(TG) – Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 21/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” trên cả nước. Công tác tuyên truyền được cả hệ thống chính trị triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, như:
Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho 80 nhân viên lái xe của Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại Đồng Tháp, Công ty TNHH Taxi Sen Hồng và Vinasun, kết hợp phát 100 logo tuyên truyền “Đã uống rượu, bia không lái xe” dán trên phương tiện.
Tại buổi tuyên truyền, Phòng Cảnh sát giao thông đã thông tin về tình hình tai nạn giao thông 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em; nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông; hậu quả, tác hại do hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, những hệ lụy mà gia đình và xã hội phải gánh chịu do tai nạn giao thông gây ra. Một số hành vi vi phạm giao thông phổ biến như: vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, vượt không đúng quy định... Ngoài ra, Phòng Cảnh sát giao thông còn hướng dẫn các quy tắc giao thông về kỹ năng để lái xe an toàn và văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông.
Thông qua buổi tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ cho nhân viên lái xe khi tham gia giao thông được an toàn, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông dán logo tuyên truyền “Đã uống rượu, bia không lái xe” trên phương tiện tham gia giao thông của công ty
Kết thúc buổi tuyên truyền, đại điện lãnh đạo Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại Đồng Tháp, Công ty TNHH Taxi Sen Hồng, Vinasun và nhân viên lái xe ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.
Ngày 23/6, Công an tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng cho 500 công nhân lao động (CNLĐ) tại Công ty TNHH Mcnex Vina (KCN Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình).
Tại buổi tuyên truyền, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Ninh Bình đã thông tin về tình hình tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông. Những hậu quả, tác hại do hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, những hệ lụy mà gia đình và xã hội phải gánh chịu do tai nạn giao thông gây ra. Một số hành vi vi phạm phổ biến như: Vi phạm về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm. Đồng thời, hướng dẫn các quy tắc tham gia giao thông, nhất là các kỹ năng để lái xe an toàn và văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông.
Buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ cho CNLĐ khi tham gia giao thông. Đồng thời, với các kiến thức được tiếp thu tại buổi tuyên truyền, mỗi CNLĐ có thể trở thành một tuyên truyền viên để tuyên truyền về an toàn giao thông cho gia đình và mọi người xung quanh, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của mỗi người để tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Trong 10 năm đã tổ chức được 10.240 đợt tuyên truyền về ATGT cho nhân dân, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh sinh viên, với hơn 980.000 lượt người tham dự.
Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Ninh Bình thực hiện kiểm soát kết hợp với tuyên truyền, phổ biến
quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT cho lái xe vận tải.
Bên cạnh các mặt công tác tuyên truyền đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị địa phương tiến hành: Xây dựng các nội dung, tiêu chí cho các khu dân cư và gia đình thực hiện đăng ký không vi phạm trật tự an toàn giao thông; thành lập các câu lạc bộ về ATGT, Đội thanh niên tuyên truyền và hướng dẫn TTATGT; Duy trì 114 câu lạc bộ “Ông kể cháu nghe” với 900 thành viên tham gia tuyên truyền Luật giao thông cho học sinh của Hội cựu chiến binh các cấp. Duy trì hoạt động mô hình “Con đường cựu chiến binh tự quản, an toàn, xanh sạch đẹp” với 180 tuyến đường, 75.890 km. Thành lập 06 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với 650 thành viên tham gia để tuyên truyền an toàn giao thông của Hội Nông dân các cấp; xây dựng được mô hình hiệu quả “thắp sáng đường quê”; “Đoạn đường tự quản”, “Tổ nhân dân tự quản ATGT”; xây dựng 18 mô hình “Phụ nữ không vi phạm trật tự an toàn giao thông”; Củng cố 111 Hội đồng tự quản về bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở các xã, phường, thị trấn. Xây dựng 101 tổ tự quản ATGT, duy trì hoạt động của 250 đoạn đường tự quản giao thông của Mặt trận Tổ quốc các cấp. Qua chấm điểm bình xét khu dân cư, hộ gia đình có hơn 70% khu dân cư và hơn 85% hộ gia đình được công nhận khu dân cư, hộ gia đình không vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Phước .
Bên cạnh đó, tuyên truyền trên Đài truyền thanh và loa phát thanh lưu động ở các địa phương khoảng 60.000 giờ. Riêng Đài phát thanh truyền hình thường xuyên điểm tin tình hình TTATGT trong tuần, phát sóng 850 phóng sự, 340 tiểu phẩm, 170 phỏng vấn và đưa hơn 1700 tin tuyên truyền về ATGT trên chuyên mục ATGT và chương trình thời sự. Báo Bình Phước đăng hơn 970 tin bài tuyên truyền về ATGT trên báo in và báo Bình Phước online. Công an tỉnh đã phát 750 tin bài và phóng sự tuyên truyền trên chuyên mục An ninh Bình Phước.
Hay tỉnh Tiền Giang, trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông được các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tạo được phong trào và được người dân tích cực hưởng ứng, tham gia; nhiều mô hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ở một số ngành, đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện đạt hiệu quả, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Cán bộ tuyên truyền phổ biến các kiến thức pháp luật về an toàn giao thông.
Với việc triển khai, thực hiện tích cực các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên cả nước mang lại nhiều chuyển biến tích cực, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người dân được nâng lên, các hành vi vi phạm luật giao thông giảm dần./.
Thu Thảo