Ngày 6-8, tại Hải Phòng, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (Ban 127/T.Ư) tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác những tháng cuối năm. Trưởng Ban 127 các địa phương, đại diện bộ, ngành Trung ương dự.
Theo Ban 127/T.Ư, công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại nửa đầu năm 2008 tuy đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều điểm yếu cần khắc phục. Ðó là, có lúc, có việc lực lượng chức năng thiếu chủ động, chưa nhạy bén tình hình thị trường để phát hiện và đề xuất giải pháp xử lý nhanh những vấn đề xã hội quan tâm. Sự đóng góp của từng lực lượng, của nhiều bộ, ngành hạn chế nên đề xuất giải pháp với Chính phủ chưa sắc bén, kịp thời.
Việc nghiên cứu, dự báo tình hình thị trường chưa hiệu quả. Phối hợp giữa các ngành chức năng, giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương chưa chặt chẽ; có lúc, có nơi mang tính cục bộ. Công tác thông tin, báo cáo chậm. Ðáng chú ý là chưa chủ động nắm tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa, lượng hàng dự trữ của doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời xử lý phát sinh.
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Cẩm Tú đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận mấy nhóm vấn đề. Ðó là nêu cụ thể những vướng mắc về cơ chế chính sách để Ban 127/T.Ư đề xuất Chính phủ chỉ đạo sửa đổi phù hợp. Tăng chế tài xử phạt vi phạm trong từng lĩnh vực đủ sức răn đe. Lực lượng chức năng cần kịp thời phát hiện những vấn đề bức xúc, đề xuất giải pháp xử lý để Ban 127/T.Ư tổng hợp báo cáo Chính phủ chỉ đạo. Bổ sung lực lượng, phương tiện cần thiết để lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ. Tăng cường công tác dự báo thị trường, giá cả; tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại với từng tuyến, từng nhóm hàng để có giải pháp phòng, chống hiệu quả. Bổ sung, sửa đổi về cơ chế phối hợp các lực lượng giữa Trung ương và địa phương, giữa các cụm và các tuyến...
Trọng tâm công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của Ban 127/T.Ư và các địa phương, lực lượng chức năng trong những tháng cuối năm là dự báo sát tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời mọi biểu hiện đầu cơ, găm hàng, tăng giá không hợp lý với các mặt hàng thiết yếu; kiểm tra, kiểm soát hiệu quả trật tự thị trường; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng... nhằm hỗ trợ tích cực việc kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững./.
(Nhân Dân)