Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác giảm nghèo, được thế giới đánh giá là điểm sáng. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số (DTTS) còn hạn chế, trong đó có nguyên nhân từ việc đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo dàn trải, lãng phí.
Xã An Phú (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội)-nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường sinh sống, là một trong những địa phương có các công trình giảm nghèo được đầu tư chưa hiệu quả mà đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra. Công trình nhà văn hóa dân tộc của địa phương được đầu tư 13 tỷ đồng theo chương trình giảm nghèo dành cho xã An Phú, nhưng năm qua bà con chỉ tổ chức ăn uống một lần tại đây, còn lại khóa cửa; trong khi trường học và đường sá ở đây được đầu tư nhưng vẫn dang dở. Tính đến hết năm 2018, cả xã vẫn còn 393 hộ nghèo.
Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả hai năm (2017 và 2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn khoảng dưới 6% (năm 2018). Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm 52,6% tổng số hộ nghèo cả nước, trong khi dân số chỉ chiếm 14,6% tổng dân số cả nước. Nguồn lực thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo vẫn còn dàn trải, chưa tập trung hỗ trợ đủ độ để tác động làm chuyển biến thực sự đời sống người nghèo DTTS.
Theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, nguyên nhân dẫn đến đầu tư dàn trải, lãng phí trong chương trình giảm nghèo ở nhiều địa phương, trước hết là do từ khi xác định các chương trình hỗ trợ đã không khảo sát đúng nhu cầu của đối tượng cần hỗ trợ; quá trình đề xuất, triển khai dự án, đối tượng thụ hưởng không được tham gia, đánh giá; việc giám sát tác động trước, trong và sau đầu tư còn bỏ ngỏ. Đầu tư xóa đói giảm nghèo thiếu hiệu quả, không chỉ gây lãng phí ngân sách Nhà nước, tiền thuế của nhân dân mà còn ít nhiều làm mất niềm tin trong xã hội. Người dân mong chờ các chương trình, mô hình giúp họ thoát nghèo nhưng nguồn đầu tư lại bị sử dụng lãng phí, không tạo động lực để họ vươn lên thoát nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Trung Hải, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Lao động-Xã hội, cho biết: “Để việc đầu tư giảm nghèo mang lại hiệu quả, điều đầu tiên là cần lựa chọn được những dự án đầu tư đúng, khả thi, hữu ích, sát với nhu cầu và khả năng của người dân. Những người nghèo phù hợp với tiêu chí của dự án thì lựa chọn chứ không nên ngẫu nhiên. Tiếp đó là cần một quy trình quản lý quá trình đầu tư để không thất thoát, lãng phí. Quy trình đó cần phải coi trọng công tác quản lý, đánh giá, kiểm tra, giám sát. Ngoài việc thông qua hội đồng, cơ quan thẩm tra, cơ quan phê duyệt, rất cần công khai, minh bạch dự án, trong đó hết sức coi trọng sự tham gia giám sát của chính cộng đồng người nghèo thụ hưởng. Họ cần phải biết dự án đó làm gì, làm như thế nào, hiệu quả ra sao, triển khai từng bước như thế nào”.
Thạc sĩ Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới cho biết: “Chỉ nên duyệt và cho thi công những công trình tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tối giản các hạng mục chưa đem lại lợi ích thiết thân. Chúng ta cũng cần hạn chế tối đa việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, vật chất mà cần quy định họ phải có mô hình sản xuất hiệu quả, tạo cho họ việc làm, thu nhập thì mới được nhận hỗ trợ. Thực tế, sản xuất nông nghiệp hiện đang hình thành sân chơi mới-sân chơi của doanh nghiệp với chủ trang trại, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Như vậy, người nghèo, hộ nghèo, đồng bào DTTS sản xuất nhỏ... đang đứng ngoài lề sự phát triển nếu không có sự rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh chính sách kinh tế-xã hội kịp thời, như: Điều chỉnh một phần đất sử dụng kém hiệu quả phân bổ lại cho địa phương và hộ nghèo để sản xuất; hỗ trợ vốn vay trung, dài hạn cho hộ nghèo để tạo việc làm và trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế hộ; nhóm các hộ nghèo vào thành các tổ, đội hợp tác trong chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết để họ tương trợ, giúp nhau, hạn chế được sự rủi ro về giá, chất lượng vật tư và có đủ thời gian để chậm trả. Sau chính sách là những kế hoạch, chương trình hành động đầu tư có trọng điểm, kèm theo là nguồn lực hỗ trợ ở cấp cơ sở, huyện với sự tham gia trực tiếp của người dân thì giảm nghèo mới trở thành hiện thực".
Mặc dù nguồn lực đầu tư có hạn nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn dành sự quan tâm lớn đến đồng bào DTTS ở vùng núi, vùng cao, góp phần thay đổi bộ mặt, từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Bên cạnh việc quản lý hiệu quả nguồn đầu tư, sự nỗ lực của chính người nghèo, thì rất cần ban hành những chính sách hiệu quả, tăng tính phản biện xã hội, lấy ý kiến của nhiều tổ chức, đặc biệt là đối tượng người nghèo để chính sách được ban hành phát huy tốt nhất khả năng áp dụng trong thực tiễn, đạt hiệu quả thiết thực.
Kim Dung/QĐND.VN