Thứ Sáu, 20/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 17/1/2015 10:48'(GMT+7)

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị trong giai đoạn mới

 Ngày 17/1, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015 (mã số KX.04/11-15).

 Ngay từ đầu năm 2014, Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.04/11-15 đã bám sát chương trình của Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới và Tiểu ban Văn kiện Đại hội hội XII của Đảng, hướng cho các đề tài tập trung nghiên cứu theo nội dung của 5 nhóm tổng kết về: hệ thống chính trị; kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về xây dựng Đảng; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; văn hóa - xã hội.

Đồng thời, Ban Chủ nhiệm Chương trình hướng các đề tài nghiên cứu sâu, cụ thể hơn 10 vấn đề theo yêu cầu của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Đó là: Cục diện thế giới và khu vực - những biến động gần đây và tác động đến Việt Nam, dự báo tình hình sắp tới; Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; Giải quyết các vấn đề xã hội trong tình hình mới; Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (gắn với an ninh, quốc phòng, đối ngoại); Hội nhập quốc tế, đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; Đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Xây dựng Đảng cầm quyền, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng; Về nhận thức và giải quyết 8 mối quan hệ lớn.

 Ban Chủ nhiệm Chương trình chủ động nêu rõ nội dung yêu cầu của từng vấn đề để các đề tài tập trung nghiên cứu phục vụ cho mục tiêu của Chương trình là cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc tổng kết 30 năm đổi mới và soạn thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng. Đến nay, 100% đề tài thực hiện đúng mục tiêu, nội dung đã được ký kết. Trên 95% các đề tài đã hoàn thành công tác khảo sát thực tế, điều tra xã hội học. Toàn Chương trình đã tham gia đào tạo 184 thạc sỹ và 22 nghiên cứu sinh.

 Kết quả nghiên cứu của các đề tài trong Chương trình KX.04/11-15 có chất lượng tốt, có những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn. Sản phẩm của đề tài đã thực sự đóng góp cho việc hình thành các cơ sở lý luận, quan điểm, chủ trương và các giải pháp trong Nghị quyết của Đảng về văn hóa, giáo dục, hội nhập quốc tế, các chiến lược lớn về tập đoàn kinh tế, về tái cơ cấu nền kinh tế; đặc biệt là đóng góp vào xây dựng Báo cáo Tổng kết 30 năm đổi mới và Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng.

 Năm 2015, Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.04/11-15 tập trung thúc đẩy tiến độ chung của 31 đề tài; phối hợp với Văn phòng các Chương trình xây dựng chương trình kế hoạch để tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở và cấp Nhà nước. Các đề tài chuẩn bị có chất lượng cao nhất Báo cáo kết quả nghiên cứu để Ban Chủ nhiệm Chương trình tổng hợp, chắt lọc đưa vào báo cáo tổng quan chung của Chương trình cũng như báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào tháng 6/2015. Nội dung báo cáo tập trung vào 3 vấn đề: Những nghiên cứu mới về lý luận - thực tiễn mà đề tài đã thực hiện; Những kiến nghị của Đề tài đóng góp vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng và Báo cáo phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020; Đề xuất các vấn đề cần nghiên cứu trong giai đoạn 2016-2020./.

 Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất