Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 7/6/2013 9:46'(GMT+7)

Để Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước

5 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng có tổng diện tích tự nhiên 54.700km2. Đây là vùng giàu tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế. Ngoài tài nguyên đất đai và khoáng sản, Tây Nguyên có hệ thống giao thông liên hoàn nối với các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ, có các cửa khẩu quốc tế, quốc gia liên tuyến hành lang Đông - Tây và không quá xa các cảng biển nước sâu như Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội...

Chính phủ đã có chủ trương xây dựng Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước và đã ban hành Quyết định 936/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng đến năm 2020 với một số mục tiêu cụ thể. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,9%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/năm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2015 đạt 7%/năm, giải quyết việc làm cho 14 - 15 vạn lao động...Quy hoạch cũng xác định phát triển mạnh công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản, công nghiệp khai khoáng và ngành cơ khi chế tạo phục vụ công nghiệp chế biến...

Để đạt được các mục tiêu trên, vấn đề quan trọng hàng đầu và mang yếu tố quyết định là thu hút đầu tư vào các tỉnh. Tính từ năm 2006 đến nay, các tỉnh trong khu vực đã thu hút được 1.569 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 263 ngàn tỷ đồng, trong đó có khoảng 25% số dự án được triển khai thực hiện có kết quả. Ngoài ra, toàn vùng còn thu hút được 149 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt trên 800 triệu USD. Tài nguyên khoáng sản của vùng đang được khai thác có hiệu quả, mang lại nguồn lợi lớn...

Tuy nhiên, so với các vùng trong cả nước thì kết quả thu hút đầu tư vào Tây Nguyên những năm qua còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh và cả khu vực. Nguyên nhân chính là còn tồn tại "rào cản" đến tiến độ thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Tây Nguyên. Đó là kết cấu hạ tầng trong khu vực còn yếu, nhất là hạ tầng giao thông. Phần lớn các tuyến quốc lộ đã đầu tư xây dựng từ lâu và đều xuống cấp, trong đó tuyến quốc lộ 14 - tuyến giao thông huyết mạch của Tây Nguyên đang bị hư hỏng nặng. Công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, lĩnh vực thiếu đồng bộ và còn mang tính ngắn hạn; chiến lược xúc tiến đầu tư của khu vực và từng địa phương cũng chưa rõ ràng. Cải thiện môi trường đầu tư ở các tỉnh trong vùng còn chưa được tốt, còn nhiều thủ tục hành chính không phù hợp, gây khó khăn cho các nhà đầu tư ngay từ khâu lập dự án. Bên cạnh đó nguồn nhân lực trong khu vực rất thiếu, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao, nguồn vốn vay của các ngân hàng chưa đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của các nhà đầu tư...

Để đảm bảo các dự án đầu tư vào Tây Nguyên được triển khai đồng bộ, đúng kế hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế, Chính phủ, các bộ, ngành và các tỉnh đang cùng nhau thực hiện các giải pháp tích cực, nhằm "gỡ khó" cho các doanh nghiệp. Trước mắt, Chính phủ đã phê duyệt dự án cải tạo và nâng cấp tuyến quốc lộ 14 trong giai đoạn 2013 - 2015 và công trình này sẽ khởi công vào giữa tháng 6 tới tại đỉnh đồi Hàm Rồng (Gia Lai). Chính phủ cũng đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch của toàn vùng, quy hoạch lại danh mục các dự án đầu tư để tận dụng được thế mạnh của từng tỉnh, thế mạnh của vùng và sẽ tạo ra động lực phát triển. Xây dựng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, nhất là ưu đãi về thuế, đất đai tạo lợi thế cạnh tranh cho khu vực Tây Nguyên so với các khu vực khác trong cả nước và với các nước bạn Campuchia và Lào. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có định hướng chỉ đạo các ngân hàng thương mại phục vụ phát triển kinh tế Tây Nguyên, trên cơ sở ưu tiên về nguồn vốn và lãi suất để tập trung đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại và có sức cạnh tranh. Bộ Giáo dục - Đào tạo xây dựng chính sách hỗ trợ đối với công tác đào tạo tại khu vực Tây Nguyên để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực, trên cơ sở đầu tư nâng cấp, mở rộng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề...Các tỉnh trong khu vực cũng đang xúc tiến xây dựng lại cơ chế chính sách thu hút đầu tư phù hợp với từng địa phương theo hướng chuyên môn hóa, đẩy mạnh hơn nữa trong công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các tỉnh tăng cường liên kết nội vùng, gắn việc xúc tiến thu hút đầu tư vào Tây Nguyên với các khu kinh tế trọng điểm miền Trung, miền Đông Nam bộ, phát triển chợ biên giới trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất