Thứ Năm, 21/11/2024
Hướng dẫn chỉ đạo
Thứ Tư, 28/9/2022 14:16'(GMT+7)

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách

Các đại biểu tham dự Triển lãm kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Xuất bản.

Các đại biểu tham dự Triển lãm kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Xuất bản.

I. Sự ra đời và bước đầu phát triển của xuất bản cách mạng Việt Nam (từ những năm đầu thế kỷ XX đến 10/1952)

1. Sự ra đời của hoạt động xuất bản gắn chặt với việc chế tạo ra giấy và khắc ván in. Triều Lý với việc in các bộ kinh Phật; triều Lê Hy Tông với bộ quốc sử “Đại Việt sử ký toàn thư”. Thế kỷ XIX, triều Nguyễn đã tổ chức biên soạn và khắc in nhiều bộ sách lớn về lịch sử, tiêu biểu như Đại Nam thực lục, Hải Thượng y tông tâm linh… Đến cuối thế kỷ XIX, nhiều bộ sách chữ Hán thuộc các thể loại khác nhau như lịch sử, địa lý, triết học, toán, y học, ngôn ngữ đã được xuất bản, trong đó có bộ sách được đánh giá là “bách khoa toàn thư” của Việt Nam: Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú.

2. Thực dân Pháp xâm lược nước ta và đưa kỹ thuật in phương Tây (hoạt bản - in chữ rời) vào Việt Nam. Các nhà in đầu tiên được thành lập và dần xuất hiện ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc, tạo ra sự thay đổi từ xuất bản cổ truyền (chữ Hán, chữ Nôm) sang kỹ nghệ xuất bản bằng chữ quốc ngữ.

3. Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và cuộc đấu tranh tư tưởng, đến các cuộc vận động canh tân yêu nước ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, hoạt động xuất bản đã biến đổi rất phong phú, phức tạp với sự xuất hiện các trào lưu  và khuynh hướng vận động rất khác nhau, trong đó nổi bật là sự ra đời hoạt động xuất bản cách mạng theo khuynh hướng Mácxít. Quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam gắn liền với quá trình hoạt động đầy gian khổ, sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trong đó những tác phẩm của Người viết ở nước ngoài lần lượt được xuất bản và đưa về nước trong thời gian từ 1920 đến trước khi thành lập Đảng đã có tác dụng to lớn, có tính chất quyết định đối với xuất bản cách mạng, là sự mở đường cho sự nghiệp xuất bản cách mạng nước ta. Đó là các tác phẩm Bản yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Versailles, Bản án chế độ thực dân Pháp, Con rồng tre, Đường cách mạng, Nhật ký chìm tàu.

 4. Ngay sau khi thành lập Đảng (1930), cuốn sách “Ngày quốc tế đỏ mồng một tháng Tám” do Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam được ấn hành. Tiếp theo đó, một số tác phẩm được xuất bản trước 1945 đã thu hút, tập hợp đội ngũ tuyên truyền cách mạng góp xây dựng cơ sở vững chắc cho sự phát triển của xuất bản cách mạng như Lịch sử nước ta, Ba năm ở Nga Xô Viết, Ngục Kon Tum, Vượt ngục, Tự chỉ trích, Xã hội tư bản, Nghiệp đoàn lao động… Như vậy, trước 1945 đã xuất hiện một khuynh hướng xuất bản hoàn toàn mới, đó là xuất bản cách mạng theo khuynh hướng Mácxít ở nước ta và chính nó đã góp phần tạo nên diện mạo mới của xuất bản Việt Nam từ đầu thế kỷ XX.

 5. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do và thống nhất đối với dân tộc ta. Các nhà xuất bản đầu tiên được thành lập: Nhà xuất bản Lao động, Nhà xuất bản Sự thật, Nhà xuất bản Văn hóa Cứu quốc. Sách xuất bản trong những năm đầu kháng chiến phần nhiều là sách kịp thời phục vụ kháng chiến, phổ cập trong quân và dân, dễ đọc, dễ hiểu và thiết thực. Một số nhà xuất bản tiếp tục được thành lập, tiêu biểu như Quân du kích, Vệ quốc quân… Năm 1952, cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới đòi hỏi cần một tổ chức thống nhất điều hành hoạt động xuất bản sách báo sách, báo. Ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia. Lần đầu tiên, nhà nước dân chủ nhân dân thành lập một cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản gồm cả ba khâu: nhà xuất bản, nhà in và đơn vị phát hành. Từ đó, mở ra một thời kỳ mới cho hoạt động xuất bản nước ta. Sau này, ngành xuất bản lấy ngày 10/10/1952 là ngày truyền thống toàn ngành.

II. Xuất bản Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, bảo vệ và thống nhất Tổ quốc (1952 - 1975)

Đặc điểm quan trọng nhất của xuất bản giai đoạn này là xuất bản trở thành một sức mạnh, một vũ khí tinh thần sắc bén góp phần trực tiếp cho thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, hy sinh và gian khổ, xuất bản tiếp tục phát triển cả về số lượng (các nhà xuất bản, tổng số xuất bản phẩm…) và về chất lượng, giá trị sách. Sách có mặt ở mọi nơi từ các thư viện tỉnh, huyện, các ki ốt, bưu điện, nhà văn hóa, hợp tác xã và trong ba lô ra chiến trường của bộ đội, thanh niên xung phong và xuất hiện trên mọi mặt trận chiến đấu, sản xuất, xây dựng... Phong trào “đọc và làm theo sách”, “đọc sách có hướng dẫn”, đọc “sách người tốt, việc tốt”... lan tỏa rộng lớn trong mọi tầng lớp nhân dân, hình thành nên những giá trị tri thức, văn hóa mới của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.

1. Thời kỳ 1952 - 1964

- Giai đoạn 1955 - 1959: Là thời kỳ xuất bản vừa tiến hành việc cải tạo, quản lý, hướng dẫn các hoạt động xuất bản tư nhân trong chế độ cũ, vừa tìm tòi, xác định nguyên tắc cho xuất bản mới - xã hội chủ nghĩa; đồng thời, khẩn trương triển khai những hoạt động kịp thời phục vụ các nhiệm vụ lớn mà Đảng, Nhà nước đang nỗ lực chỉ đạo thực hiện ở giai đoạn này. Tiêu biểu là Sắc lệnh 282 (ngày 11/12/1956) do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký về quyền tự do ngôn luận, xuất bản sách báo… và Chỉ thị 172-CT/TW ngày 23/11/1959 của Ban Bí thư xác định vị trí, tính chất, nhiệm vụ của ba ngành xuất bản, in và phát hành.

- Giai đoạn 1954 - 1960: số bản sách được xuất bản ở miền Bắc đã tăng lên gấp 10 lần. Đến năm 1960, chúng ta đã có thêm 12 nhà xuất bản: Thanh niên, Nông nghiệp, Ngoại văn, Giáo dục, Kim đồng, Âm nhạc, Hội Nhà văn, Văn hóa - Thông tin, Phụ nữ, Y học, Khoa học - Kỹ thuật, Thể dục thể thao. Riêng số sách xuất bản năm 1959 đã gần gấp đôi số sách xuất bản trong 9 năm kháng chiến cộng lại. Nội dung xuất bản phẩm thực sự “chiếm lĩnh” được nhiều lĩnh vực quan trọng, nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng giai đoạn này.

2. Thời kỳ 1965 - 1975

Cả nước tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược. Xuất bản ở miền Bắc phải sơ tán về nông thôn, miền núi để sản xuất, đáp ứng nhu cầu vừa chiến đấu vừa xây dựng, đồng thời trực tiếp xây dựng xuất bản cách mạng ở vùng giải phóng miền Nam. 20 nhà xuất bản ở miền Bắc đã xuất bản hàng nghìn đầu sách với hàng triệu bản phục vụ cuộc sống, chiến đấu và sản xuất của quân, dân ta ở cả hai miền. Chỉ tính riêng năm 1975, miền Bắc đã cho “ra lò” 2.905 đầu sách gồm 40 triệu bản. Mảng sách chính trị phát triển mạnh, kịp thời phục vụ có hiệu quả bạn đọc. Sách văn hóa, văn học, nghệ thuật có nhiều tác phẩm có giá trị, có tác dụng tích cực, rộng lớn, để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng với những tên tuổi tác giả được quần chúng yêu mến, trân trọng. Nhiều loại sách có chất lượng cao, phù hợp với đặc điểm chiến đấu và xây dựng ở vùng giải phóng miền Nam đã được chi viện cho đồng bào miền Nam. Nhiều bản thảo về hiện thực đấu tranh của đồng bào và chiến sĩ miền Nam do các tác giả trực tiếp tham gia chiến đấu đã được gửi ra miền Bắc để kịp thời xuất bản và phát hành trong cả nước. Năm 1968, Nhà xuất bản Giải phóng được thành lập (thời gian đầu đặt tại miền Bắc). Trên thực tế, hoạt động xuất bản ở vùng giải phóng miền Nam giai đoạn 1960 đến 1975 là một bộ phận không thể tách rời với hoạt động xuất bản miền Bắc và chính là một nhánh của ngành xuất bản cách mạng Việt Nam.

III. Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam đồng hành cùng đất nước đổi mới

1. Thời kỳ 1975 - 1985: Ngay sau ngày giải phóng (4/1975), miền Bắc đã chuyển hàng trăm triệu bản sách vào miền Nam phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng tư tưởng, tình cảm mới - xã hội chủ nghĩa.

Trong bối cảnh đất nước có một số biến động như khủng hoảng kinh tế - xã hội; chiến tranh ở biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tác động sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội…, với tư cách là vũ khí tư tưởng - văn hóa sắc bén, xuất bản đã nỗ lực vượt khó khăn, giữ vai trò tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, ổn định chính trị - tư tưởng. Từ 21 nhà xuất bản trước 1975, đến 1985 đã lên đến 40 nhà xuất bản; xuất bản được nhiều cuốn sách có giá trị, phục vụ kịp thời công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục…

2. Thời kỳ 1986 - nay

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) đánh dấu một bước ngoặt lớn lao trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đưa đất nước tiến lên sự nghiệp đổi mới ngày càng toàn diện, đi vào chiều sâu, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của tất cả các lĩnh vực trọng yếu của đất nước, trong đó có hoạt động xuất bản. Thành tựu nổi bật của toàn ngành xuất bản từ đổi mới đến nay là vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, có bước phát triển nhanh, thích ứng với cơ chế thị trường, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ ngày càng có hiệu quả công tác tư tưởng - văn hóa, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của nhân dân, đáp ứng và định hướng cho các nhu cầu ngày càng đa dạng về văn hóa đọc khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

- Giai đoạn 1986 - 1991: Các nhà xuất bản chuyển từ cơ chế bao cấp toàn bộ sang cơ chế hạch toán kinh doanh, xóa bỏ bao cấp, phải tự lo nhiều mặt, hầu hết các nhà xuất bản đều thiếu vốn, lúng túng, trong khi đó, công tác chỉ đạo, quản lý không theo kịp tình hình mới, có lúc buông lỏng, thả nổi. Nhiều nhà xuất bản ra đời, chỉ hoạt động vài năm phải giải thể, đặc biệt là các nhà xuất bản địa phương. Khuynh hướng “thương mại hóa” xuất hiện.

- Giai đoạn 1992 - nay: Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác báo chí, xuất bản, ngày 31/3/1992, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 08-CT/TW tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản với những chỉ đạo mới, kiên quyết tổ chức, lập lại kỷ cương, trật tự trong ngành xuất bản, tạo điều kiện cho bước phát triển mới trong những năm sau. Tiếp đó, một loạt văn bản chỉ đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước được ban hành đã kịp thời định hướng, quản lý, hướng dẫn hoạt động xuất bản, đặc biệt Chỉ thị 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Sau khi Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư ban hành, hoạt động xuất bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngành xuất bản phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, ổn định hệ thống tổ chức, có bước phát triển mới về năng lực hoạt động, thích ứng tốt hơn với cơ chế thị trường, bước đầu đáp ứng nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân, tiếp tục khẳng định vị thế là một lĩnh vực tư tưởng - văn hóa quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hệ thống tổ chức các nhà xuất bản được giữ vững, ổn định; năng lực, trình độ của một số nhà xuất bản được tăng cường; lực lượng lao động có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng. Lĩnh vực In và Phát hành xuất bản phẩm phát triển nhanh về quy mô và số lượng, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm được nâng cao, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước, đáp ứng tốt nhu cầu đọc của nhân dân.

Hiện nay, nhiều nhà xuất bản đã và đang có những bước đi thích hợp tạo sự đổi mới căn bản hoạt động quản lý và hoạt động sản xuất hình thành mô hình, sản phẩm mới đáp ứng những thay đổi về nhu cầu, thói quen tiếp nhận, thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số. Lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, phát hành xuất bản phẩm điện tử có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong ba năm gần đây. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phát hành sách nói đã đem lại những hiệu quả đặc biệt ấn tượng. Số lượng doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm điện tử tiếp tục gia tăng về số lượng với sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số./.

Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất