Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 31/10/2016 20:48'(GMT+7)

Để hàng Việt “hút” người Việt

Tọa đàm “Tạo sức hút để người tiêu dùng đồng hành cùng doanh nghiệp Việt”

Tọa đàm “Tạo sức hút để người tiêu dùng đồng hành cùng doanh nghiệp Việt”

Một trong những nguyên nhân là do chất lượng, mẫu mã của sản phẩm trong nước chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Vì thế, để “hút” người tiêu dùng sử dụng hàng nội thì các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm.

Vẫn “sính” hàng ngoại

Sau 7 năm phát động, với sự vào cuộc tích cực từ các cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp đến các doanh nghiệp, người dân, Hà Nội hiện vẫn luôn là địa phương dẫn đầu cả nước trong thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đây cũng là địa phương được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá là có nhiều cách làm sáng tạo, bài bản, hiệu quả, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Thủ đô có bước phát triển mới cả về quy mô, trình độ lực lượng sản xuất, cũng như sức cạnh tranh của hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp Thủ đô đã phát huy tiềm năng, thế mạnh, vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hà Nội, một bộ phận người Việt Nam hiện vẫn còn tâm lý “sính” hàng ngoại, chưa quan tâm đến các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước. Bà Oanh cũng chỉ rõ, ở đây có một phần trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chưa quan tâm thỏa đáng tới nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng hiện đại. Nếu thập kỷ 60 - 70 của thế kỷ trước, thói quen tiêu dùng phổ biến là "ăn chắc mặc bền” thì trong thời đại ngày nay, tiêu chí lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng đã có sự thay đổi rõ rệt: Không chỉ yêu cầu chất lượng phải tốt, phải an toàn mà mẫu mã còn phải đẹp, giá cả phải chăng và phải thân thiện với môi trường. Đó hoàn toàn là những đòi hỏi chính đáng và doanh nghiệp cần phải nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm đáp ứng được các đòi hỏi này - bà Oanh nhấn mạnh.

Một thách thức của quá trình hội nhập hiện nay mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt là cuộc chiến giành giật thị phần và khách hàng giữa các doanh nghiệp nội và doanh nghiệp nước ngoài đang ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài được “hậu thuẫn” bởi tiềm lực mạnh, sản phẩm có thương hiệu và đã cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, trình độ quản lý doanh nghiệp hiện đại... thì nhiều doanh nghiệp nội địa vẫn loay hoay với phương thức sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún và lạc hậu. Thực tế cho thấy, đã có không ít doanh nghiệp nội địa bị phá sản hoặc điêu đứng vì không đủ sức để cạnh tranh. Thậm chí ngay cả doanh nghiệp lớn cũng điêu đứng trong cuộc cạnh tranh này.

Công ty Cổ phần Ladoda từng được đánh giá là một trong những doanh nghiệp thành công một cách ngoạn mục trong “cuộc chiến” với các doanh nghiệp nước ngoài. Song, tại cuộc tọa đàm, Tổng Giám đốc công ty Đinh Tuấn Anh cũng thừa nhận, mặc dù đã chiếm lĩnh thị trường khá tốt, đánh bật được nhiều sản phẩm cùng loại của nước ngoài nhưng hiện tại, Ladoda cũng gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với hàng ngoại vì nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu, trong nước cũng chưa có các công ty sản xuất linh kiện phụ trợ nên giá thành sản phẩm của Ladoda cũng khó cạnh tranh với các sản phẩm khác.

Chất lượng tốt, giá cả hợp lý

Từ góc độ người tiêu dùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng TP Hà Nội Phạm Hồng nêu rõ, hai nhóm tiêu chí chủ yếu mà người tiêu dùng Việt Nam hướng đến hiện nay là chất lượng và giá cả. Chất lượng phải liên tục cải tiến, không phải năm nay thấy chất lượng ổn rồi thì doanh nghiệp dừng lại, mà phải thay đổi liên tục. “Ví dụ như thực phẩm, người tiêu dùng cần các sản phẩm bảo đảm chất lượng, được bao gói gọn gàng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mua bán thuận lợi”. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng luôn có tâm lý so sánh với chất lượng hàng hóa nước ngoài.

Trong quá trình hội nhập ASEAN, yếu tố nội khối, hay nói cách khác là hàng tiêu dùng từ các nước trong khu vực cũng gây sức ép không nhỏ tới hàng Việt Nam. Đây vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức với chính Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Vì thế, để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt, để hàng Việt hút được người Việt, các ý kiến tại tọa đàm cho rằng, điểm mấu chốt là doanh nghiệp nội địa phải bắt tay với nhau, hợp tác và khai thác tốt nguồn lực, thế mạnh của nhau để sản xuất ra các sản phẩm tốt; chú trọng đầu tư cho việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để hạ giá thành sản phẩm; đầu tư thích đáng cho việc tìm hiểu, đánh giá nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chú trọng, thậm chí phải có chiến lược xây dựng thương hiệu vì ngày nay, người tiêu dùng cũng chủ yếu tiếp cận sản phẩm hàng hóa qua việc nhận diện thương hiệu.



Lan Chi (daibieunhandan)











Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất