Thứ Hai, 23/9/2024
Đời sống
Thứ Tư, 10/2/2016 15:35'(GMT+7)

Đất nước tưng bừng vào xuân

Người dân Hà Nội thưởng thức màn pháo hoa trong đêm giao thừa Tết Bính Thân 2016 tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: ĐĂNG KHOA, ĐỨC TUẤN, MẠNH LINH (TTXVN)

Người dân Hà Nội thưởng thức màn pháo hoa trong đêm giao thừa Tết Bính Thân 2016 tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: ĐĂNG KHOA, ĐỨC TUẤN, MẠNH LINH (TTXVN)




Những ngày đầu năm mới Bính Thân ở Thủ đô Hà Nội trời nắng ấm, mầu cờ, sắc hoa thêm tươi thắm, tưng bừng. Người dân Thủ đô đón Tết trong không khí tươi vui, yên bình; đêm giao thừa, các điểm vui chơi ngoài trời và các điểm bắn pháo hoa đông nghịt người, trong đó có rất nhiều du khách nước ngoài thích thú cảm nhận không khí Tết truyền thống của người dân Việt Nam. 

Khu vực hồ Hoàn Kiếm được trang hoàng lộng lẫy với dàn đèn chiếu sáng cùng nhiều bồn hoa, tiểu cảnh. Bác Nguyễn Văn Quyết, 75 tuổi, sống ở Khu đô thị mới Văn Quán cho biết: “Ngay trước Tết Nguyên đán, Đại hội lần thứ XII của Đảng diễn ra trong không khí dân chủ, đổi mới; đội ngũ lãnh đạo trong nhiệm kỳ này có nhiều người trẻ, năng động, có trình độ. Chúng tôi tin tưởng trong thời gian tới, đất nước sẽ có những đổi mới mạnh mẽ về phương thức quản lý, phát triển kinh tế… Với riêng Hà Nội, chúng tôi mong thành phố sớm có những quyết sách hiệu quả để tháo gỡ áp lực về dân số và phát triển hạ tầng đô thị hiện nay, xây dựng Thủ đô ngày càng đẹp và văn minh”. Các khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ, các chùa Trấn Quốc, Quán Sứ, Phúc Khánh... rất đông người dân Hà Nội và các tỉnh, thành phố tới dâng hương chiêm bái. Tình hình an ninh trật tự tại các khu vực này tương đối tốt, không xảy ra chen lấn, lộn xộn.

Hàng nghìn người du xuân và đón chào năm mới tại đường hoa Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: ĐĂNG KHOA, ĐỨC TUẤN, MẠNH LINH (TTXVN)

Một gia đình đồng bào dân tộc Mông bản Chiềng Đi, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (Sơn La) vui đón Tết Bính Thân. Ảnh: ĐĂNG KHOA, ĐỨC TUẤN, MẠNH LINH (TTXVN)

Tại TP Hồ Chí Minh, tiết trời mát mẻ, người dân được thưởng thức trọn vẹn tiết xuân từ đêm giao thừa. Sau màn pháo hoa rực rỡ, cả thành phố dường như không ngủ, và tâm điểm vui chơi là khu vực đường hoa Nguyễn Huệ, nơi có hàng nghìn du khách đổ về chiêm ngưỡng. Khu vực Tượng đài Bác Hồ trên trục đường hoa, 36 chậu mai khoe sắc vàng rực rỡ. Một nhóm đoàn viên, thanh niên của quận 1 còn đứng ra “xin rác” và phát bao lì xì cho người đến bỏ rác vào thùng với thông điệp bằng hai thứ tiếng Anh, Việt: “Không xả rác bừa bãi”. Tại huyện ngoại thành Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà hát Trần Hữu Trang (quận 5), nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật thu hút rất đông khán giả đến xem. Công viên Văn hóa Đầm Sen đã tái hiện không gian “Tết quê giữa phố” vừa đậm nét truyền thống, lại vừa mới lạ độc đáo như: chợ Tết trên bến dưới thuyền; ẩm thực hàng gánh với các món ăn dân dã; các hoạt động văn nghệ dân gian như ông đồ cho chữ, hò đối đáp trên sông, quan họ Bắc Ninh…

Tại TP Đà Nẵng, thời tiết lạnh hơn mọi năm, nhiệt độ đêm 29, rạng sáng mồng 1 Tết có lúc giảm xuống dưới 150C. Tuy nhiên, trời không mưa, cho nên rất đông người dân vẫn đổ ra đường đi chơi Tết. Đêm giao thừa, Đà Nẵng bắn pháo hoa ở bốn điểm, gồm cầu Nguyễn Văn Trỗi, sân vận động quận Ngũ Hành Sơn, Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu và Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang. Tại các chùa lớn như Linh Ứng Sơn Trà, Linh Ứng Ngũ Hành Sơn, Quán Thế Âm, Tỉnh Hội, An Hải... rất đông người dân và du khách đến lễ và xin lộc đầu năm. Tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, lễ đón du khách quốc tế đầu tiên xông đất thành phố được tổ chức trang trọng, vui tươi và ấm cúng. Ông Allaw Ho, vị khách nước ngoài đầu tiên “xông đất” Đà Nẵng bằng đường hàng không vui vẻ nói: “Tôi rất vui và vinh dự là người khách đầu tiên đến Đà Nẵng trong năm mới. Tôi cảm thấy rất thích thú và muốn tận hưởng chuyến đi của mình ở nơi đây”. Theo đại diện Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng, trong dịp Tết, có 175 chuyến bay trực tiếp từ nước ngoài, đưa 18.870 khách quốc tế đến Đà Nẵng bằng đường hàng không, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2015.

Chương trình văn nghệ tại lễ hội mừng Đảng, mừng Xuân 2016 và kỷ niệm 40 năm thành lập tỉnh Đồng Tháp tối 7-2. Ảnh: HUỲNH PHÚC HẬU (TTXVN)

Chương trình nghệ thuật chào Xuân Bính Thân năm 2016 tại TP Huế (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: CÔNG HẬU

Tại Thừa Thiên - Huế, hàng nghìn người dân TP Huế xuống phố, Quảng trường Ngọ Môn - Kỳ đài Huế, nơi diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chào Xuân Bính Thân 2016 và bắn pháo hoa đón giao thừa tập trung khá đông người. Gần 250 diễn viên, nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế cùng một số CLB nghệ thuật trong tỉnh tham gia chương trình nghệ thuật đêm giao thừa với gần 20 tiết mục đặc sắc như: Hồ Chí Minh - sáng mãi niềm tin, Đảng cho ta mùa xuân, Đảng là cuộc sống của tôi, Âm vang mùa xuân, Xuân yêu thương, Xuân đã về, Gửi Trường Sa một câu hò Huế…

Trong thời khắc giao thừa, rất đông người dân thành phố biển Vũng Tàu đã tập trung tại khu vực Công viên Bãi Trước để đón xem màn pháo hoa rực rỡ. Cũng như mọi năm, cầu tàu 914 đã trở thành điểm dừng chân chiêm ngưỡng pháo hoa của người dân và du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Côn Đảo.

Ngược lên phía bắc, Lào Cai đón Tết trong thời tiết ấm áp, khô ráo, nắng vàng trải khắp quê hương như bù lại những ngày băng giá, rét hại trước Tết. Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ hàng trăm tấn gạo giúp đồng bào nghèo, vùng sâu, vùng xa ổn định cuộc sống và sản xuất. Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và hàng chục doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã hỗ trợ hơn 20 nghìn suất quà Tết và nhiều vật dụng sinh hoạt, quần áo ấm tặng các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và học sinh. Thời tiết ấm áp, thời gian nghỉ Tết khá dài, cáp treo Phan Xi Păng đi vào hoạt động thương mại nên có rất đông du khách trong và ngoài nước đến khu du lịch Sa Pa và chinh phục đỉnh Phan Xi Păng - “nóc nhà Đông Dương”.

Tại TP Sơn La (tỉnh Sơn La), UBND thành phố phối hợp Trung tâm văn hóa tỉnh tổ chức chương trình nghệ thuật “Khúc giao mùa”, kết hợp nhiều hoạt động khác để người dân vui đón Tết. Mặc dù thời tiết khá lạnh, nhưng hàng nghìn người dân TP Sơn La vẫn nô nức ra đường vào thời khắc giao thừa.

Sau nhiều ngày “chịu trận” băng tuyết, tiết trời ở các địa phương trong tỉnh Lạng Sơn đã ấm hẳn lên. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Đồng Đăng), nơi có con đường huyết mạch xuyên Việt đi qua, mỗi ngày đón nhận hơn hai nghìn lượt khách xuất nhập cảnh và hàng nghìn tấn hàng hóa giao thương qua lại. Tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, TP Móng Cái (Quảng Ninh) đã tổ chức chương trình đón, tặng hoa và chúc Tết khách du lịch quốc tế đầu tiên nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu. Hơn 300 du khách đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Ma Cao, Hồng Công (Trung Quốc) do các công ty lữ hành quốc tế đón và lo thủ tục cho khách.

Về thành phố cảng Hải Phòng những ngày đầu năm, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật mừng Đảng, chào đón Xuân mới Bính Thân diễn ra sôi động tại trung tâm thành phố và các quận, huyện. Nắng vàng rực rỡ, đường phố đầy sắc cờ đỏ, những dàn đèn trang trí, những thảm hoa tươi cùng những dòng người hối hả du Xuân... càng làm cho không khí đón năm mới trên thành phố Hoa phượng đỏ thêm rộn rã. Giao thừa, cả Hải Phòng rực sáng. Còi tàu đang làm hàng tại cảng Hải Phòng hú vang hòa cùng sắc mầu rực rỡ của màn pháo hoa tầm cao tỏa sáng, soi bóng bên hồ Tam Bạc, hồ An Biên... Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh cho biết, trong ngày 8-2 (mồng 1 Tết) có khoảng 300 chuyến tàu đưa hơn năm nghìn lượt du khách tham quan Vịnh Hạ Long, tăng 20% so với ngày bình thường, chủ yếu là du khách quốc tế.

Đến với cực nam đất nước, pháo hoa tỏa sáng lung linh trên nền trời đêm tại bãi cát vàng Khu du lịch Khai Long (thuộc ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Đây là lần đầu màn pháo hoa mừng năm mới được bắn ở tỉnh địa đầu cực nam Tổ quốc. Hàng nghìn người đã đến tận nơi chiêm ngưỡng, chụp ảnh. Kế đó, địa điểm bắn pháo hoa cũng là nơi vừa động thổ công trình điện gió đầu tiên của tỉnh Cà Mau, là công trình điện gió quy mô lớn thứ hai ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo lãnh đạo địa phương, công trình điện gió sau khi hoàn thành kết hợp với Cảng biển nước sâu quốc tế Hòn Khoai được đầu tư trong tương lai sẽ mở ra cơ hội cho vùng đất tiền tiêu phía nam của Tổ quốc cất cánh.

Tại hai điểm du lịch lớn nhất tỉnh An Giang là khu du lịch Núi Sam với cụm di tích quốc gia đặc biệt Miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu và núi Sam, Khu du lịch Núi Cấm, hàng chục nghìn lượt du khách đã đến tham quan vào ngày mồng 1 và mồng 2 Tết.

Người dân TP Cần Thơ vui đón Tết tại đường hoa Ninh Kiều. Ảnh: DUY KHƯƠNG

Mừng xuân Bính Thân 2016, TP Cần Thơ rực rỡ cờ, hoa chào mừng năm mới. Đêm giao thừa, hàng nghìn người dân đổ về bến Ninh Kiều, công viên sông Hậu, công viên văn hóa Miền Tây... xem bắn pháo hoa và các chương trình văn hóa - nghệ thuật đêm giao thừa. Điểm bắn pháo hoa tầm cao ở cồn Cái Khế (nằm giữa sông Hậu), không chỉ phục vụ người dân Cần Thơ mà người dân thị xã Bình Minh, huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) cũng xem được.

Dư vị ngọt ngào của festival hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) lần thứ sáu vẫn đọng lại trên các cung đường, nếp nhà của thành phố ngàn hoa. Cùng với không khí náo nức mừng Đảng, mừng Xuân trên mọi miền Tổ quốc, phố núi Đà Lạt đang khoác lên mình tấm áo hoa mùa hội. Đà Lạt đón xuân trong nắng vàng trải nhẹ cùng tiết trời se lạnh. Du khách nườm nượp đổ về các khu du lịch gần trung tâm thành phố và các nhà vườn để du xuân.

Tại Bình Dương, hàng chục nghìn người dân khắp tỉnh đổ về Trung tâm thành phố mới, thành phố Thủ Dầu Một để thưởng thức các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ và xem bắn pháo hoa chào mừng năm mới. Đường hoa Xuân Bính Thân 2016 với chiều dài hơn 300 m mang chủ đề “Bình Dương rạng ngời sắc xuân” luôn nhộn nhịp, đông vui.

Nhóm PV/ Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất