Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 10/6/2012 0:9'(GMT+7)

Đề án tái cấu trúc nền kinh tế : Trọng tâm là con người

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đặt ra hai câu hỏi, ai sẽ là người thực hiện đề án này và đề án này làm cho ai, vì ai? Trong nhóm bốn mục tiêu mà đề án đưa

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đặt ra hai câu hỏi, ai sẽ là người thực hiện đề án này và đề án này làm cho ai, vì ai? Trong nhóm bốn mục tiêu mà đề án đưa

 
 
 

Ai làm và làm cho ai?

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đặt ra hai câu hỏi, ai sẽ là người thực hiện đề án này và đề án này làm cho ai, vì ai? Trong nhóm bốn mục tiêu mà đề án đưa ra nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nhưng mục tiêu hướng tới người dân thì chưa rõ.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị bổ sung rõ trong đề án mục tiêu hướng tới là con người. “Để người dân hiểu rõ Chính phủ và Quốc hội đang bàn đề án tái cấu trúc nền kinh tế để nâng cao mức sống của người dân, tránh hiểu nhầm thành quả này để cho một nhóm người hưởng lợi. Như vậy, từ đó huy động mọi thành phần tham gia vào quá trình thực hiện đề án”.

Cùng ý kiến này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhận định, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011- 2020, quan điểm của Đảng xác định phát triển tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu, là mục tiêu của sự phát triển. Trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ có sáu mục tiêu. Tuy nhiên, trong sáu mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ lại chưa thấy đề cập đến vấn đề con người.

“Chúng tôi đề nghị bổ sung mục tiêu trong tái cơ cấu kinh tế là hướng đến phục vụ con người như mục tiêu trong chiến lược của Đảng đã xác định”.

Việc xác định rõ đối tượng được hưởng lợi của đề án, theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, chí ít cũng ghi là nâng cao, cải thiện thu nhập cho người dân.

Vấn đề nguồn nhân lực cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế cũng được các đại biểu đặt ra một cách cấp thiết. Nhiều đại biểu cho rằng, nguồn nhân lực nào để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế là yếu tố quan trọng, then chốt để quyết định việc thực hiện có thành công hay không.

Vì thế, việc đầu tư cho giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cần phải được tính đến cụ thể trong đề án. Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, đề án tái cấu trúc muốn đạt đến nền công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp có sản phẩm cạnh tranh toàn cầu, dịch vụ làm hài lòng mọi người, nhưng không có nhân lực đáp ứng thì cũng bất khả thi. Điều quan trọng, đề án cũng phải làm rõ cơ chế thu hút nguồn nhân lực. Theo ông Hùng, phải phân ra hai tầng, gồm có thu hút lao động đại trà (chính sách tiền lương, thu nhập cho người lao động). Thứ hai, cần quy định rõ cơ chế thu hút chuyên gia (lao động có chất lượng cao). Đề án cũng cần đề cập việc phân bổ lại lực lượng lao động…

Đặt vấn đề nông nghiệp tương xứng

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội năm 2011- 2020 đã xác định phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả bền vững. Nhiều đại biểu cho rằng đó là định hướng đúng đắn. Bởi hiện nay có hơn 80% dân số ở nông thôn, nông nghiệp đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ổn định kinh tế đất nước, nhất là những lúc rơi vào khủng hoảng, suy thoái.

Tuy vậy, người nông dân vẫn chưa được hưởng xứng đáng mặc dù họ đã đóng góp rất quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế thời gian qua. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhận định: “Trong đề án chúng tôi thấy việc đặt vấn đề cho nông nghiệp chưa được tương xứng”. Ông đề nghị Chính phủ quan tâm đến vấn đề nông nghiệp.

Cùng ý kiến này, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng, khi nói đến tái cấu trúc kinh tế trong tình hình hiện nay, tôi nghĩ điều đầu tiên là phải đặt vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân vào vị trí trung tâm của tái cấu trúc. Bởi vì nông nghiệp, nông thôn và nông dân có vị trí xứng đáng để được chú ý, để được coi trọng trong tình hình kinh tế thế giới và kinh tế trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp.

Theo đó, ba lĩnh vực tái cấu trúc mà chúng ta đang tập trung, đó là tái cấu trúc trong đầu tư công, tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước và tái cấu trúc trong thị trường tài chính. Trong ba vấn đề này nhất thiết phải dành phần thích đáng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Cụ thể trên cơ cấu của đề án, từ quan điểm chỉ đạo mục tiêu cần đạt, các nhóm giải pháp và tổ chức thực hiện đều phải gắn liền và phải thể hiện vấn đề nông nghiệp, nông thôn.

“Sẽ là chậm nếu bức tranh nông nghiệp nông thôn không được khởi sắc một cách căn bản trong chủ trương tái cấu trúc lần này. Phương châm lý tưởng là "ly nông bất ly hương" phải được tạo dựng cơ hội trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế”- đại biểu Lai khẳng định.

Chú trọng phát triển kinh tế biển

Với lợi thế của một đất nước có hơn ba nghìn kilômet bờ biển, nhưng thời gian qua, nền kinh tế biển của nước ta chưa được chú trọng đầu tư để phát triển đúng tiềm năng.

Đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) nhận định: “Việt Nam là một quốc gia có lợi thế về biển, là một trọng tâm chiến lược hàng đầu, kinh tế biển đóng góp một tỷ lệ khá lớn vào tăng trưởng của nền kinh tế. Và như chúng ta đã biết thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của biển và đại dương, chính vì vậy, kinh tế biển lại càng đóng một vai trò quan trọng hơn, song trong đề án chưa thể hiện rõ vấn đề này”.

Ông Quang đề nghị đề án cần phải làm rõ và định hướng phát triển mạnh kinh tế biển gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng an ninh và phục vụ cho việc bảo vệ chủ quyền vùng biển. Đồng thời khẩn trương rà soát lại quy hoạch của các vùng ven biển, phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, có quy hoạch hợp lý để phát triển các cảng biển, dịch vụ cảng, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, chế biến thủy sản chất lượng cao.

Cần tiếp tục hoàn thiện đề án

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong quá trình xây dựng, đề án đã được Chính phủ chỉ đạo rất khẩn trương và đã được lấy ý kiến rộng rãi của các nhà nghiên cứu kinh tế, các nhà quản lý và các chuyên gia kinh tế trong nước, ngoài nước thông qua các cuộc hội thảo, các diễn đàn kinh tế do các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội tổ chức. Đề án cũng đã được giới thiệu trước đối với các đại biểu Quốc hội vào cuối tháng 4 qua hội nghị trực tuyến. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nghiên cứu và có một số ý kiến về đề án đã trình bày trước Quốc hội…

Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn cho rằng đề án tổng thể còn chung chung, cần tiếp tục hoàn thiện trước khi thông qua.

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) đồng trình với chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chưa thông qua đề án và thành Nghị quyết ở kỳ họp này mà phải tiếp tục tham gia lấy ý kiến bổ sung ở nhiều phía, nhiều lĩnh vực để hoàn tất và xây dựng một đề án có chất lượng và khả năng thực thi hơn.

Đại biểu Phạm Văn Hổ (Phú Yên) nhận xét, đề án tổng thể còn chung chung quá, mục tiêu còn khái quát hóa, về công trình thực hiện và nguồn lực thực hiện thì chưa rõ. Đến năm 2020 chưa thấy rõ việc tái cơ cấu nền kinh tế có tác động gì rõ ràng hơn, góp phần đưa đất nước của chúng ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cũng như chưa rõ nước ta lúc đó ở vị trí nào trong toàn cầu. Ông Phạm Văn Hổ cũng đồng ý, cần làm rõ hơn các vấn đề nêu trên mới trình Quốc hội phê duyệt.

“Chúng ta cũng đang bị dư luận của xã hội và cử tri trong cả nước đang thiếu sự tin tưởng và có nhiều hoài nghi về tính hiệu quả. Tôi cho rằng có tình trạng như vậy là chúng ta đã có một số sự cố của các tập đoàn, các Tổng công ty đã làm mất lòng tin, mất vốn, hoạt động sai mục đích dẫn đến nhiều tiêu cực và quan trọng nhất là đã đánh mất được lòng tin đối với nhân dân, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (TP Hà Nội) nói.

Theo ông Bảo, đây là một thời điểm rất tốt để chúng ta minh bạch, công khai, lấy lại niềm tin và huy động được sức mạnh của toàn xã hội.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, đề án tái cấu trúc nền kinh tế có phạm vi rộng, đòi hỏi công sức trí tuệ của nhiều ngành. Tuy nhiên, đề án được xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ 60 ngày, nên chưa đưa ra được những vấn đề cụ thể đại biểu yêu cầu mà chỉ mới hình thành được bộ khung cơ bản. Bộ trưởng hứa sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đại biểu để hoàn thiện đề án trình lại vào kỳ họp sau.

 
MINH VÂN/ Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất