(TG) - Đó là ý kiến của đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo tại buổi làm việc với Đoàn DW Akademie thuộc Tập đoàn Phát thanh – Truyền hình DW (Đức).
Chiều ngày 24/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Đoàn DW Akademie thuộc Tập đoàn Phát thanh – Truyền hình DW (Làn sóng Đức) để trao đổi về khả năng hợp tác báo chí truyền thông giữa hai bên nhân chuyến thăm và làm việc của Đoàn tới Việt Nam từ 14 đến ngày 26/1/2019.
Về phía Ban Tuyên giáo Trung ương có đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản; đồng chí Nguyễn Văn Hay, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Đối ngoại và Hợp tác quốc tế.
Về phía Đoàn DW Akademie thuộc Tập đoàn Phát thanh – Truyền hình DW có ông Josephus Brand làm Trưởng đoàn; ông Trần Nam Bình, Cố vấn quốc gia, chuyên gia về truyền thông Việt Nam; ông Andreas Grigo, Quản lý Dự án của DW Akademie.
Tại buổi làm việc, Đoàn DW Akademie của Đức mong muốn được trao đổi với Ban Tuyên giáo Trung ương một số vấn đề trong lĩnh vực truyền thông, báo chí ở Việt Nam từ đó, làm cơ sở cho báo cáo tính khả thi về khả năng hợp tác giữa DW Akademie và đối tác Việt Nam trong tương lai.
Trao đổi với đồng chí Lê Mạnh Hùng, ông Josephus Brand, Trưởng đoàn DW Akademie mong muốn được biết thêm về hoạt động của Ban Tuyên giáo Trung ương trong công tác chỉ đạo truyền thông, báo chí ở Việt Nam hiện nay.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng bày tỏ vui mừng trước chuyến thăm của ông Josephus Brand và Đoàn DW Akademie. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong thế giới phẳng bùng nổ thông tin hiện nay thì vai trò của báo chí rất quan trọng. Việt Nam rất quan tâm tới việc phát triển của truyền thông báo chí coi đây là diễn đàn của người dân, tham gia vào giám sát, phản biện xã hội, phản ánh thực tiễn đời sống xã hội, đất nước và quan hệ đối ngoại. Để báo chí phát triển, Chính phủ đã có đề án quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đến năm 2021, định hướng đến năm 2030. Vì vậy, các cơ quan báo chí cần được sắp xếp lại cho hợp lý nhằm giúp cho báo chí phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.Báo chí của Việt Nam hiện nay phát triển theo hướng truyền thông đa phương tiện (tích hợp của báo in, điện tử, truyền hình,...) mới đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay.
Hiện nay Việt Nam có 886 cơ quan báo chí, 67 cơ quan phát thanh và truyền hình, 5 cơ quan truyền hình của Trung ương và 63 đài truyền hình, phát thanh của địa phương. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp ở Việt Nam đều có cơ quan báo chí. Người dân đều có nhiều kênh để nói lên tiếng nói của mình, trở thành diễn đàn, tự do dân chủ báo chí, dân chủ hoá đời sống xã hội. |
Đồng chí Lê Mạnh Hùng chỉ rõ 3 thách thức của báo chí Việt Nam hiện nay là: một là, đào tạo nguồn nhân lực để có những phóng viên, nhà báo thích ứng với thời đại 4.0, có kỹ năng nghiệp vụ tốt, tác nghiệp nhanh nhạy; hai là, điều kiện về cơ sở vật chất của truyền thông, báo chí cần được đầu tư để theo kịp thời đại; ba là, quan tâm tới việc đưa thông tin nhanh nhạy, chính xác, chân thực nhất tới cho bạn đọc vì trong thời đại hôm nay, mạng xã hội phát triển nhanh chóng, có những thông tin chưa được kiểm chứng, viết theo ý đồ cá nhân. Vì vậy, báo chí cần phải đưa tin chính xác nhất, trung thực nhất, khách quan nhất để người dân hiểu được thực chất của vấn đề. Đây là thách thức đối báo chí trong thời đại hiện nay.
Ban Tuyên giáo Trung ương có nhiệm vụ định hướng cho các cơ quan truyền thông, báo chí, phải thực sự là diễn đàn của người dân, nói lên tiếng nói của người dân đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong mọi lĩnh vực đời sống, xã hội của đất nước, người dân được quyền bày tỏ nguyện vọng với Đảng, Chính phủ.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng chỉ ra, hiện nay, ở Việt Nam có hiện tượng thương mại hoá báo chí, một số tờ báo đưa tin quảng cáo thiếu lành mạnh, thiếu văn hoá, chạy theo thị hiếu tầm thường, giật gân, câu khách. Vì vậy, cần có sự định hướng đối với các cơ quan truyền thông, báo chí đó kịp thời, chính xác giúp cho nền báo chí Việt Nam thực sự trong sạch, lành mạnh, phát triển và đó là nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc chỉ đạo định hướng các cơ quan truyền thông, báo chí trong thời gian qua.
Tại buổi làm việc, Trưởng phái Đoàn DW Akademie ông Josephus Brand quan tâm tới các vấn đề hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực truyền thông, báo chí như: Truyền thông số; các tổ chức báo chí thế giới giúp đỡ báo chí Việt Nam như thế nào? Truyền thông Việt Nam hỗ trợ giúp đỡ truyền thông, báo chí các nước trong khu vực và trên thế giới như thế nào? Việc đào tạo nhân lực cho báo chí ở Việt Nam hiện nay ra sao?
Trao đổi với phái Đoàn DW Akademie, đồng chí Lê Mạnh Hùng nhận thấy rằng những nội dung hợp tác giữa hai bên rất phù hợp với thực tiễn báo chí của Việt Nam hiện nay. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng để những nội dung hợp tác đôi bên thực sự có hiệu quả cần sự hợp tác phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan trong thời gian tới nhằm giúp cho báo chí Việt Nam phát triển theo kịp với xu thế thời đại./.
DW Akademie thuộc Tập đoàn Phát thanh - Truyền hình DW (Làn sóng Đức) - một tập đoàn truyền thông lớn và có uy tín của Đức và Châu Âu. DW Akademie là tổ chức hàng đầu của Đức trong lĩnh vực phát triển truyền thông quốc tế; hỗ trợ xây dựng và phát triển các hệ thống truyền thông, đào tạo phóng viên,... |
Nhật Minh