Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 2/1/2017 14:15'(GMT+7)

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phân giới cắm mốc trước yêu cầu của tình hình mới

Đội liên hợp cắm mốc của hai tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông (Lào) dựng cột mốc 705 trên địa bàn biên giới thuộc huyện Nam Giang (Quảng Nam) và Kà Lừm (Sê Kông). (Ảnh minh họa)

Đội liên hợp cắm mốc của hai tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông (Lào) dựng cột mốc 705 trên địa bàn biên giới thuộc huyện Nam Giang (Quảng Nam) và Kà Lừm (Sê Kông). (Ảnh minh họa)

I. Những kết quả chính của công tác tuyên truyền phân giới, cắm mốc (PGCM)

1. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo ngày càng chủ động, tích cực; công tác phối hợp giữa các lực lượng ngày càng nhịp nhàng, bài bản 

Ngay từ đầu năm, hướng dẫn tuyên truyền công tác PGCM năm 2016 được xây dựng và ban hành tới các cơ quan, đơn vị để triển khai. Đây là cơ sở để các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành phố cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và chỉ đạo triển khai các hoạt động tuyên truyền về PGCM, quản lý biên giới đến địa phương, cơ sở; đưa thông tin đến với các đối tượng, nhất là đồng bào khu vực biên giới. Bên cạnh công tác hướng dẫn, chỉ đạo thường xuyên, định kỳ, theo kế hoạch, hoạt động chỉ đạo xử lý các tình huống phức tạp, mới nảy sinh ở các địa bàn biên giới được thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Năm 2016, cơ quan chỉ đạo đã chủ trì tổ chức nhiều đợt kiểm tra, khảo sát kết quả tuyên truyền công tác biên giới trên toàn tuyến (các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang – thuộc tuyến Việt Nam – Campuchia; Điện Biên, Thừa Thiên Huế - thuộc tuyến Việt Nam – Lào; Lai Châu – thuộc tuyến Việt Nam – Trung Quốc). Các đợt kiểm tra, khảo sát nhằm đánh giá, tìm hiểu kết quả triển khai thực hiện; những thuận lợi, khó khăn; những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả của các địa phương để chủ động hướng dẫn tuyên truyền, nhân rộng những mô hình hiệu quả. Đây cũng là dịp để chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền biên giới, bám sát thực tế của đơn vị, địa phương đồng thời là cơ hội để các đơn vị, địa phương chủ động rà soát toàn diện tuyên truyền về công tác biên giới để triển khai hiệu quả hơn sau đó.

Công tác phối hợp, chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và các cơ quan triển khai; giữa các cơ quan Trung ương và địa phương;  giữa các địa phương trong khu vực và trên các tuyến biên giới ngày càng gắn kết. Năm qua, sự phối hợp, chia sẻ, trao đổi thông tin giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng...các Ban Tuyên giáo, sở, ngành ở địa phương thông qua các hoạt động khảo sát thực tế, hội nghị, các báo cáo thường xuyên và về các sự việc phát sinh đã giúp công tác chỉ đạo, định hướng kịp thời hơn; các đơn vị, địa phương cũng xử lý tình huống nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Việc triển khai lồng ghép, gắn các nội dung tuyên truyền về PGCM, công tác quản lý biên giới với tuyên truyền, thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XII, đường lối đối ngoại của Đảng, các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị ngày càng bài bản, thực chất. Điều đó đã tạo hiệu ứng tích cực, sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, tạo bước chuyển quan trọng từ nhận thức đến hành động trong các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.

2. Nội dung tuyên truyền phù hợp, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân; đấu tranh hiệu quả với các quan điểm sai sự thật

Cùng với những thông tin về các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về biên giới; các văn bản pháp lý quốc tế về biên giới mà Việt Nam tham gia ký kết. Các đơn vị, địa phương, nhất là các tỉnh biên giới đã biên soạn các nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu; dịch sang ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc ít người để phục vụ hiệu quả cho các đối tượng khác nhau trên địa bàn, các cộng đồng dân cư khu vực biên giới.

Nội dung tuyên truyền PGCM được xây dựng phù hợp với đặc thù của mỗi tuyến biên giới. Đối với tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc là công tác quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh biên giới; làm rõ những vấn đề mà nhân dân, dư luận quan tâm liên quan đến quá trình PGCM, như vấn đề chuyển đổi, quy thuộc đất đai giữa hai bên; những lợi ích của hai bên sau PGCM...; các hiệp định về hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc và tàu thuyền đi lại tại khu vực tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân (có hiệu lực từ tháng 1/2016) cùng với 03 văn kiện pháp lý về quản lý biên giới; tuyên truyền việc các cấp, các ngành, các địa phương hai nước hợp tác phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn ổn định trật tự xã hội khu vực biên giới gắn với công tác quản lý biên giới; kết quả các hoạt động hợp tác giữa hai nước. Đối với tuyến Việt Nam – Lào, tập trung vào ý nghĩa của việc hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; về công tác quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới, phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch biên giới, việc thực hiện Thỏa thuận cấp Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú; kết quả hợp tác trên các mặt giữa hai nước. Tuyến Việt Nam –Campuchia tập trung vào ý nghĩa của việc việc hoàn thành công tác PGCM trên thực địa... về nguồn gốc, lịch sử vùng đất Nam Bộ; về mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác, gắn bó lâu dài giữa nhân dân hai nước; về công tác hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu thương mại, văn hóa, giữa nhân dân, chính quyền địa phương hai bên biên giới cũng như quan hệ hợp tác giữa hai nước; ứng phó có hiệu quả các vấn đề “nóng” tại khu vực biên giới.

Đáng chú ý, trong năm qua, công tác tuyên truyền phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới, các cửa khẩu được chú ý hơn. Nhiều tỉnh, thành phố như Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp, Kiên Giang... chú trọng tuyên truyền phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới, cửa khẩu sẽ không chỉ góp phần phát triển kinh tế- xã hội khu vực biên giới, nâng cao đời sống nhân dân mà còn góp phần quan trọng bảo đảm an ninh – quốc phòng, bảo vệ đường biên cột mốc tuyến biên giới cũng như chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia.

Sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực biên giới cùng với ý thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao đã góp phần quan trọng đấu tranh có hiệu quả với âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biên giới lãnh thổ, vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân và quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với các nước láng giềng; giúp công tác quản lý đường biên, cột mốc, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Năm 2016, không có hiện tượng vi phạm biên giới nghiêm trọng như đã xảy ra các năm trước đó.

 Việc lựa chọn các nội dung tuyên truyền trong năm 2016 chính xác, phù với đặc điểm từng tuyến biên giới đã góp phần đág kể vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Đồng thời, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về biên giới, lãnh thổ; đấu tranh có hiệu quả, làm thất bại các âm mưu xuyên tạc lịch sử, sai sự thật của các thế lực cơ hội, thù địch; bảo vệ, giữ gìn độc lập dân tộc và quan hệ đối ngoại tốt đẹp với các nước láng giềng.

3. Hình thức tuyên truyền được đa dạng hóa; các phương tiện truyền thông hiện đại được sử dụng đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi về thông tin ngày càng cao của nhân dân, của dư luận

Bên cạnh các hình thức tuyên truyền thông qua các hội nghị báo cáo viên cấp Trung ương và các tỉnh, thành phố, các hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, lồng ghép với sinh hoạt văn hóa, các hoạt động kinh tế xã hội, các buổi sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo được tổ chức lồng ghép, tạo hiệu ứng tốt. Nhiều buổi nói chuyện thời sự, phổ biến giáo dục pháp luật; các cuộc vận động quần chúng tham gia phong trào “tự quản đường biên, cột mốc biên giới”, “buôn, sóc không có người vượt biên trái phép”, xây dựng “bản, làng văn hóa mới”…Các tờ rơi, tài liệu tuyên truyền được biên soạn ngắn gọn, phù hợp với nhận thức của từng cộng đồng cư dân biên giới; tài liệu trực quan, sinh động như pano, áp phích, các cụm thông tin điện tử ở các cửa khẩu, các bộ phim tuyên truyền đã đưa thông tin tuyên truyền dưới các hình thức khác nhau đến với các tầng lớp nhân dân. Riêng lực lượng biên phòng với chức năng và nhiệm vụ của mình đã trực tiếp tổ chức các lớp tuyên truyền, với gần 14 nghìn lớp, hơn 400 lượt người nghe dọc các tuyến biên giới đất liền.

Các tài liệu tuyên truyền được đa dạng hóa, biên soạn ngắn gọn, phù hợp và phát hành đến các tầng lớp nhân dân, nhất là cộng đồng dân cư khu vực biên giới. Một số tài liệu tuyên truyền về công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới trên các tuyến biên giới được xây dựng kịp thời sẽ góp phần quan trọng để tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng ý nghĩa, tính khách quan, khoa học kết quả công tác PGCM và quản lý biên giới trên đất liền đến với các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.

Năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí, nhất là báo mạng, các trang tin điện tử tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền PGCM với hàng triệu lượt tin, bài, các chuyên trang, chuyên mục, như: “Vì chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc”, “Biên giới biển, đảo”, “Núi sông - Bờ cõi” …hàng trăm bộ phim, ký sự của các cơ quan Trung ương và địa phương đã phản ánh trung thực, khách quan, thông tin đầy đủ, toàn diện về công tác tuyên truyền liên quan đến các vấn đề biên giới lãnh thổ.

Bên cạnh đó, năm 2016 được đánh dấu với kết quả nổi bật của công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại về vấn đề biên giới, góp phần xây dựng hình ảnh, vị thế của nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước, nhất là với các quốc gia láng giềng. Nhiều chuyên trang, chuyên mục về biên giới lãnh thổ bằng tiếng nước ngoài, ngôn ngữ của các dân tộc ít người được xây dựng có chất lượng tốt, giá trị tuyên truyền cao, như: Thông tấn xã Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Điện tử ĐCS Việt Nam, Nhân dân, Quân đội Nhân dân, biengioilanhtho.gov.vn, hoangsa.net, vnsea.com, vnexpress.net, chinhphu.vn,  biengioilanhtho.gov.vn.v.v.

Việc đa dạng hóa hình thức, ngày càng phù hợp với từng loại đối tượng tuyên truyền đã góp phần quan trọng làm nhân dân trong nước, các nước láng giềng và nhân dân thế giới hiểu rõ, ủng hộ chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong thực hiện công tác phân định biên giới trên thực địa, quản lý, xây dựng biên giới trên đất liền ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển cũng như quan hệ đối ngoại của ta.

4. Lực lượng tuyên truyền được tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức, đáp ứng yêu cầu trước tình hình mới

Trong năm 2016, hoạt động tập huấn, tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, nhất là đội ngũ báo cáo viên cấp Trung ương và cấp tỉnh được tổ chức thường xuyên, liên tục. Thông qua Hội nghị báo cáo viên cấp Trung ương và các hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh, các nội dung thông tin, kiến thức liên quan đến công tác PGCM được thông tin, cập nhật liên tục để tiếp tục thông tin đến các lực lượng tuyên truyền ở cơ sở, đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.

Ngoài ra, các cơ quan liên quan, như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoai giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng…tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm, trao đổi cập nhật thông tin, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác biên giới cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền của các tỉnh, thành phố 3 tuyến biên giới. Kiến thức, thông tin được cung cấp tại các hội nghị này sẽ được tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong lực lượng tuyên truyền tại các tỉnh, thành phố để đến với lực lượng tuyên truyền các cấp cơ sở và các tầng lớp nhân dân.

 Với sự nỗ lực lớn và kết quả thực tế, có thể khẳng định, tuyên truyền về công tác biên giới đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin, nâng cao tinh thần đoàn kết, sự nhất trí, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp đấu tranh giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh nhũng kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền PGCM năm qua cũng bộc lộ một số tồn tại hạn chế chính sau đây: Công tác theo dõi, nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng ở một số khu vực biên giới còn nhiều hạn chế; việc phối hợp triển khai giữa các lực lượng tuyên truyền, nhất là tuyến Trung ương - địa phương, có lúc, có việc còn hạn chế, chưa kịp thời; nội dung và hình thức tuyên truyền vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả ở những khu vực đặc thù như khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và các các địa bàn ngoài nước; tài liệu tuyên truyền còn ít, chưa đa dạng; lực lượng tuyên truyền ở cấp cơ sở còn mỏng, hạn chế và thiếu kinh phí hoạt động.

II. Những giải pháp chủ yếu

Dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố bất trắc. Các nước lớn tiếp tục cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt trong khu vực. Các thế lực cơ hội có thể tiếp tục lợi dụng vấn đề biên giới lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để chống phá khối đại đoàn kết dân tộc và quan hệ hợp tác, hữu nghị của ta với các nước láng giềng. Tất cả sẽ làm phức tạp tình hình khu vực biên giới và có tác động lớn đến công tác PGCM trên thực địa và quản lý các tuyến biên giới.

Trước tình hình đó, công tác tuyên truyền về PGCM thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, tạo chuyển biến trong hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vấn đề biên giới quốc gia.  

Hai là, tăng cường tính kế hoạch, linh hoạt, gắn chặt với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

 Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền theo hướng phù hợp với các đối tượng khác nhau. Chú trọng tới các lực lượng trực tiếp thực hiện công tác tại các khu vực biên giới, người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản, cộng đồng dân cư biên giới; tăng cường thông tin đối ngoại, nhất là đối với các cộng đồng dân cư bên kia biên giới và nhân dân các nước láng giềng về chủ trương, quan điểm và luật pháp về công tác biên giới của ta.

Bốn là, tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho lực lượng tuyên truyền và tạo điều kiện về cơ sở vật chất.

Năm là, phát huy vai trò của lực lượng tuyên truyền ở cơ sở trong việc triển khai đồng bộ, sâu rộng tại các địa phương; tăng cường trao đổi thông tin hai chiều, nhất là thông tin từ cơ sở./.

 

 

 



ThS Nguyễn Văn Hay,
Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương,

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất