Trong 5 năm qua, hoạt động của khoa học và
công nghệ (KH và CN) Việt Nam đã có nhiều thành tựu nổi bật, mở ra nhiều
cơ hội mới để phát triển, hiện diện trong tất cả các lĩnh vực đời sống
nhân dân. Nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém trong việc phát triển
tiềm lực KH và CN, như đội ngũ nhân lực còn yếu kém về năng lực và chưa
có chính sách đồng bộ để tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới
công nghệ…
Năm 2013, Quốc hội ban hành Luật KH và CN đã tạo một bước phát triển mới cho KH và CN của Việt Nam. Trong những năm tiếp theo, Bộ KH và CN đã hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách về KH và CN theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ, ban hành các văn bản hướng dẫn, tạo thành một hệ thống pháp luật đồng bộ, khắc phục được các mâu thuẫn, chồng chéo và tạo bình đẳng cho các nhà khoa học. Đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các nhà khoa học, khắc phục hạn chế trong nhiều năm qua trong việc trọng dụng, sử dụng cán bộ KH và CN, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho đất nước. Theo Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân, trong năm 2015, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) kết hợp với Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh châu Âu (INSEAD) khi đánh giá về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) đã xếp Việt Nam đứng thứ 52 trên tổng số 141 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới. Riêng trong khu vực Đông - Nam Á, Việt Nam đứng thứ ba, vượt qua Thái-lan và nhiều nước có GDP cao hơn hoặc tương đương. Ngay cả trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng KH và CN đã có nhiều thành tựu nổi bật được ghi nhận ở Việt Nam và quốc tế như: giải mã genome một số giống lúa bản địa của Việt Nam; ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị ung thư; sản xuất vắc-xin rô-ta; thiết kế chip vi điều khiển; ứng dụng ảnh vệ tinh VNREDSat-1 phát triển công nghệ vũ trụ tại Việt Nam… Qua đó đã khẳng định nền KH và CN Việt Nam đã dần tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, các nhà khoa học đã có đủ năng lực để ứng dụng, làm chủ các công nghệ tiên tiến hiện đại.
Bên cạnh những “điểm sáng” được ghi nhận, theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì nhiều hoạt động KH và CN chưa hiệu quả, cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng còn thiếu và lạc hậu. Trong đó, hạ tầng thông tin KH và CN, công tác thống kê chưa đáp ứng được nhu cầu khai thác, sử dụng của cộng đồng và doanh nghiệp. Hệ thống các tổ chức KH và CN có gia tăng về số lượng nhưng chưa được quy hoạch thống nhất, hiệu quả hoạt động yếu, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ. Nhất là việc chuyển đổi các tổ chức KH và CN công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn chậm là do Bộ KH và CN chưa kiên quyết và tâm lý ỷ lại bao cấp của Nhà nước. Đội ngũ nhân lực KH và CN đã gia tăng về số lượng nhưng chất lượng và năng lực còn hạn chế, vẫn còn tình trạng nhiều đề tài, dự án làm xong chỉ để bỏ ngăn kéo, nhiều cán bộ chưa chuyên tâm vào công việc, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, đầu tư cho KH và CN từ xã hội còn thấp, còn từ ngân sách Nhà nước còn dàn trải, phân tán, hiệu quả chưa cao… khiến thị trường KH và CN còn chậm phát triển. Thứ trưởng KH và CN Trần Quốc Khánh cho rằng, hạn chế còn đến từ tư duy, vai trò nhận thức của lãnh đạo nhiều đơn vị chưa sâu sắc, đầy đủ. Nhất là chưa có chính sách đồng bộ, hiệu quả để phát triển nhanh lực lượng doanh nghiệp KH và CN; chưa có cơ chế, chính sách tạo động lực để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật… Nhiều doanh nghiệp nhận thức về vai trò KH và CN còn hạn chế, sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ, ưu đãi về đất đai, khai thác sử dụng tài nguyên chưa chế biến…
Tại Đại hội lần thứ XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trình bày báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI, trong đó chỉ rõ: "Phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học và công nghệ, nhất là cơ chế quản lý, phương thức đầu tư, cơ chế tài chính để giải phóng năng lực sáng tạo, đưa nhanh tiến bộ khoa học - công nghệ vào hoạt động thực tiễn. Tăng cường liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp; mở rộng hình thức liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao, phải là hướng ưu tiên trong hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, KH và CN Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến trên thế giới”.
Để thực hiện tốt chỉ đạo nói trên, Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân cho rằng, thời gian tới, ngành KH và CN tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, sửa đổi, bổ sung các văn bản cho phù hợp với thực tế. Đối với việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành KH và CN, cần áp dụng các quy định mới về cơ chế đặt hàng, cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; thay đổi phương thức cấp kinh phí thường xuyên cho các tổ chức KH và CN công lập thông qua nhiệm vụ, chức năng; hoàn thiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH và CN công lập phù hợp với đặc thù hoạt động. Bên cạnh đó, cần tập trung các nguồn lực tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo định hướng phát triển KH và CN đến năm 2020, ưu tiên phát triển một số công nghệ tiên tiến, công nghệ cao thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, sinh học, vật liệu mới, cơ khí - tự động hóa và môi trường. Để nâng cao tiềm lực KH và CN quốc gia cần huy động các nguồn vốn từ xã hội đầu tư cho KH và CN; thực thi tốt chính sách sử dụng, trọng dụng nhân tài và xây dựng tổ chức KH và CN theo mô hình tiên tiến thế giới. Nhất là cần phát triển thị trường KH và CN, dịch vụ và doanh nghiệp KH và CN bằng cách phát triển các cơ sở ươm tạo, xây dựng thí điểm các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ khởi nghiệp… Thúc đẩy mối liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, góp phần nâng cao tính ứng dụng thực tiễn và thương mại hóa được sản phẩm KH và CN. Có như vậy thì trong giai đoạn tới, KH và CN Việt Nam sẽ khắc phục được những hạn chế, đạt nhiều thành tựu và xứng đáng là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Minh Nhật/Nhân dân