Trong các trường hợp vi phạm trên, có hơn 24.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chủ yếu là người điều khiển xe máy, tiếp đến là ô tô con. Qua đó, phạt hơn 113 tỷ đồng và tước hơn 15.000 giấy phép lái xe.
Số liệu xử phạt cũng ghi nhận lượng lớn ma men vi phạm có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép (0,4 miligam/1 lít khí thở) với hơn 7.800 tài xế. Ngoài ra, khi bị lực lượng CSGT kiểm tra, không ít lái xe có hành vi chống đối, không chấp hành, những trường hợp này đều bị xử phạt 35 triệu, tước giấy phép lái xe 23 tháng.
Cũng theo C08, trong 15 ngày qua, một số công an địa phương có kết quả xử lý cao về nồng độ cồn như: TP.HCM hơn 3.200 trường hợp; Hà Nội hơn 1.800 trường hợp; Đồng Nai hơn 1.600 trường hợp...
Trong khi đó, trên các tuyến cao tốc, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện xử lý 70 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 8 trường hợp lái xe dương tính với ma túy.
Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn của một người tham gia giao thông.
Chuyên đề xử lý vi phạm về cơi nới thành thùng, chở quá tải được lực lượng CSGT xử lý với hơn 7.700 trường hợp, phạt tiền hơn 41 tỷ đồng, tước hơn 4.000 Giấy phép lái xe, tạm giữ 162 phương tiện, yêu cầu hạ tải hơn 2.500 trường hợp và yêu cầu tháo cắt thành thùng xe 740 trường hợp.
Trên đường thủy nội địa, lực lượng cảnh sát đường thủy đã phát hiện, xử lý hơn 1.500 trường hợp chở quá vạch mớn nước an toàn; 144 trường hợp vi phạm về đăng ký, đăng kiểm…
Theo Cục CSGT, kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của Bộ Công an kết thúc vào 20/9. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phải duy trì thường xuyên, liên tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm như thời gian cao điểm, không để các chủ phương tiện, lái xe có tư tưởng “chờ qua cao điểm” hoặc “xả hơi” sau thời gian bị xử lý kiên quyết./.
Thu Hương