Thứ Bảy, 12/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 7/1/2010 16:4'(GMT+7)

Để những nhịp cầu mơ ước nối bờ vui

Một trong những cây cầu được hoàn thành ở Cà Mau

Một trong những cây cầu được hoàn thành ở Cà Mau

Ông Dương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo đề án xây dựng 1.588 cây cầu giao thông nông thôn của tỉnh Cà Mau trao đổi về chương trình này:

Thưa ông, trước hết xin ông cho biết là tại sao trong chương trình Nhịp cầu mơ ước, tỉnh Cà Mau lại chọn xây dựng 1.588 cây cầu mà không phải là con số khác?

Sở dĩ chúng tôi chọn 1.588 cây cầu là vì đây là chương trình kế tiếp của việc xây dựng các chiếc cầu nông thôn thực hiện từ năm 2009. Năm 2009 thì chúng tôi thống kê có 2.500 chiếc cầu chưa được bắc qua kênh rạch. Để thực hiện việc nối liền giao thông từ xã xuống ấp thì tỉnh đã vận động ngân sách và sự đóng góp của các nhà hảo tâm và nhân dân thì đã xây dựng được hơn 900 chiếc cầu rồi và hiện còn 1.588 chiếc nữa. Chúng tôi dồn sức phải dứt điểm số cây cầu này trong năm 2010 cho nên mới đặt ra chương trình Nhịp cầu mơ ước để phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2010 này.

 Thưa ông, giao thông được coi là đi trước một bước để phát triển cơ sở hạ tầng. Việc tỉnh Cà Mau dồn sức để hoàn thành 1.588 cây cầu phải chăng là một bước đi trước để phát triển để góp phần phát triển kinh tế- xã hội của mảnh đất ở cực Nam Tổ quốc ?

Tỉnh Cà Mau là tỉnh vùng sâu, vùng xa, điều kiện hạ tầng nói chung là thấp kém. Hiện nay, chúng tôi còn một huyện và 50% số xã chưa có đường ô-tô đến. Đường về huyện, đường về xã thì chúng tôi còn đang sử dụng nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ và ngân sách của tỉnh để thực hiện. Nhưng tuyến đường từ xã về các vùng nông thôn và những vùng quê xa xôi thì còn rất nhiều cách trở. Hiện tại, giao thông trong tỉnh còn rất khó khăn và chúng tôi còn có hơn 39 nghìn học sinh phải đi học bằng đò. Trong số đó có hơn 10 nghìn em ở diện phải giúp đỡ (thuộc diện nghèo, con em chính sách, dân tộc thiểu số). Trong những năm vừa qua, có rất nhiều em phải bỏ học vì không có đủ tiền để đi đò đi học. Chúng tôi thấy đây là vấn đề bức xúc và chúng tôi muốn làm sao trong thời gian ngắn nhất giải quyết tình hình này. Trong năm 2009, chúng tôi đã vận động và được các nhà hảo tâm, nhiều cấp, nhiều ngành ủng hộ để quyên góp tiền cho các em học sinh có tiền đò đi học. Năm học 2009- 2010 này, chúng tôi đã trợ cấp cho 10 .700 em với khoảng 5 tỷ đồng. Nhưng để giải quyết căn cơ vấn đề này thì phải có đường và đi liền với nó là phải có những chiếc cầu. Chúng tôi xác định rằng nếu chưa có đường bê tông, chưa cứng hoá về mặt lộ thì chúng tôi đi bằng lộ đất cũng được. Nhưng những cây cầu là trong việc nối liền giao thông, tiết kiệm thời gian cho bà con đi lại, nên quyết tâm phải xây bằng được những cây cầu này. Trong những năm vừa qua, chúng tôi đã hết sức cố gắng nhưng chỉ xây dựng được hơn 900 chiếc cầu trong tổng số 2.500 chiếc cầu ở nông thôn. Vì vậy, việc hoàn thành 1.588 chiếc cầu là ước mơ của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cà Mau và chúng tôi đang dốc sức để ước mơ này sớm trở thành thực hiện.

Nhưng số tiền hơn 450 tỷ đồng không phải là nhỏ. Tỉnh Cà Mau đã có hướng huy động nguồn lực toàn xã hôi như thế nào, thưa ông?

Việc làm này chúng tôi có tính toán rất kỹ. Cùng với việc thống kê, xác định vị trí của từng chiếc cầu cụ thể, chúng tôi cũng nêu dự toán cụ thể của từng chiếc cầu. Và số tiền mà chúng tôi ước tính lên tới 452 tỷ đồng. Đối với một vùng quê nghèo như Cà Mau, thì việc huy động cùng một lúc được số tiền đó quả là vô cùng khó khăn. Vì vậy chúng tôi thực hiện với phương châm: sử dụng ngân sách địa phương và huy động ngày công lao động của nhân dân. Ngoài ra, chúng tôi vận động các thành phần kinh tế và các nhà hảo tâm trên phạm vi cả nước ủng hộ cho Cà Mau thực hiện chương trình này. Từ tháng 11/2009 đến nay, chúng tôi đã mở nhiều đợt vận động và đến nay chúng tôi đã vận động được sự giúp đỡ nhiệt tình của các nhà hảo tâm thì 50% số lượng cây cầu mà chúng tôi phải thực hiện. Được ủng hộ và hợp lực của nhân dân, các nhà hảo tâm, chúng tôi đang triển khai xây dựng 607 chiếc cầu và đã hoàn thành 26 chiếc. Chúng tôi tiếp tục tích cực vận động để thi công để chương trình kết thúc càng sớm càng tốt.

Với tiến độ như ông vừa nêu, ông có tin tưởng vào khả năng thực hiện thành công chương trình Nhịp cầu mơ ước hay không?

Khi bắt đầu triển khai thì chúng tôi cũng lo lắng nhiều về khả năng thành công chương trình. Nhưng càng về sau, được sự ủng hộ của nhân dân và đông đảo các nhà tài trợ, các đơn vị và cá nhân hảo tâm, chúng tôi càng củng cố niềm tin. Hơn thế nữa, chúng tôi triển khai chương trình cũng khá thuận lợi và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các phần việc yêu cầu cao thì chúng tôi yêu cầu các cơ quan chuyên môn, còn những phần việc đơn giản thì huy động đoàn thể mặt trận và nhân dân các địa phương. Chúng tôi cũng cam kết với các nhà tài trợ là không để thất thoát một đồng vốn, không để xảy ra một tiêu cực gì trong quá trình thực hiện chương trình và có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân địa phương. Tất cả tiền đến mục tiêu cao nhất là thực hiện thành công chương trình Nhịp cầu mơ ước. Vì thế chúng tôi tin tưởng chương trình này sẽ thực hiện đúng như kế hoạch đề ra, nghĩa là hoàn thành cơ bản vào năm 2010 này.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.

Cà Mau là tỉnh ven biển ở cực nam của đất nước, có 3 mặt giáp biển. Phía Bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông giáp tỉnh Bạc Liêu và biển Đông, phía Nam giáp biển Đông và phía Tây giáp vịnh Thái Lan. Tỉnh Cà Mau có nhiều sông, kênh, rạch. Việc xây dựng những nhịp cầu, làm đòn bẩy và là động lực quan trọng để thúc đẩy các quá trình xã hội ở Cà Mau phát triển, theo kịp với cả nước và cùng với cả nước hội nhập thế giới. Tuy nhiên, để khát vọng này trở thành hiện thực, Cà Mau rất cần sự quan tâm, chung tay của cả cộng đồng, giúp Cà Mau hoàn thành công trình mang nhiều ý nghĩa thiết thực, để những nhịp cầu nối những bờ vui, để mơ ước hàng bao đời nay của người dân nơi miền cuối đất trở thành hiện thực.



- Mai Hồng t/hiện -

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất