(TG)-Ngày 22/9, Bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ đã chính thức đưa vào hoạt động Khoa Tim mạch can thiệp với kỹ thuật hiện đại, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Với kinh phí đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị trên 30 tỷ đồng, Khoa Tim mạch can thiệp đưa vào hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc khám, chữa bệnh cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Khoa Tim mạch can thiệp sẽ khám, chữa bệnh bằng các kỹ thuật cao về can thiệp tim mạch, giúp phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân; giúp nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân tim mạch, đặc biệt bệnh nhân bị động mạch vành.
Ngoài ra, Bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ còn hợp tác với các chuyên gia tim mạch nổi tiếng trong nước và quốc tế triển khai một số kỹ thuật cao trong việc khám, chữa bệnh cho người dân như: can thiệp mạch máu ngoại biên (động mạch chi, động mạch thận, động mạch chủ…), đặt máy tạo nhịp trong điều trị rối loạn nhịp, can thiệp các trường hợp tim bẩm sinh không cần phẫu thuật tim hở…
Bác sỹ Lại Văn Nông, Phó Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ cho biết, việc thành lập Khoa Tim mạch can thiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đáp ứng yêu cầu phục vụ chẩn đoán và theo dõi bệnh, đặc biệt là các bệnh khó, phức tạp thuộc lĩnh vực Tim-Mạch máu, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long, xứng đáng là vai trò của một trung tâm chuyển giao kiến thức và hoạt động khoa học công nghệ cho cán bộ y tế trong vùng.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện đã triển khai thành công tất cả các kỹ thuật can thiệp thần kinh, giúp điều trị hiệu quả và giảm tử vong cho các bệnh lý thần kinh. Đây cũng là kỹ thuật tiên tiến lần đầu tiên được áp dụng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong điều trị…
Bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ đã triển khai kỹ thuật nút hóa chất động mạch (TACE) thành công - một kỹ thuật được lựa chọn hàng đầu trong việc điều trị các bệnh ung thư gan không có khả năng phẫu thuật. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm ghi nhận gần 22.000 ca ung thư gan mới mắc với gần 21.000 ca tử vong./.
Thanh Mai