Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 30/6/2020 7:58'(GMT+7)

Đẩy nhanh các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

NHỮNG TÁC ĐỘNG, ẢNH HƯỞNG CỦA DỊCH COVID-19

Kinh tế - xã hội nước ta những tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu đang lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế. Giá dầu thô giảm mạnh, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Iran, cùng với biến đổi khí hậu và đặc biệt là dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19) bùng phát mạnh trên toàn cầu đã tác động tiêu cực đến kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục cắt giảm lãi suất như một trong các giải pháp khắc phục suy thoái kinh tế, nhiều nước châu Âu đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng.

Trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao. Bên cạnh đó, thời tiết những tháng đầu năm không thuận lợi, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra sớm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng, dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng nặng nề đến nguồn cung thịt lợn, là một trong những nguyên nhân làm cho chi phí giá tiêu dùng tăng cao.

Dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực nhiều mặt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết khu vực DN. Theo quy mô, các doanh nghiệp (DN) có quy mô càng lớn, tỷ lệ DN chịu tác động từ dịch COVID-19 càng cao. Điều này có thể lý giải, các DN có quy mô lớn thường là những DN hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi giá trị liên kết trong nước và quốc tế chặt chẽ, rộng hơn nhóm DN quy mô nhỏ sẽ chịu tác động lan tỏa nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Nhóm DN lớn (hiện chiếm 2,8% tổng số DN) là nhóm có tỷ lệ DN chịu tác động nhiều nhất với 92,8%; tỷ lệ này của nhóm DN vừa là 91,1%, nhóm DN nhỏ là 89,7%; và nhóm DN siêu nhỏ (hiện chiếm 62,6% toàn bộ DN) là 82,1%.

Doanh nghiệp FDI là đối tượng đang chịu nhiều tác động của dịch COVID-19 nhất, với 88,7%; tỷ lệ này đối với nhóm DN Nhà nước và DN ngoài Nhà nước lần lượt là 87,3% và 85,5%.

Theo khu vực kinh tế, tại thời điểm hiện nay, khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ đang chịu nhiều tác động nhất từ dịch COVID-19 với tỷ lệ DN bị tác động lần lượt là 86,1% và 85,9%; trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng ít hơn với 78,7% (tuy nhiên, quy mô của các DN khu vực này chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trong toàn bộ DN).

Theo vùng kinh tế: Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung (vùng có nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng) là hai vùng có tỷ lệ DN chịu tác động nhiều nhất từ dịch COVID-19, với tỷ lệ trên 88,5%. Một số địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa,… có tỷ lệ DN chịu tác động của dịch COVID-19 cao nhất, trên 92%. Các tập đoàn, tổng công ty có quy mô kinh tế lớn có tỷ lệ DN chịu tác động lên tới 94,6%.

NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ GÁNH NẶNG CỦA DN PHẢI ĐỐI MẶT

Dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng sâu, rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, kéo theo hàng loạt những vấn đề mà DN Việt Nam đang phải đối mặt như: Thiếu hụt nguồn vốn cho SXKD, thị trường cung - cầu trong nước bị thu hẹp, hoạt động xuất, nhập khẩu bị đình trệ… Những khó khăn chính của DN Việt Nam hiện nay như sau:

Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của đại bộ phận DN hiện nay. Trong giai đoạn hiện nay, thị trường tiêu thụ trong nước và thị trường xuất khẩu đều gặp khó khăn. Đây là hệ quả tất yếu khi đại dịch bùng phát, người dân Việt Nam và các nước thuộc thị trường xuất khẩu truyền thống của nước ta (Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật...) phải thực hiện giãn cách xã hội, lao động mất việc làm, thu nhập giảm sút nên nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Có tới 57,7% số DN bị ảnh hưởng cho rằng thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh. Đáng chú ý, trong các DN có hoạt động xuất khẩu, có tới 47,2% DN khẳng định thời gian qua hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được. 

Một số ngành kinh tế có tỷ lệ DN chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 cao, điển hình như: ngành hàng không 100%; ngành dịch vụ lưu trú 97,1%; dịch vụ ăn uống 95,5%; hoạt động của các đại lý du lịch 95,7%; giáo dục và đào tạo 93,9%; tiếp đến là các ngành dệt, may, sản xuất da, các sản phẩm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô đều có tỷ lệ trên 90%.

Thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào bị thiếu hụt. Dịch COVID-19 càng kéo dài, nguyên vật liệu đầu vào dự trữ của doanh  nghiệp càng cạn kiệt. Đây là vấn đề dễ dàng nhận thấy khi thị trường nhập khẩu chủ yếu của nước ta đều là các nước đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ dịch như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,…

DN quy mô lớn là đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào, với 42,8% số DN. Nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt của DN chủ yếu đến từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nếu xét riêng DN quy mô lớn có hoạt động nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, khi đó tỷ lệ DN thiếu hụt lên tới 53,8%.

DN FDI là đối tượng chủ yếu bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào, với 39,6% số DN bị thiếu hụt. Nếu chỉ tính riêng đối với DN nhập khẩu thì tỷ lệ trên tăng lên mức 56,9%.

Đối với các DN thuộc nhóm ngành may mặc và da giày cần sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ lệ DN thiếu hụt lên tới 70,3% đối với ngành may mặc và 71,0% đối với ngành da giày. Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử và sản xuất ô tô có tỷ lệ thiếu hụt nguyên vật liệu nhập khẩu lần lượt là 62,1% và 58,1%.

Thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Có tới 45,4% số DN khảo sát đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho SXKD, đây là một trong những khó khăn hàng đầu của DN hiện nay và cũng là tình trạng chung của toàn bộ khu vực DN. Theo loại hình DN, khu vực DN Nhà nước có tỷ lệ thiếu hụt nguồn vốn cho SXKD cao nhất với 49,8%. Theo ngành kinh tế, khu vực DN nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ thiếu hụt vốn cao nhất với 54,1% số DN. Khu vực DN công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ thiếu hụt vốn là 52,1%, tỷ lệ này ở khu vực dịch vụ là 40,5%.

Dịch COVID-19 làm cho tình hình kinh tế cả nước gặp khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị đình trệ, bên cạnh đó DN còn chịu áp lực từ các khoản chi phí rất lớn để duy trì hoạt động của DN như: chi phí thuê mặt bằng, chi trả lãi vay ngân hàng, trả công cho lao động, chi phí thường xuyên khác,…

Tương tự xu hướng chung của toàn bộ khu vực DN, đánh giá với chi trả công lao động là gánh nặng lớn nhất, khoản chi phí có số lượng DN cho điểm bằng 1 nhiều thứ hai là trả lãi vay ngân hàng (trừ khu vực DN FDI lựa chọn là các khoản chi thường xuyên khác).

CÁC KIẾN NGHỊ ĐỂ PHỤC HỒI KINH TẾ SAU COVID-19

Trong thời gian tới đây, khi dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát, thì việc thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi nền kinh tế đang đặt ra cấp bách để đảm bảo tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Với cơ quan nhà nước

Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh tiến độ triển khai các giải pháp hỗ trợ đã ban hành và tiếp tục đề ra các giải pháp hỗ trợ thiết thực hơn để những giải pháp này trở thành động lực cho DN vượt qua khó khăn, khôi phục, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Trước mắt triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SXKD, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19, với các công việc cụ thể như sau:

Thứ nhất, xem xét mở rộng đối tượng được áp dụng trong các giải pháp hỗ trợ đã ban hành của Chỉ thị số 11/CT-TTg:

- Cần xây dựng bộ danh mục tiêu chuẩn chung để rà soát, đánh giá, phân loại mức độ ảnh hưởng của dịch tới từng ngành nghề kinh doanh và từng nhóm DN cụ thể, có tính tới đối tượng gián tiếp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch;

- Phân cấp thành nhiều mức độ hỗ trợ, áp dụng cho từng nhóm đối tượng được phân loại ở trên.

Thứ hai, tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kip thời.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng giải pháp vào thực tiễn:

- Văn bản hướng dẫn thực hiện cho các chính sách hỗ trợ của Chỉ thị 11 cần rõ ràng, dễ hiểu;

- Đối với các giải pháp hỗ trợ DN đã được Chính phủ ban hành, cần nhanh chóng thực hiện triển khai hướng dẫn về đối tượng được áp dụng, phạm vi áp dụng; quy trình thực hiện;

- Giải pháp đưa ra cần được triển khai thực hiện đồng loạt ở các cấp;

- Có cơ chế xử phạt đối với người thi hành công vụ cố tình gây khó khăn, chậm trễ, ảnh hưởng tới DN.

Thứ tư, tiếp tục đưa ra các giải pháp về hỗ trợ tín dụng:

- Giảm lãi suất vay vốn và giãn nợ đối với các khoản vay hiện hữu;

- Xây dựng bộ quy tắc chuẩn mực áp dụng chung cho khối ngân hàng về việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thống nhất tiêu chí xác định biên độ giảm lãi, quy trình thẩm định và xét duyệt;

- Cho vay ưu đãi với lãi suất 0% hoặc hỗ trợ một phần chi phí trả công cho lao động để DN duy trì được bộ máy nhân sự hiện có, giữ chân được lao động lành nghề và lao động có trình độ chuyên môn;

- Ngân hàng Nhà nước cần tiến hành xác định, đánh giá những ngân hàng đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ thiết thực với DN thì mới được áp dụng hạ lãi suất điều hành.

Thứ năm, thúc đẩy nhanh việc tìm thị trường nguyên liệu/thị trường tiêu thụ mới cho DN ngoài thị trường tiềm năng:

- Xác định các mặt hàng nguyên vật liệu bị thiếu hụt từ nhập khẩu và các mặt hàng DN sản xuất ra nhưng không thể tiến hành xuất khẩu, gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất, nhập khẩu;

- Tiếp cận, đánh giá các thị trường xuất nhập hiện có, đề xuất và tận dụng những thị trường truyền thống có thể chuyển hướng đẩy mạnh xuất nhập khẩu; tìm kiếm thông tin về các nhà cung cấp về những mặt hàng thị trường trong nước đang bị thiếu hụt;

- Tiếp cận các thị trường mới, ngoài thị trường xuất, nhập khẩu truyền thống;

Thứ sáu, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí:

- Cắt giảm một số loại thuế, phí, lệ phí cơ sở hạ tầng: phí lưu thông, phí cầu đường, bến bãi;

- Triển khai áp dụng giảm thuế thu nhập DN với một số ngành nghề đặc thù thuộc danh mục ngành công nghiệp hỗ trợ;

- Tiếp tục đẩy nhanh quá trình triển khai miễn, giảm thuế, tiền thuê đất; giảm giá thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Thứ bảy, những giải pháp hỗ trợ khác:

- Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung mọi nỗ lực kiểm soát dịch bệnh một cách triệt để, góp phần giúp DN ổn định sản xuất kinh doanh, hoạt động trở lại;

- Tạm dừng hoạt động thanh, kiểm tra để DN tập trung vào phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh;

- Đẩy mạnh Chính phủ điện tử, gửi văn bản hướng dẫn thủ tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ đến từng DN qua hòm thư điện tử hoặc đăng tải thông tin hướng dẫn chi tiết, công khai, minh bạch, rõ ràng và cụ thể trên trang thông tin của Chính phủ;

- Thực hiện các giải pháp kích cầu sau khi dịch Covid-19 qua đi;

- Tiến hành liên kết thị trường cung - cầu, ưu tiên thị trường trong nước, tìm những nguồn cung nguyên liệu đầu vào trong nước, nghiên cứu các loại nguyên vật liệu mới có thể thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu;

- Chính phủ cần có chiến lược, kế hoạch tiếp tục hỗ trợ DN tăng tốc phát triển sản xuất kinh doanh sau khi kết thúc dịch COVID-19.

Đối với doanh nghiệp

Những DN đã nhận được hỗ trợ của Nhà nước từ Chỉ thị số 11/CT-TTg, nhanh chóng triển khai hoạt động để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Đối với những DN chưa biết đến hoặc chưa nhận được hỗ trợ từ Chỉ thị số 11/CT-TTg cần nhanh chóng tiếp cận các cơ quan liên quan để hoàn thành thủ tục cần thiết, tiếp nhận hỗ trợ để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi mô hình SXKD hiệu quả trong giai đoạn cả nước và toàn cầu vẫn đang phải gánh chịu tác động của dịch bệnh.

Tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi có tính tiên phong.

Chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế.

Tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ, tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững: Sản xuất sạch, xanh, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng tới nhóm người yếu thế trong xã hội./.

Hoàng Văn Cương
Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất