Thứ Bảy, 28/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 2/3/2014 10:40'(GMT+7)

Ðào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho Tây Nguyên

Một gian hàng giới thiệu, chào bán các loại giống cây trồng tại Hội chợ khoa học công nghệ Ðác Nông 2013.

Một gian hàng giới thiệu, chào bán các loại giống cây trồng tại Hội chợ khoa học công nghệ Ðác Nông 2013.


Gần 40 năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nền kinh tế-xã hội của Tây Nguyên có bước chuyển biến tích cực, theo hướng sản xuất hàng hóa với các sản phẩm chủ lực như cà-phê, cao-su, hồ tiêu... Những năm gần đây, các tỉnh Ðác Lắc, Lâm Ðồng, Gia Lai đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày nhằm tạo vùng nguyên liệu cho việc phát triển công nghiệp chế biến. Ngành khai thác khoáng sản, nhất là khai thác bô-xít ở Lâm Ðồng và Ðác Nông bước đầu được triển khai, thực hiện. Tuy nhiên, do nguồn nhân lực có chất lượng còn thiếu nên ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Tây Nguyên. Một cán bộ tuyên giáo tỉnh Ðác Nông cho chúng tôi biết: Mới thành lập được mười năm, dĩ nhiên lực lượng công tác trong ngành khoa học và công nghệ Ðác Nông "mỏng" đã đành, nhưng đáng lo hơn là chất lượng nguồn nhân lực. Cũng do trình độ, năng lực cán bộ còn nhiều bất cập cho nên cách đây năm, bảy năm, trang thiết bị mua về có giá trị hàng chục tỷ đồng nhưng khai thác chẳng được bao nhiêu, mà phần lớn "đắp chiếu" rất lãng phí...

PGS, TS Bùi Tất Thắng cho biết: Qua điều tra, trình độ học vấn của người dân Tây Nguyên còn thấp so với các vùng khác. Theo khảo sát (năm 2009), tỷ lệ người dân từ năm tuổi trở lên không được đến trường của Tây Nguyên là 9,1% (cả nước là 5%); tương tự tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên ở Tây Nguyên không biết chữ là 11,2% (cả nước là 6%). Có một tình trạng đáng báo động là càng lên cấp học cao hơn thì tỷ lệ học sinh là con em dân tộc thiểu số càng ít dần. Năm 2012, số học sinh người dân tộc thiểu số trong tổng số học sinh cấp tiểu học toàn vùng Tây Nguyên chiếm 43,4%, lên cấp THCS là 34,5% và đến cấp THPT chỉ đạt gần 18%. Hơn mười năm trở lại đây, mạng lưới các trường đại học và cao đẳng tuy có sự phát triển (khoảng 15 trường đại học, phân hiệu đại học và cao đẳng) nhưng mới đạt 85 sinh viên/ 10 nghìn dân, thấp hơn nhiều so tỷ lệ trung bình của cả nước là 245 sinh viên/ 10 nghìn dân. Ngay ở Trường đại học Tây Nguyên, nơi có bề dày truyền thống về đào tạo trong vùng nhưng mới chỉ có 11% cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ. Riêng hệ thống cơ sở dạy nghề vùng Tây Nguyên còn rất ít (hiện có hai trường cao đẳng nghề, 12 trường trung cấp nghề và hơn 40 trung tâm dạy nghề), bởi vậy quy mô tuyển sinh học nghề hằng năm dao động từ 48 đến 50 nghìn người, trong đó phần lớn là người học nghề dưới một năm... cho nên phần lớn người lao động khu vực Tây Nguyên chưa qua đào tạo, trình độ chuyên môn kỹ thuật trong các ngành nghề ở đây còn thấp dẫn đến năng suất lao động chưa cao.

Ðiều tra, khảo sát cho thấy, tỷ lệ người từ 17 tuổi trở lên thuộc các dân tộc ở Tây Nguyên có trình độ đại học chỉ chiếm 2,8%, trong khi tỷ lệ lao động lĩnh vực công nghiệp của vùng đạt 5,2%, còn lại phần lớn người lao động làm việc trong khu vực nông - lâm - ngư nghiệp... Tây Nguyên đang từng bước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mặt khác đây cũng là khu vực giữ vai trò quan trọng đối với phát triển tam giác Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam. Ðể làm được việc này, các cấp có thẩm quyền cần thực hiện tốt hơn Quyết định số 1951/2011/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ" Về phát triển giáo dục và đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015". Ðồng thời, xây dựng được xã hội học tập nhằm bảo đảm cho tất cả người dân trong vùng được tiếp cận với nền giáo dục và đào tạo có chất lượng.

Tuy nhiên, do những đặc thù về điều kiện tự nhiên, xã hội và con người (đến nay vùng Tây Nguyên đã có hơn 50 dân tộc anh em cùng chung sống), ngành giáo dục và đào tạo cần nghiên cứu để có bộ sách giáo khoa, các tài liệu với nội dung và phương pháp giảng dạy, truyền thụ phù hợp với đối tượng người học trên địa bàn. Trong đó ưu tiên cho các ngành nghề cần thiết như giáo dục, y tế, nông - lâm nghiệp, khai thác khoáng sản... phục vụ thiết thực công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Nhà nước có cơ chế, chính sách thích hợp để phát triển và nhân rộng mô hình trường bán trú dân nuôi, trường phổ thông dân tộc nội trú vì đây chính là nguồn "đầu vào" cho các bậc học cao hơn.

Thực tế cho thấy, học sinh dân tộc thiểu số tại chỗ khó có cơ hội thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Cho nên thực hiện công tác cử tuyển vẫn là giải pháp và chính sách cần thiết đối với học sinh miền núi nói chung và địa bàn Tây Nguyên nói riêng. Mặt khác, tạo cơ chế thu hút lao động có trình độ cao (tại các trung tâm thành phố lớn) lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khai khoáng và chế biến các sản phẩm cà-phê, cao-su, hồ tiêu lên Tây Nguyên công tác thông qua các chương trình dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, trong đó có Chương trình trọng điểm Nhà nước "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2015".

  NGUYỄN KHÔI/NhanDan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất