chương trình 30a, xã nghèo để được hưởng ưu đãi từ Chương trình 135, thôn nghèo, bản nghèo, hộ nghèo để được hỗ trợ.
Chính sách ưu đãi với hộ nghèo, địa phương nghèo là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và Nhà nước ta. Do xuất phát điểm của từng địa phương khác nhau, đặc điểm của từng gia đình và địa phương khác nhau, vì thế, có những địa phương, gia đình thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, dẫn đến “có của ăn, của để”. Ngược lại, do nhiều nguyên nhân, cũng có những địa phương và gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn, điểm xuất phát thấp. Các chính sách ưu đãi, các khoản trợ cấp, hỗ trợ đối với các địa phương nghèo và hộ nghèo đã trở thành những cú hích, lực đẩy quan trọng để giúp các địa phương, gia đình thoát nghèo. Rất nhiều gia đình, địa phương nhờ sự hỗ trợ này đã nỗ lực phấn đấu vươn lên. Việt Nam đã là tấm gương sáng về xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Tuy nhiên, do các chính sách ưu đãi với hộ nghèo và địa phương nghèo thiếu đồng bộ và việc quản lý còn quá nhiều lỗ hổng nên đã dẫn đến tình trạng ở một số ngành, địa phương ban hành thêm các chính sách, một số nơi chính sách chồng chéo lẫn nhau, dẫn đến việc dựa dẫm, ỷ lại, thậm chí mất đoàn kết trong việc bình chọn hộ nghèo, thôn nghèo, xã nghèo. Thậm chí có những gia đình làm thủ tục tách hộ để cho những người không có thu nhập vào chung một hộ mới thành hộ nghèo để được Nhà nước hỗ trợ. Chính vì vậy, việc rà soát, đánh giá lại chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với địa phương nghèo và hộ nghèo lúc này là hết sức cần thiết. Mỗi vùng nên có những tiêu chí cụ thể để xác định hộ nghèo, địa phương nghèo và phải có điều kiện để thoát nghèo trong một thời điểm thích hợp. Hết thời điểm hỗ trợ cần phải xem xét lại các chính sách, các khoản hỗ trợ đã thực mang lại hiệu quả chưa? Nếu chưa thì phải tiếp tục thay đổi. Mặt khác, để thoát nghèo bền vững, rất cần sự hỗ trợ bằng những “chiếc cần câu” thay vì “xâu cá”. Thực tế, đã có những ông chủ hộ nghèo nhận được tiền hỗ trợ mang đi mua rượu uống, có những hộ nghèo vay tiền từ ngân hàng chính sách xã hội nhưng chẳng biết làm gì, hoặc đầu tư vào những lĩnh vực không hiệu quả, lại càng nghèo vì mắc thêm nợ. Có những địa phương nhận tiền hỗ trợ xây dựng công trình không hiệu quả lại bị thất thoát, rơi vãi.
Việc phấn đấu trở thành… nghèo đang là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Để khắc phục nghịch lý này, cần có những cơ chế chính sách đồng bộ và điều quan trọng là phải tư vấn, “cầm tay, chỉ việc” để giúp các hộ nghèo, địa phương nghèo đi lên bằng đôi chân của chính mình./.
(Đỗ Phú Thọ/QĐND)