Từ ngày 21 - 27/9/2024, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung
ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa
Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham
dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ, sau đó thăm cấp Nhà nước tới Cuba theo lời mời của
Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch
nước Cộng hòa Cuba Miguel Diaz Canel Bermudez cùng Phu nhân.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng,
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí trước
chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
PV: Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết ý nghĩa chuyến công tác
tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ của
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm?
Phó Thủ tướng,
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Từ ngày 22 - 24/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự
Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp
quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ. Đây là chuyến công tác tham dự hoạt
động đối ngoại đa phương và làm việc tại Hoa Kỳ đầu tiên của Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước trên cương vị mới. Đây cũng là lần đầu tiên một Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước ta tham dự trực tiếp các phiên họp cấp cao tại Đại
hội đồng Liên hợp quốc.
Diễn ra trong bối cảnh thế giới và Liên hợp quốc đang chứng kiến
nhiều biến chuyển sâu sắc, với nhiều thách thức truyền thống và phi
truyền thống, tác động mạnh mẽ đến các thể chế đa phương, hợp tác và
phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu và với từng quốc gia, nội dung
các hội nghị lần này rất “đúng và trúng”(1). Với 150 Người đứng đầu Nhà
nước và Chính phủ các nước thành viên Liên hợp quốc dự kiến tham dự,
Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế sẽ cùng rà soát, tìm các cách thức
hữu hiệu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững
(SDGs) cho đến năm 2030, đề ra các định hướng lớn về phát triển cho giai
đoạn tới.
Tại Liên hợp quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đem tới những
thông điệp lớn, quan trọng ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, với vai
trò trung tâm của Liên hợp quốc đối với hòa bình, hợp tác, phát triển
trên thế giới. Đây cũng là dịp Việt Nam một lần nữa khẳng định đường lối
đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối
ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, là bạn, là đối
tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn
đóng góp tích cực vào hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển ở khu
vực và trên thế giới.
Chuyến công tác làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại
Hoa Kỳ diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm một năm hai nước nâng cấp quan hệ
lên Đối tác chiến lược toàn diện và đang tích cực chuẩn bị cho các hoạt
động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ vào
năm 2025. Đây là dịp quan trọng để hai bên cùng nhìn lại những thành tựu
mà khuôn khổ quan hệ mới mang lại, đồng thời thảo luận về những định
hướng và biện pháp lớn để tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực, ổn
định, thực chất của quan hệ trong nhiều năm tới. Hai bên sẽ tiếp tục bám
sát những nguyên tắc nền tảng của quan hệ hai nước, bao gồm “tôn trọng
hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và tôn trọng thể chế chính
trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau”, củng cố hơn nữa
tin cậy chính trị và lòng tin chiến lược, đảm bảo nguyện vọng của nhân
dân hai bên, đóng góp tích cực hơn nữa cho hòa bình, ổn định, hợp tác và
phát triển bền vững tại khu vực cũng như trên thế giới.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ
có các cuộc tiếp xúc song phương quan trọng với lãnh đạo Chính quyền
Hoa Kỳ, tham dự và phát biểu tại sự kiện hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết
lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ và một năm nâng cấp quan hệ lên
Đối tác chiến lược toàn diện, cũng như các cuộc tiếp xúc, làm việc với
sự tham gia của các quan chức, doanh nghiệp, chuyên gia, học giả hàng
đầu của Hoa Kỳ.
PV: Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết những đóng góp của Việt Nam
đối với Liên hợp quốc? Ông đánh giá thế nào về thành quả hợp tác giữa
Việt Nam và Hoa Kỳ?
Phó Thủ tướng,
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Trong gần 50 năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên hợp quốc đang
phát triển tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu, không ngừng được củng
cố và tăng cường. Trong các giai đoạn tái thiết đất nước, phục hồi sau
chiến tranh đến phá bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế, chúng
ta đều có sự đồng hành, giúp đỡ của Liên hợp quốc. Gần đây nhất, trong
giai đoạn ứng phó với đại dịch COVID-19, Liên hợp quốc đã kịp thời hỗ
trợ Việt Nam sớm kiểm soát đại dịch và phục hồi kinh tế.
Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy, tích cực và có trách nhiệm
của cộng đồng quốc tế cũng như của Liên hợp quốc. Chúng ta tham gia ngày
càng chủ động, tích cực, đóng góp ngày càng thực chất, sâu rộng cả về ý
tưởng, con người, nguồn lực trên tất cả các lĩnh vực hoạt động trụ cột
của Liên hợp quốc về gìn giữ hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển;
trong đó, có thể kể đến việc đi đầu thực hiện thành công các Mục tiêu
phát triển Thiên niên kỷ từ những năm 2000 và hiện đang tích cực triển
khai các Mục tiêu phát triển bền vững, đi đầu triển khai sáng kiến Một
Liên hợp quốc thống nhất hành động của các tổ chức Liên hợp quốc ở Việt
Nam, tham gia tích cực vào các ưu tiên lớn của Liên hợp quốc về hòa
bình, phát triển và bảo đảm quyền con người.
Chúng ta cũng được cộng đồng quốc tế tín nhiệm và đặt nhiều kỳ vọng,
đã và đang đảm nhiệm thành công nhiều vị trí quan trọng tại Liên hợp
quốc. Lãnh đạo Liên hợp quốc luôn đánh giá cao vai trò và đóng góp của
Việt Nam và mong Việt Nam tiếp tục đóng vai trò ngày càng tích cực hơn
nữa trên các lĩnh vực ưu tiên của Liên hợp quốc.
Về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, sau một năm triển khai quan hệ Đối tác
chiến lược toàn diện, hợp tác giữa hai nước đã đạt được nhiều kết quả
tích cực ở một số lĩnh vực sau:
Thứ nhất, các hoạt động tiếp xúc và trao đổi đoàn diễn ra sôi động ở
tất cả các kênh, các cấp. Bên cạnh việc duy trì các cơ chế đối thoại
thường niên đã có, hai bên đã khởi động thành công các cơ chế đối thoại
thường niên mới như Đối thoại Bộ trưởng Ngoại giao, Đối thoại Kinh tế,
Đối thoại An ninh và Thực thi pháp luật, qua đó cụ thể hóa các cam kết
của hai bên trong Tuyên bố chung năm 2023.
Thứ hai, kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là xung lực quan
trọng cho quan hệ hai nước. Kim ngạch thương mại song phương 8 tháng đầu
năm 2024 đạt gần 88 tỷ USD, tăng 22%. Nhiều doanh nghiệp lớn của hai
nước tích cực mở rộng đầu tư vào thị trường của nhau, tạo thế đan xen
lợi ích bền chặt.
Thứ ba, hợp tác an ninh - quốc phòng tiếp tục được triển khai hiệu
quả, trong đó, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục là ưu tiên
và là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước, đạt được nhiều kết quả
thực chất; hợp tác an ninh và thực thi pháp luật ngày càng được tăng
cường…
Thứ tư, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các cơ chế, diễn đàn
đa phương quan trọng cũng như hợp tác thực chất nhằm ứng phó với các vấn
đề toàn cầu.
Bên cạnh đó, với những vấn đề còn khác biệt, hai bên sẽ tiếp tục tăng
cường đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng và quan tâm đến các
lợi ích chính đáng của nhau.
PV: Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn!./.
___________________
(1) Chủ đề của các Hội nghị “Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt
đẹp hơn” và “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Cùng hành động để thúc đẩy
hòa bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thế hệ hiện
tại và mai sau”.
TTXVN