Thứ Tư, 6/11/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 5/1/2019 9:23'(GMT+7)

Dấu ấn 2018: Xuất siêu đạt kỷ lục, vượt qua con số 7 tỷ USD

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Đáng chú ý, xuất siêu đạt mức cao nhất từ trước đến nay đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như cải thiện cán cân thanh toán. 

29 MẶT HÀNG VƯỢT 1 TỶ USD

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 12/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 42,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2018 lên con số 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2017 và nhập khẩu tăng 11,5%, ước đạt 237,5 tỷ USD.

Tại cuộc họp của Tổ điều hành trong nước mới đây, theo bà Nguyễn Thị Mai Linh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 2018 là năm thành công với chỉ tiêu xuất khẩu và cán cân thương mại khi tăng trưởng xuất khẩu cao hơn chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.

Đáng chú ý, quy mô xuất khẩu tăng mạnh, trong đó có 29 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, 8 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng trên 10 tỷ USD.

Cũng trong năm 2018, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu, chiếm hơn 82,8% tổng kim ngạch xuất khẩu với trị giá xuất khẩu đạt 202,67 tỷ USD, tăng 16,2%.

"Nếu tính từ năm 2012 đến năm 2018 là năm thứ 7 liên tiếp tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến cao hơn tăng trưởng xuất khẩu chung", đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Bên cạnh đó, nhóm hàng nông sản, thủy sản vẫn duy trì được sự tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu đạt 26,7 tỷ USD, tăng 2,3%, trong đó có sự đóng góp của một số mặt hàng như: rau quả tăng 9,2%, gạo tăng 16%, thủy sản tăng 6,3%.

Năm 2018 cũng để lại dấu ấn đối với ngành nông nghiệp khi hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường của 180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 10 thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Anh, Australia, Malaysia, Italy.

Đến nay, Việt Nam đã có một số mặt hàng khẳng định được vị trí trên thị trường thế giới, có khả năng cạnh tranh cao, qui mô xuất khẩu lớn. Đơn cử, Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, điều, cá tra, trong khi đứng thứ hai thế giới về càphê và đứng thứ ba thế giới về gạo, tôm.

Là một trong 5 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất năm 2018, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, không chỉ về số lượng mà chất lượng tăng trưởng của ngành dệt may cũng thay đổi rõ nét.

Đáng chú ý, chỉ sau một năm, xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2018 đã vượt qua Bangladesh, vươn lên đứng thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, thậm chí đang theo rất sát Ấn Độ.

Một điểm nhấn nữa, trong năm 2018, có 30 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (tăng thêm 1 thị trường so với năm 2017), trong đó có 4 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.

Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do FTA đều ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng tốt như Hàn Quốc tăng 23,2%, ASEAN tăng 13,7%, Nhật Bản tăng 12,9%, EU tăng 11%, Mỹ tăng 14,2%, Trung Quốc tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

- Nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt 10 tỷ USD năm 2018:


XUẤT SIÊU GẤP HƠN 3 LẦN NĂM 2017

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2018 đạt 237,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2017. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 94,8 tỷ USD, tăng 11,3% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 142,7 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2017.

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng năm 2018 ở mức 210,6 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 88,68% trong tổng kim ngạch nhập khẩu...

Cùng với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt tốt, cán cân thương mại năm nay đã duy trì thặng dư cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 7,2 tỷ USD, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp có xuất siêu. Đặc biệt, Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ.

Theo thống kê, năm 2017 Việt Nam xuất siêu vào Hoa Kỳ 32,24 tỷ USD thì tới năm 2018 đã lên tới 34,7 tỷ USD, trong khi tại thị trường EU, xuất siêu cũng tăng từ 26,14 tỷ USD lên 28,7 tỷ USD vào năm 2018.

Đánh giá về năm 2018, chuyên gia Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, kết quả xuất khẩu đạt được trong năm vừa qua là rất ấn tượng, cùng với đó chất lượng tăng trưởng cũng đã có sự chuyển biến rõ nét.

Đơn cử, một số lĩnh vực trước đây có giá trị gia tăng thấp, nhưng nay đã có sự cải thiện đáng kể và cũng tận dụng cái "cơ trong nguy" để có mức xuất khẩu tốt hơn, đơn cử như dệt may, da giày, đồ gỗ...

Nhìn xa hơn, theo ông Thành, nhiều doanh nghiệp Việt đã nỗ lực vươn lên, sáng tạo và để đặt mình vào chuỗi giá trị để giá trị gia tăng tốt hơn, ví dụ khâu thiết kế, khâu phân phối... đã có nhiều chuyển biến rõ nét.

Với những kết quả đạt được trong năm 2018 cùng với nhiều dự báo đưa ra về thị trường, Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2019 ước đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng khoảng 8 - 10% so với năm 2018, nhập khẩu khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7% so với năm 2018. Trong khi đó, nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD và tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%./.

(Vietnam+)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất