Ngày 13-4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị báo cáo viên tháng 4-2016 khu vực phía Bắc. Đồng chí Lâm Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Lê Minh Thông, Phó Tổng Thư ký Quốc hội thông tin chuyên đề một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; kết quả Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII.
Đồng chí Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày chuyên đề Tình hình kinh tế xã hội nước ta trong Quý I/2016, một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Đồng chí Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi thông tin chuyên đề về tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn khu vực miền Trung, miền Nam; dự báo tình hình và một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để khắc phục trong thời gian tới.
Đây là những nội dung quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Định hướng công tác tuyên truyền trong giai đoạn tới, đồng chí Lâm Phương Thanh đề nghị đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp cần chú ý những nội dung như sau:
Về tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban bầu cử Quốc gia, tuân thủ đúng lộ trình, đúng nội dung tuyên truyền, rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Từ ngày 23-4 đến 22-5, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiêu chuẩn của người đại biểu dân cử; công tác vận động bầu cử; về quyền và nghĩa vụ của cử tri; về không khí ngày bầu cử; chủ động, sáng tạo kết hợp các hình thức đa dạng, kịp thời, rộng khắp, thiết thực, để Ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thật sự là ngày hội của toàn dân.
Về tình hình phát triển kinh tế- xã hội của nước ta trong Quý I năm 2016, các báo cáo viên trong thời gian tới cần quán triệt sâu sắc tinh thần, đẩy mạnh tuyên truyền đồng bộ, toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng con người đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Về tình hình hạn hán ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, cần khẳng định Đảng, Nhà nước rất chú trọng công tác chỉ đạo phòng, chống, ứng phó với biến đổi. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương đều nhận thức được những tác động và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều địa phương, đơn vị đã quán triệt và tổ chức thực hiện tốt phương án “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai.
Để kịp thời ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan bộ, ban, ngành… đã trực tiếp tới các vùng thiên tai, dịch hại, chỉ đạo quyết liệt và triển khai nhiều chương trình, đề án, giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực, đồng thời kêu gọi sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, góp phần giảm thiểu thiệt hai, từng bước ổn định đời sống người dân.
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học ở trong nước và nước ngoài, thời gian tới, thiên tai, biến đổi khí hậu đối với thế giới nói chung và nước ta nói riêng sẽ diễn ra phức tạp và khốc liệt hơn. Do vậy, công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền miệng về phòng, chống thiên tai của chúng ta vừa phải đáp ứng được nhiệm vụ chính trị trước mắt và phải hướng tới mục tiêu phòng, chống biến đổi khí hậu một cách toàn diện, căn cơ và lâu dài.
Về việc quán triệt học tập Nghị quyết Đại hội XII, đồng chí Lâm Phương Thanh cũng nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 01 về việc học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cần nắm vững một số điểm mới trong Chỉ thị như:
Về đối tượng, yêu cầu học tập Nghị quyết Đại hội XII, Bộ Chính trị đề cao vai trò của cán bộ chủ chốt và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, không chỉ học tập, nắm vững, quán triệt Nghị quyết mà còn phải triển khai thực hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện của địa phương, đơn vị. Bên cạnh việc chỉ đạo, chủ trì xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của địa phương, đơn vị đồng thời xây dựng kế hoạch của cá nhân thực hiện Nghị quyết.
Về nội dung cần tập trung nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XII, Bộ Chính trị đã phân định rõ 3 đối tượng học tập Nghị quyết với các nội dung và mức độ khác nhau.
Về báo cáo viên tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị đã đề cao vai trò của đồng chí Bí thư cấp ủy và người đứng đầu tại cơ quan, đơn vị, không chỉ nghiên cứu, tổ chức học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, mà còn phải có trách nhiệm trực tiếp truyền đạt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trường hợp đặc biệt mới cho phép có sự hỗ trợ của cáo báo viên. Đây là điều quan trọng và cần thiết vì trong quá trình triển khai Nghị quyết đã phải có sự lồng ghép, vận dụng vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, việc học tập Nghị quyết mới thiết thực và sinh động.
Bộ Chính trị cũng đã đề cập toàn diện những yêu cầu đối với báo cáo viên truyền đạt Nghị quyết: không chỉ có lập trường chính trị tư tưởng vững vàng, có kỹ năng, nghiệp vụ mà còn phải truyền đạt trung thực, chính xác, sinh động nội dung Nghị quyết, phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
Thu Hằng