Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương, nhằm đổi mới, cập nhật, bổ sung một số nội dung trong giảng dạy lý luận chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; căn cứ Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng dành cho Bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở đã được phát hành, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn giảng dạy như sau:
I. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu chung
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ Bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực, phong cách làm việc khoa học, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
2. Mục tiêu cụ thể
Trang bị cho người học (bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở) những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở, cụ thể là: về tổ chức cơ sở đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của các loại hình tổ chức cơ sở đảng; công tác tư tưởng của loại hình tổ chức cơ sở đảng; công tác tổ chức, cán bộ; công tác dân vận, công tác kiểm tra, giám sát và công tác khen thưởng, kỷ luật của tổ chức cơ sở đảng; nhiệm vụ của chi ủy, bí thư chi bộ và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; phòng chống “tự diễn biến” , “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên ở cơ sở.
Nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng, nội dung và phương thức thực hiện chức trách, nhiệm vụ, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong thời kỳ mới; vận dụng kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp công tác đảng cho bí thư chi bộ và cấp uỷ viên cơ sở trên một số lĩnh vực quan trọng.
II. ĐỐI TƯỢNG, THỜI LƯỢNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Đối tượng
Đối tượng bồi dưỡng của chương trình là bí thư chi bộ, cấp uỷ viên cơ sở (chi uỷ viên, uỷ viên ban chấp hành đảng bộ cơ sở). Ngoài ra, có thể bồi dưỡng cho các uỷ viên không chuyên trách các ban của đảng uỷ cơ sở và các đối tượng khác có liên quan.
2. Thời lượng
TT
|
Thực hiện nội dung
|
Thời lượng
|
1
|
Bài 1
|
5 tiết = 1 buổi
|
2
|
Bài 2
|
5 tiết = 1 buổi
|
3
|
Bài 3
|
5 tiết = 1 buổi
|
4
|
Bài 4
|
5 tiết = 1 buổi
|
5
|
Bài 5
|
5 tiết = 1 buổi
|
6
|
Bài 6
|
5 tiết = 1 buổi
|
7
|
Trao đổi, thảo luận
|
5 tiết = 1 buổi
|
8
|
Tham quan hoặc báo cáo chuyên đề mới
|
5 tiết = 1 buổi
|
9
|
Hệ thống, giải đáp thắc mắc
|
5 tiết = 1 buổi
|
10
|
Viết bài thu hoạch, tổng kết
|
5 tiết = 1 buổi
|
TỔNG CỘNG
|
50 TIẾT = 10 BUỔI (5 NGÀY)
|
Trong quá trình tổ chức học tập, có thể tổ chức chuyên đề hoặc tham quan thực tế: tham quan bảo tàng, nhà truyền thống; di tích lịch sử cách mạng, những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước…
III. HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH
1. Tài liệu
- Tài liệu học tập chính thức: 6 bài trong cuốn “Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho bí thư chi bộ và cấp uỷ viên cơ sở”.
- Tài liệu cần đọc của học viên:
+ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (được thông qua tại Đại hội XI và được Đại hội XII, XIII tiếp tục khẳng định).
+ Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
+ Văn kiện các hội nghị Trung ương (XI, XII, XIII).
+ Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng.
2. Hình thức, phương pháp và tổ chức lớp học
- Giảng viên cần nắm chắc đặc điểm của đối tượng học viên để lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng cụ thể. Chọn một số nội dung trong tài liệu để đi sâu phân tích, làm rõ, kết hợp giảng bài với tổ chức thảo luận, trao đổi kinh nghiệm giữa các học viên cho phù hợp và thiết thực; có thể lựa chọn một số phần để học viên tự học, tự nghiên cứu, không nhất thiết phải giảng dạy tất cả các nội dung trong bài.
- Tổ chức học tập theo lớp; tập trung lên lớp nghe giảng, thảo luận, giải đáp thắc mắc; viết bản thu hoạch, đánh giá kết quả qua bản thu hoạch. Trong quá trình giảng bài, kết hợp giảng giải với trao đổi, đối thoại giữa giảng viên với học viên, giữa học viên với học viên. Tổ chức tham quan, nghe báo cáo kinh nghiệm thực tế cũng được coi là nội dung học tập chính thức, có liên hệ, thu hoạch.
* Trong tình hình dịch bệnh phức tạp và các trường hợp bất khả kháng khác, theo điều kiện thực tế từng địa phương, vùng, miền, vận dụng linh hoạt tổ chức lớp học theo hình thức tập trung và không tập trung; chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp học trực tuyến với trực tiếp, vừa đảm bảo được yêu cầu học tập lý luận chính trị vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh, phù hợp với yêu cầu, điều kiện và tình hình mới đặt ra.
3. Tổ chức thực hiện
- Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho bí thư chi bộ và cấp uỷ viên cơ sở được thực hiện thống nhất trong cả nước theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương.
- Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng ủy trực thuộc Trung ương có hướng dẫn thực hiện chương trình sát với tình hình địa phương, cơ sở; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên của các trung tâm chính trị cấp huyện.
Việc mở lớp do cấp uỷ trực tiếp chỉ đạo. Ban Tuyên giáo quận, huyện ủy,… chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức, Văn phòng cấp uỷ cùng cấp và trung tâm chính trị cấp huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức mở lớp. Sau mỗi lớp học, Trung tâm chính trị cấp huyện cùng với Ban Tuyên giáo quận, huyện ủy,… và Ban Tổ chức, Văn phòng cấp uỷ cùng cấp đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, báo cáo cấp uỷ quận, huyện,... và Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành uỷ, đảng ủy trực thuộc Trung ương. Ban Tuyên giáo quận, huyện uỷ phối hợp với Ban Tổ chức cùng cấp tiếp tục theo dõi, năm bắt chất lượng, hiệu quả công tác của bí thư chi bộ và cấp uỷ viên cơ sở sau khi học xong chương trình bồi dưỡng.
Việc cấp giấy chứng nhận cho học viên được thực hiện theo quy định hiện hành.
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG