Nhiều thế kỷ bị chiến tranh khiến cho Lào luôn luôn nằm trong tốp nghèo nhất thế giới. Nhưng cũng từ đặc điểm này và vị trí địa lý đặc thù mà Lào tiếp nhận được nhiều nguồn viện trợ, đầu tư phát triển, trong đó có đầu tư từ Việt Nam.
Những chiếc cầu mở cửa ra thế giới
Chiếc cầu đầu tiên bắc qua Mekong chính là biểu tượng cho sự mở cửa kinh tế và động lực tăng trưởng của Lào - cầu Hữu Nghị 1, nối thành phố Nong Khai của Thái Lan với thủ đô Viên Chăn. Cầu dài 1.170m với hai làn xe.
Dải phân cách giữa cầu chính là đường sắt nối Thái Lan và Lào vừa được thông tuyến vào ngày 5/3/2009. Chính phủ Úc tài trợ cho Lào cây cầu này dưới dạng ODA (hỗ trợ phát triển chính thức).
Với sự nỗ lực chung và từ nguồn vốn tài trợ Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), bảy năm sau (2006), cầu Hữu Nghị 2 nối Mukdahan và Savanakhet chính thức đưa vào sử dụng nối liền hệ thống giao thông đường bộ trên toàn tuyến hành lang Đông - Tây.
Cầu Hữu Nghị 3 nối nối Khammuon (Lào) và Nakhon Phanon (Thái Lan) khởi công ngày 6/3/2009. Cầu dài 780m, hai làn xe rộng 13m, hoàn thành vào tháng 6/2012. Cả ba chiếc cầu vượt Mekong đều có ý nghĩa rất quan trọng trong giao thương, vận chuyển hàng hóa giữa hai nước Lào-Thái và xa hơn nữa là giữa Thái Lan với Việt Nam.
Ngôi vị đầu bảng đầu tư nước ngoài
Người ta nói Lào là bình ắc qui khổng lồ, là nguồn năng lượng lớn nhất Đông Nam Á quả không sai. Hiện tại, thủy điện Nam Ngưm và thủy điện Xeset (Nam Lào) được bán cho Thái Lan thu về mỗi năm nhiều chục triệu USD. |
Một thời gian dài Việt Nam dẫn đầu về đầu tư nước ngoài ở Lào. Trong các năm 2006, 2007 vị trí này thay đổi bởi các doanh nghiệp đến từ Thái Lan, Trung Quốc. Năm 2008 Việt Nam trở lại ngôi vị đầu bảng nhờ một số dự án lớn như thủy điện, trồng cây công nghiệp, khai thác khoáng sản.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự phát triển, tăng trưởng của vùng Nam Lào với các dự án trồng cây công nghiệp, khai thác chế biến lâm sản.
Lớn nhất là dự án thủy điện Sekaman 3 đã chặn dòng từ năm ngoái; nhiều doanh nghiệp khác cũng đang khảo sát đầu tư xây dựng thủy điện vừa và nhỏ, khai thác khoáng sản tại khu vực này.
Ở Savannakhet có một dự án khai thác vàng và một dự án khai thác đồng đã được các doanh nghiệp Úc đầu tư. Một doanh nghiệp Thái Lan đang đồng thời xây dựng hai nhà máy đường và vùng nguyên liệu mía.
Ngoài khai thác mỏ thạch cao từ nhiều năm qua ở Savannakhet, ấn tượng mạnh nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại là xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là đại công trường phục vụ cho Seagames ở Viên Chăn vào cuối năm nay.
Phía đối diện trung tâm thi đấu, Việt Nam đang giúp Lào thi công 100 ngôi biệt thự làm nơi ở cho các đoàn vận động viên.
Thủy điện và khoáng sản vẫn là tài nguyên lớn nhất của Lào. Trên đường từ thủ đô Viên Chăn đi Luang Prabang có hai nhà máy xi măng ở tỉnh Viên Chăn. Cũng ở tỉnh này công trình thủy điện Nam Ngưm đã được xây dựng từ đầu thập niên 1970.
Các dự án Nam Ngưm 2 và 3 đang chờ ý kiến của các nước trong Ủy ban sông Mekong - vì đập Nam Ngưm sẽ làm thay đổi dòng chảy của Mekong.
(Theo TienPhongOnline)