Năm 2019, kinh tế Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng xuất phát cả từ trong và ngoài nước, tuy nhiên cũng không phải không còn những thách thức.
Năm yếu tố hỗ trợ tăng trưởng 2019
Năm 2019 là năm được đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để chuẩn bị các điều kiện cần tốt nhất cho việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, do đó sẽ có nhiều yếu tố tích cực tác động đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là từ phía chính sách. Các yếu tố thuận lợi cụ thể như sau:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế thế giới mặc dù được dự báo suy giảm nhưng vẫn ở mức tăng khá cao so với giai đoạn trước. Kinh tế thế giới năm 2019 được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của những năm trước nhờ sự hồi phục của các nền kinh tế lớn. Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF) đưa ra dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 đạt 3,77%, thấp hơn so với mức 3,83% của năm 2018.
Thứ hai, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và các đối tác. Việc tham gia vào các hiệp định CPTPP và EVFTA sẽ mang lại tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam trong năm 2019. Theo đánh giá của Trung tâm, CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD (trong TPP12, con số này là khoảng 6,7 %). Tác động này có thể sẽ lớn hơn nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ (2,01%).
Thứ ba, kết quả tăng trưởng khả quan trong năm 2018 là điều kiện thuận lợi, tạo đà cho tăng trưởng năm 2019.
Thứ tư, kinh tế vĩ mô về cơ bản vẫn được đảm bảo, lạm phát được dự báo trong tầm kiểm soát, thanh khoản hệ thống ngân hàng được duy trì tốt, dự trữ ngoại hối được duy trì ở mức cao là căn cứ để đảm bảo tỷ giá và lãi suất không có biến động quá lớn là điều kiện thuận lợi ổn định kinh tế vĩ mô giúp cho tăng trưởng kinh tế 2019.
Thứ năm, môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ hơn khi Việt Nam buộc phải thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP về cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời Chính phủ cũng đang nỗ lực “kiến tạo” để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển.
Ngoài những nhân tố thuận lợi trên, động lực tăng trưởng năm 2019 tiếp tục được duy trì bởi khu vực FDI (thông qua đóng góp trong xuất khẩu và công nghiệp chế biến, chế tạo) và khu vực tư nhân khi các yếu tố hỗ trợ khu vực này đã và đang được triển khai đồng bộ và mạnh mẽ hơn (với nỗ lực Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh lên mức trung bình khu vực và đưa khu vực tư nhân làm động lực mới cho tăng trưởng).
Nếu xét từ các ngành sản xuất, tăng trưởng kinh tế 2019 vẫn sẽ được dẫn dắt bởi ngành dịch vụ và sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Xét theo các yếu tố phía cầu, tăng trưởng kinh tế 2019 có xu hướng được thúc đẩy bởi (1) mức tăng mạnh của cầu tiêu dùng với niềm tin tiêu dùng được cải thiện do tăng thu nhập của người dânvà lạm phát được duy trì ở mức mức thấp và ổn địnhvà (2) tăng trưởng xuất khẩu được hỗ trợ với việc thực hiện các hiệp định thương mại, và (3) tổng đầu tư toàn xã hội có thể được duy trì như những năm vừa qua với sự đóng góp nhiều hơn từ FDI và khu vực tư nhân.
Sáu thách thức tăng trưởng
Mặc dù có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế năm 2019, nhưng nền kinh tế cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như:
Thứ nhất, kinh tế có thể bị tác động tiêu cực từ các biến động của kinh tế thế giới, trong đó nổi bật là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Thứ hai, mô hình tăng trưởng mặc dù có sự cải thiện song chưa rõ rệt, tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các nguồn lực như vốn đầu tư và tín dụng, trong khi chất lượng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực này chưa cao.
Thứ ba, chất lượng lao động chưa được cải thiện cùng năng lực khoa học - công nghệ ở mức thấp có thể ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế và khả năng thu hút các dòng vốn tới Việt Nam.
Thứ tư, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành đã có tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua nhưng đang có xu hướng tăng chậm lại.
Thứ năm, xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn khi mà các chính sách bảo hộ thương mại của nhiều đối tác lớn chính thức áp dụng với nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ sáu, giá của các nhóm hàng y tế, giáo dục, điện, nước đã được chính phủ sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng làm tăng chi phí sản xuất và tiêu dùng, từ đó làm giảm sức mua trong nước, đồng thời gây áp lực gia tăng lạm phát.
Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế 2018, cũng như xem xét triển vọng phát triển của các ngành, lĩnh vực, các nhân tố có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia đưa hai kịch bản dự báo được xây dựng dựa trên các giả định về sự thay đổi của các biến số bao gồm: tăng trưởng kinh tế giới; chỉ số giá tiêu dùng thế giới; giá dầu thế giới; một số đánh giá tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; tỷ lệ đầu tư/GDP; tốc độ tăng lực lượng lao động và biến động tỷ giá, biến động lãi suất; tăng trưởng tín dụng; nợ công. Theo đó, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam 2019 sẽ dao động trong khoảng 6,84%-7,02%.
Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế năm 2019, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, đảm bảo hệ thống cần bằng tổng thể của nền kinh tế; song song với việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu thị trường tài chính và doanh nghiệp Nhà nước qua đó làm tăng năng lực của nền kinh tế, tăng khả năng linh hoạt cho các công cụ chính sách vĩ mô, mà cụ thể là chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ. Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo vĩ mô và theo dõi sát các diễn biến tương tác giữa các cân đối vĩ mô của nền kinh tế: tài khoản quốc gia, cán cân vãng lai, cân đối ngân sách, cân đối tiền tệ,… và đưa ra các cảnh báo dựa trên các hệ số an toàn theo khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng kiểm soát tín dụng.
Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng gồm: Tập trung xây dựng và thực hiện cơ cấu lại ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, xúc tiến thương mại, mở rộng thị tường xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Trong đó, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nâng cao chất lượng quản lý vốn đầu tư, đặc biệt đầu tư công. Trước hết cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công: Tập trung giải ngân vốn vào các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm giúp cải thiện năng lực sản xuất trong nước như các công trình đường cao tốc, đường sắt hay cảng hàng không. Đối với đầu tư nước ngoài, cần xây dựng định hướng thu hút FDI có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; triển khai vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.
Tận dụng triệt để lợi thế khai thác thị trường xuất khẩu khi một số hiệp định thương mại có Việt Nam tham gia chính thức có hiệu lực từ năm 2019.
Chủ động đối phó với các ảnh hưởng tiêu cực từ các xung đột thương mại và chiến tranh thương mại quốc tế. Việt Nam cần chủ động hơn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hoá thị trường tiêu thụ thông qua các buổi xúc tiến thương mại, đàm phán song phương và đa phương.
TS. Đặng Đức Anh
(Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Nguồn: TTX