Thứ Ba, 15/10/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Ba, 10/9/2024 16:28'(GMT+7)

Để công tác dư luận xã hội thực sự trở thành cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng dân”

Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao Bằng khen cho 22 tập thể, 19 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.

Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao Bằng khen cho 22 tập thể, 19 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.

KÊNH THÔNG TIN QUAN TRỌNG ĐỂ LẮNG NGHE “LÒNG DÂN”

Sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư khóa XIvề “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội” (Kết luận số 100 - KL/TW), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; với trách nhiệm, ý chí, quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền, các địa phương, cơ quan, đơn vị; công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong công tác tư tưởng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và trong hoạt động lãnh đạo, quản lý xã hội.

Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác DLXH được nâng lên, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên và cần thiết của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, nắm bắt DLXH ngày càng được nâng lên góp phần củng cố, mở rộng dân chủ trong Đảng, trong xã hội. Đây là kênh thông tin rất quan trọng giúp Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền nhất là người đứng đầu các cấp lắng nghe “lòng dân”. Từ đó, có sự điều chỉnh để các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp thực tiễn, sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của đại đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; kịp thời phát hiện, giải quyết các vấn đề tiêu cực “từ sớm, từ xa”, tránh tạo “điểm nóng”, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận cao trong xã hội.

Công tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ DLXH được quan tâm, triển khai theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát yêu cầu nhiệm vụ; cập nhật kiến thức, phương pháp mới về điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH.

Tổ chức bộ máy làm công tác DLXH được kiện toàn; đội ngũ cán bộ và cộng tác viên DLXHở Trung ương và địa phương tiếp tục được củng cố, mở rộng, hoạt động có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên.Đây là lực lượng quan trọng, kênh nắm bắt, tập hợp, phản ánh, cung cấp thông tin chính thống, thường xuyên, kịp thời, hiệu quả, tin cậy, là “cánh tay nối dài” của Trung ương và cấp ủy các cấp trong công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH.

Công tác DLXH đã  góp phần củng cố, mở rộng dân chủ, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận cao trong xã hội, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

 

ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NẮM BẮT TRÚNG, PHẢN ÁNH ĐÚNG VÀ THAM MƯU THUYẾT PHỤC

Trong thời gian tới, tình hình đất nước ta có nhiều thuận lợi, thời cơ song cũng có nhiều khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới đối với công tác DLXH.

Để công tác DLXH thực sự trở thành cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng dân”, là kênh thông tin quan trọng phục vụ quá trình hình thành, hoàn thiện, bổ sung và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác DLXH phải tiếp tục đổi mới toàn diện theo phương châm: nhạy bén, chính xác, thiết thực, hiệu quả; nắm bắt, phản ánh đúng, trúng, sát thực, kịp thời tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Công tác DLXH phải coi chủ trương, đường lối của Đảng là nền tảng; tạo lập sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội là mục tiêu; từng bước thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới trong nghiên cứu, nắm bắt, thăm dò, dự báo và định hướng DLXH là khâu đột phá. Vì thế, công tác DLXH thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác DLXH, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và mỗi cán bộ, đảng viên.

Cần phải xác định công tác DLXH là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu, là bộ phận không thể tách rời của công tác tư tưởng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý xã hội; là nhiệm vụ thường xuyên, cần thiết của cả hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên; là công đoạn bắt buộc của quá trình hoạch định chính sách (từ khâu xây dựng, ban hành đến tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện). Cấp ủy các cấp và cán bộ, đảng viên cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt những định hướng, chỉ đạo của Đảng về công tác DLXH được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Chú trọng nắm bắt, định hướng DLXH, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”” đã đặt ra yêu cầu “Nâng cao chất lượng công tác DLXH và đánh giá sự hài lòng của người dân; chủ động dự báo tình hình, xử lý kịp thời thông tin, định hướng DLXH”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới” và Kết luận số 100-KL/TW nhằm nâng cao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm và hành động của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cấp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác DLXH. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân để triển khai có hiệu quả công tác này. Xây dựng cơ chế tiếp thu, giải trình, phản hồi thông tin trước những vấn đề nổi cộm phát sinh mà dư luận phản ánh, góp phần định hướng DLXH.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, điều tra DLXH.

Công tác DLXH cần bám sát các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị và thực tiễn cuộc sống, kịp thời nắm bắt và phản ánh khách quan, toàn diện, trung thực các luồng dư luận cũng như tâm tư, nguyện vọng, ý kiến phản hồi của các tầng lớp nhân dân, tăng cường mối quan hệ gắn bó với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đa dạng hóa hình thức nắm bắt DLXH; xây dựng mạng lưới nắm bắt, phản ánh thông tin DLXH từ Trung ương đến cơ sở, kết hợp với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Tăng cường nắm bắt DLXH trên không gian mạng, hướng tới nắm bắt DLXH của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, dư luận nước ngoài về Việt Nam. Đối với các vấn đề có nhiều luồng dư luận khác nhau, cần có sự nghiên cứu, phân tích nguyên nhân các luồng ý kiến; không “quy chụp” đối với các ý kiến phản biện, trái chiều.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tặng bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dư luận xã hội năm 2023.

Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tặng bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dư luận xã hội năm 2023.

Cùng với đó, cần tăng cường điều tra, thăm dò DLXH phục vụ quá trình xây dựng, hoàn thiện, ban hành, tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đối với các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, những vấn đề quốc kế - dân sinh, nhân dân quan tâm, DLXH bức xúc nhất thiết phải tiến hành điều tra DLXH. Nội dung, chủ đề điều tra bảo đảm thiết thực, bám sát chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị và thực tiễn sinh động của cuộc sống.Nâng cao tính chuyên nghiệp, tính khoa học, tính chính xác, khách quan, toàn diệncủa công tác điều tra DLXH, coi trọng việc xây dựng và chuẩn hóa các bộ công cụ điều tra DLXH, triển khai các cuộc điều tra sâu đến tận cơ sở và rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân.

Thứ ba, tăng cường công tác dự báo, định hướng DLXH, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội.

Cần kịp thời dự báo, chủ động định hướng DLXH để hình thành DLXH đúng đắn, tích cực, tạo sức “đề kháng” trước những thông tin xấu độc, tiêu cực, tin đồn thất thiệt, góp phần quan trọng trấn an dư luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Chú trọng dự báo, nhận định các luồng ý kiến, khuynh hướng tư tưởng, diễn biến tâm trạng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các vấn đề tư tưởng phát sinh nhằm sớm phát hiện tình hình, đề xuất các giải pháp xử lý, góp phần cảnh tỉnh, ngăn ngừa từ sớm, từ xa việc hình thành các “điểm nóng” chính trị - xã hội. Ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (big data, trí tuệ nhân tạo…) trong công tác dự báo.

Để định hướng tốt DLXH, cần phải triển khai thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhất là dân chủ trực tiếp thông qua việc tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan Đảng, Nhà nước trong việc thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các lý thuyết truyền thông, tâm lý học, xã hội học kết hợp phương tiện truyền thông hiện đại để tăng cường công tác thông tin, định hướng DLXH, định hướng tư tưởng trong cán bộ đảng viên và nhân dân, phòng ngừa, ngăn chặn sự phá hoại, thâm nhập của các thông tin xấu độc, sai lệch, xuyên tạc. Chủ động, tích cực định hướng DLXH trên không gian mạng, đặc biệt là trước, trong và sau các sự kiện chính trị quan trọng, vụ việc phức tạp, nhạy cảm, tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thứ tư, tiếp tục kiện toàn, nâng cấp tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác DLXH và cộng tác viên DLXH các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác DLXH từ Trung ương đến cơ sởTiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cộng tác viên DLXH các cấp theo hướng tinh, gọn, mạnh, bảo đảm tính đại diện cho các lĩnh vực, địa bàn, đoàn thể và các giai tầng xã hội.

Thứ năm, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về DLXH.

Thường xuyên bổ sung, cập nhật kiến thức, phương pháp, lý thuyết, kỹ năng mới cho cán bộ làm công tác DLXH và đội ngũ cộng tác viên DLXH các cấp, nhất là những kỹ năng nắm bắt, phân tích DLXH (làm căn cứ dự báo và đề xuất giải pháp định hướng); kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông; kỹ năng lan truyền thông tin tích cực, định hướng DLXH... Tăng cường sự cộng tác, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu có chuyên môn, nghiệp vụ về DLXH trong và ngoài nước để tiếp thu các thành tựu, kiến thức, phương pháp nắm bắt, điều tra DLXH tiên tiến trên thế giới. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, giảng dạychuyên ngành về DLXH trong các viện, học viện, trường Đại học. Chú trọng biên dịch, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về DLXH. Quan tâm cử cán bộ làm công tác DLXH ở Trung ương và các địa phương tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tại các viện, trung tâm nghiên cứu DLXH có uy tín trên thế giới.

Thứ sáu, tăng cường sự phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý cùng cấp trong việc cung cấp thông tin, định hướng DLXH góp phần xử lý, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định số 238-QĐ/TW ngày 20/9/2020 của Ban Bí thư về thực hiện “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm”. Nâng cao trách nhiệm của ban tuyên giáo các cấp trong công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác nắm bắt và giải quyết DLXH. Chú trọng việc phản hồi thông tin về kết quả xử lý, giải quyết các vấn đề được dư luận phản ánh và công khai một số kết quả điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH.

Ngoài ra, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân; kịp thời giải quyết những vấn đề tư tưởng, DLXH nảy sinh ngay từ khâu ban hành chủ trương, chính sách, dự án ở cơ sở; không để bức xúc dư luận kéo dài trở thành “điểm nóng”./.

Công tác dư luận xã hội là một lĩnh vực rất rộng, khó, phức tạp. Cán bộ làm công tác dư luận xã hội và cộng tác viên dư luận xã hội không chỉ đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ, mà cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, kinh nghiệm công tác và thực tiễn phong phú; sự nhạy bén, nhạy cảm chính trị, phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề một cách nhanh nhạy, chính xác. Làm tốt công tác dư luận là góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

 

TS. Phạm Thu Hà
Ban Tuyên giáo Trung ương

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất