Đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2018, khu
vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có mức tăng khá cao với 3,76%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong bảy năm qua đã khẳng định việc
chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực
nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
TĂNG TRƯỞNG CẢ VỀ TỐC ĐỘ VÀ CHẤT LƯỢNG
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường,
năm 2018, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các
thành phần kinh tế và người dân nên chúng ta đã đạt được một năm thắng
lợi toàn diện.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 đạt kỷ lục với 40 tỷ USD. Xây dựng
nông thôn mới đã đạt 42,4% số xã và 61 huyện, vượt chỉ tiêu Chính phủ
giao cho ngành trong năm 2018. Bên cạnh đó, tỷ lệ che phủ rừng đạt
41,65%, là con số rất cao nếu so với mức binh quân thế giới chỉ đạt 29%.
Những kết quả trên đã khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy
hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Cơ
cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng chuyển từ mục tiêu số
lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển từ sản xuất quy mô nhỏ
lẻ, phân khúc sang quy mô lớn, khép kín theo chuỗi giá trị.
Sự chuyển đổi trong sản xuất không chỉ dựa vào lợi thế, tiềm năng mà
theo sát nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với
đó là tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm bằng tiêu chuẩn,
quy chuẩn. Những giống lúa mới chất lượng cao đang dần thay thế giống
lúa truyền thống, phát triển mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP cho giá trị
kinh tế cao.
Những sản phẩm có lợi thế và thị trường như thủy sản, rau, hoa, quả
nhiệt đới, đồ gỗ và lâm đặc sản được phát huy. Đồng thời, giảm các ngành
hàng, sản phẩm đang có xu hướng tăng cung.
Chẳng hạn như sự chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp sang nuôi trồng
thủy sản đã nâng cao giá trị sản xuất gấp 2,3 lần; trong đó riêng chuyển
đổi 1ha đất canh tác lúa sang nuôi tôm nước lợ sẽ nâng cao giá trị gấp
khoảng 5 lần.
Nuôi tôm theo hướng VietGap cho năng suất cao. (Ảnh: TTXVN)
Năm 2018, thị trường thế giới cũng có nhiều biến động, tiêu biểu là cuộc
chiến tranh thương mại Mỹ-Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu
chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước
thị trường nông sản lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trên thị trường thế giới, nhất là
tiêu, đường... sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, xuất khẩu nông lâm thủy sản
tiếp tục xác lập kỷ mục mới, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.
THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG
Tuy đạt được kết quả cao và khá toàn diện, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Xuân
Cường cho rằng ngành có tăng trưởng nhưng chưa bền vững, quy mô hộ sản
xuất nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, liên kết giữa vùng nguyên liệu của nông
dân với doanh nghiệp, với hợp tác xã còn ít, thiếu chặt chẽ.
Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng chưa cao. Nếu khâu chế biến sâu hơn ở
các ngành hàng thì lợi nhuận đem lại cao hơn, lợi nhuận phân phối lại
cho bà con cũng cao hơn. Trong xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ đạt nông
thôn mới nhanh nhưng chất lượng chưa đáp ứng theo mong muốn. Đó là thu
nhập của bà con ở vùng miền như vùng núi, hải đảo... chưa cao; tỷ lệ
nông thôn mới ở đó rất thấp so với đồng bằng và ven đô.
Năm 2019, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phấn đấu tốc độ tăng
trưởng GDP ngành đạt 3%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 42-43 tỷ USD; tỷ lệ
xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt khoảng 48-50% và 70 huyện đạt tiêu chí
nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.
Trang trại nuôi lợn công nghệ cao tại xã Quỳ Hợp, Nghệ An. (Ảnh: TTXVN)
Để đạt kết quả trên, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu,
nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và đẩy mạnh sản xuất, chế
biến, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thúc đẩy tăng trưởng bền
vững. Cụ thể, các đơn vị địa phương tiến hành rà soát quy hoạch, chiến
lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường để
phân loại thành ba trục sản phẩm.
Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia sẽ được tiến hành rà soát quy hoạch,
chiến lược, kế hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy
mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa
học công nghệ tiên tiến.
Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương căn cứ lợi thế và nhu cầu
thị trường, lựa chọn nhóm sản phẩm này để quy hoạch và đầu tư theo
hướng như đối với sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương. Có
chính sách và giải pháp mở rộng quy mô, sức cạnh tranh để bổ sung vào
nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia.
Nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ, gắn với chỉ dẫn địa
lý cụ thể, sẽ được xây dựng và phát triển cùng với xây dựng nông thôn
mới ở huyện, xã theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Trong lĩnh vực trồng trọt, ngành tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng,
sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến
đổi khí hậu. Chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy
sản, các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn như: rau màu, cây
ăn trái, dược liệu… Trong sản xuất sẽ thực hiện các giải pháp quy trình
kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hóa và phát triển mạnh công nghệ chế biến,
bảo quản sau thu hoạch.
Chăn nuôi sẽ tiếp tục chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển
chăn nuôi tập trung theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp; nâng cao
hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng áp dụng kỹ thuật tiên tiến, có
kiểm soát theo chuỗi.
Thủy sản được khuyến khích nuôi thâm canh, công nghiệp và quảng canh
tiên tiến; áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến và nuôi theo các tiêu
chuẩn chứng nhận. Đặc biệt là thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và
truy xuất nguồn gốc thủy sản, sớm giải quyết vấn đề áp “thẻ vàng” của
EC; đồng thời hài hòa hóa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông
lệ quốc tế.
Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, ngành đặc biệt chú trọng phát triển
công nghiệp chế biến, bảo quản, ưu tiên chế biến tinh, chế biến sâu,
nhất là các sản phẩm chủ lực như trái cây, cây công nghiệp, gỗ và lâm
sản, thủy sản... và sản xuất các sản phẩm từ phụ phẩm nông nghiệp tạo
sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, với những tiền đề của giai đoạn vừa
qua cho thấy tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng hướng, đúng trọng tâm.
Trong tái cơ cấu sẽ phải đồng bộ các khâu, kể cả trong khâu sản xuất,
chế biến và thương mại. Từ quy mô hộ cho đến cộng đồng là hợp tác xã,
doanh nghiệp đều phải coi khoa học công nghệ là giải pháp then chốt.
“Luôn coi thị trường là mục tiêu, động lực để thúc đẩy sản xuất. Từ đó,
chúng ta biết ứng dụng được công nghệ gì cho ngành hàng gì ở đâu để đáp
ứng tốt thị trường. Thị trường trước hết là thị trường gần 100 triệu dân
trong nước, rồi mới đến thị trường xuất khẩu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân
Cường nhấn mạnh.
Cùng với đó, việc hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường
nhất định; tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định
các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm
năng, khai thác hiệu quả cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đem
lại sẽ là nhiệm vụ quan trọng của ngành nong nghiệp trong năm 2019./.
(TTXVN)