Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 21/3/2012 14:49'(GMT+7)

Đẩy mạnh cải cách để củng cố kỳ vọng cho các nhà đầu tư

(Ảnh min hoạ)

(Ảnh min hoạ)

Những phân tích và dự báo tổng quan của các chuyên gia kinh tế cho thấy, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2012 đang theo hướng tích cực; Quý I/2012 các điều kiện kinh tế vĩ mô đã đã ổn định đáng kể so với đầu năm 2011, đồng tiền nội tệ ổn định hơn và việc giảm giá đồng Việt Nam theo từng đợt cũng không còn được tính đến. Với việc kiên trì và quyết liệt thực hiện mục tiêu kéo lùi lạm phát (CPI) về một con số, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã quyết định cắt giảm lãi suất ngân hàng để kích cầu tiêu dùng và đầu tư.

Mặc dù môi trường kinh tế vĩ mô đã dần ổn định hơn nhờ lạm phát đang trên đà suy giảm, thâm hụt thương mại và ngân sách được kiềm chế, các chính sách quản lý tiền tệ tốt hơn... Tuy nhiên, những triển vọng hiện nay vẫn chưa đủ để khôi phục tổn thất về niềm tin do lạm phát cao tác động đến người dân và các nhà đầu tư trong thời gian qua. Nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng do họ vừa mới trải qua 1 năm phải gánh chịu hậu quả của lạm phát cao và lo ngại vẫn có những rủi ro đối với kinh tế vĩ mô Việt Nam khi giá xăng dầu và giá điện tăng.

Hệ quả của lạm phát cao và xiết chặt tín dụng trong năm 2011 đã khiến các doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận vốn và lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc tạm dừng sản xuất; người tiêu dùng phải đối mặt với giá sinh hoạt leo thang, điều kiện tìm việc làm khắc nghiệt hơn. Vấn đề này càng trở nên trầm trọng đối với người dân thuộc nhóm có thu nhập thấp, những người có tỷ lệ chi tiêu cho thực phẩm chiếm phần lớn trong tổng chi tiêu (trong khi năm 2011 lạm phát giá thực phẩm tăng 26,6% so với năm 2010). Các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công thấp đã phải chịu nhiều áp lực trước áp lực tăng lương của người lao động để trang trải chi phí sinh hoạt trong bối cảnh lạm phát khiến giá cả leo thang.

Giới chuyên gia nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 có thể đạt khoảng 5,7%, tình hình xuất khẩu vẫn tăng mạnh nhưng có thể chậm hơn so với năm 2011; nguồn đầu tư mạnh được hỗ trợ bằng dòng vốn FDI ổn định và nhu cầu trong nước (tuy còn thấp hơn so với 2011). Việc giảm lãi suất ngân hàng đã được thực hiện, song từ đây có thể thúc đẩy được các nhà đầu tư và người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu hay qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào hành động của Chính phủ trong việc thực hiện những cam kết về cải cách. Muốn lấy lại được tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn trên 7% như một thập kỷ trước đã đạt được, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần nỗ lực cải cách nền kinh tế để tăng hiệu quả đầu tư và tái thiết kỳ vọng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước./.

Ngọc Quỳnh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất