Vẫn ở vạch khởi động
Hội thảo Quốc gia về CNTT-TT Việt Nam diễn ra 7-1, với hai chủ đề 'Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT - Một năm nhìn lại' và 'Chương trình Máy tính nối mạng tri thức'.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, trở thành nước mạnh về CNTT-TT là nhu cầu bức thiết của xã hội trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngành CNTT-TT vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trên tiến trình đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Điển hình như: chưa xây dựng được cơ chế quản lý bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất khi triển khai các chương trình, dự án CNTT-TT; chưa xác định được thứ tự ưu tiên của các chương trình, dự án CNTT và các giải pháp mới để huy động nguồn lực tài chính; chưa phân định rõ những nội dung nào cần sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, nội dung nào cần doanh nghiệp làm hoặc huy động đầu tư xã hội...
Còn theo ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, trong một năm vừa qua, điều mà Đề án làm được là tạo niềm tin, sự phấn khích, động lực mới cho cộng đồng CNTT. Đồng thời, việc thông qua Đề án đã tạo tiếng vang lớn đối với cộng đồng CNTT thế giới, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, cải thiện vị trí của Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới.
Tuy nhiên, vì những lý do khách quan và chủ quan, theo ông Đường, việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án trong một năm qua đã gặp khá nhiều khó khăn. Cho tới thời điểm này, vẫn chưa có Ban điều phối để triển khai đề án. Theo ông Đường, việc triển khai chậm là do Đề án được phê duyệt vào cuối năm 2010 nên hầu hết các cơ quan, đơn vị không kịp xây dựng và đăng ký kế hoạch kinh phí năm 2011. Bối cảnh suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao, đầu tư công cắt giảm tối đa. Cùng với đó là thiếu cơ chế rõ ràng để điều phối, quản lý, thống nhất triển khai các nội dung của Đề án.
Cụ thể, với nhiệm vụ phổ cập thông tin đến hộ gia đình, cộng đồng, ông Đường cho biết hiện chưa có cơ chế tài chính để sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích và nguồn kinh phí đấu giá tần số để hỗ trợ một phần kinh phí trang bị thiết bị thông tin số cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng như nghiên cứu phát triển các thiết bị thông tin số cho người cao tuổi và người khuyết tật.
Với nhiệm vụ ứng dụng CNTT, cho tới thời điểm này, bên cạnh những kết quả đạt được như đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2011-2015; đã thẩm định kế hoạch của 24 bộ, ngành, 52 địa phương, 8 tổ chức; đã có 16 bộ, ngành, 44 địa phương, 8 cơ quan phê duyệt và triển khai kế hoạch… nhưng khó khăn vường mắc cũng còn không nhỏ. Đó là chậm ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình do các Bộ TT-TT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư phối hợp xây dựng. Thiếu chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ chuyên trách về CNTT. Kinh phí cho ứng dụng CNTT chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, tiến độ cấp phát chậm. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các cơ quan trong triển khai các dự án quy mô quốc gia còn nhiều hạn chế…
Với nhiệm vụ tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT-TT, cho đến thời điểm này, hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu chưa được đầu tư thích đáng; Số lượng doanh nghiệp CNTT có đầu tư cho R&D và mức đầu tư còn khiêm tốn, hỗ trợ cho các doanh nghệp làm R&D hầu như chưa có. Đặc biệt, chương trình tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ trong lĩnh vực CNTT-TT cũng chưa được xây dựng, triển khai…
“Vẽ lại ma trận về chính sách”
Sau hơn một năm Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 22-9-2010), các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thể vượt qua sức ỳ của quá trình khởi động. Sự phấn khích, niềm tin tưởng trước sự ra đời của một Đề án đồ sộ giờ đây phải nhường lại cho việc tính toán những đường đi nước bước cụ thể hơn.
Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT đã ghi nhận những khó khăn do nhiều lý do khách quan của năm đầu tiên thực hiện Đề án. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TT-TT phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng một bộ tài liệu khẳng định khả năng đóng góp của CNTT đối với đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như hoạt động quản lý Nhà nước.. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan chú trọng tới việc đưa thanh niên thành lực lượng nòng cốt, xung kích triển khai Đề án. Bộ TT-TT và Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT cần cân nhắc thành lập Ban Điều hành chuyên điều phối hoạt động triển khai Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT để bảo đảm hiệu quả cho việc triển khai.
Ông Nguyễn Trọng Đường cho biết, trong năm 2012, Đề án dự kiến sẽ triển khai một số cuộc điều tra, khảo sát gồm: Điều tra khảo sát hiện trạng và phân tích, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực CNTT Việt Nam; Khảo sát, đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: công nghiệp phần mềm, phần cứng - điện tử, nội dung số và dịch vụ CNTT; Điều tra, khảo sát, xây dựng danh mục các sản phẩm CNTT-TT đã sản xuất được trong nước; Khảo sát nhu cầu đào tạo CNTT trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; Khảo sát, đánh giá mức độ ứng dụng, nhu cầu ứng dụng và lựa chọn mô hình ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp và cộng đồng; Điều tra hiện trạng bảo đảm an toàn thông tin tại các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Đề án sẽ triển khai một số dự án như: Dự án hỗ trợ xây dựng mô hình hoạt động tiên tiến, hiệu quả cho các khu CNTT tập trung; Dự án hỗ trợ nghiên cứu sản xuất máy tính và các sản phẩm đầu cuối giá rẻ cho giảng viên, sinh viên, học sinh và các đối tượng chính sách; Dự án hỗ trợ đào tạo về phần mềm nguồn mở cho các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp; Dự án xây dựng hệ thống phòng chống, ngăn chặn thư rác; Dự án “Thành lập Trung tâm phân tích và dự báo số liệu ngành TT-TT”; Dự án đầu tư xây dựng trung tâm tính toán hiệu năng cao ứng dụng cho các ngành kinh tế, khoa học, công nghệ, kỹ thuật…
Nguồn: Nhân Dân